Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời trang

Không quá chênh lệch mức giá, bạn sẽ chọn thời trang tầm trung nước ngoài hay thời trang nội địa Việt Nam?

Các dòng thời trang tầm trung nước ngoài đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc du nhập vào thị trường Việt Nam, bên cạnh đó thị trường nội địa cũng đang dần phát triển và tạo được vị thế vững vàng trong lòng mọi người. Vậy ai mới là người đang có những ưu thế vượt trội tại Việt Nam ?

Trong những năm trở lại đây, dòng thời trang tầm trung nước ngoài đang liên tục công kích mạnh mẽ và gần như muốn ” thao túng” thị trường Việt Nam với các chiến binh nổi trội chúng ta có thể điểm qua như : Zara, Mango, Pull&Bear, Stradivarius, GAP, Topman,…. và mới nhất chính là H&M. Điều đó đã tạo nên một làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy mua sắm của tín đồ thời trang và đồng thời cũng tạo ra sức ép cho thị trường thời trang nội địa đang phát triển.

Bên cạnh đó, các hãng thời trang nội địa tại Việt Nam cũng có những bước phát triển rất vững chắc trong thời gian rất ngắn trở lại đây, sự nắm bắt xu hướng của giới trẻ và việc đầu tư hơn vào chất lượng đã tạo nên một sự hài lòng khá lớn ở người dân Việt Nam.

-Sự đa dạng, đơn giản hay một phong cách nhất định-

Hầu hết các hãng thời trang tầm trung nước ngoài ở Việt Nam đều có mẫu mã rất đa dạng, có thể đáp ứng nhu cầu mua hàng của tất cả mọi độ tuổi. Phân khúc thời trang của họ khá rộng, từ dòng giá vô cùng rẻ đến dòng hàng tầm trung khiến cho người mua có thể thoải mái lựa chọn.

Sự đa dạng trong mặt hàng khiến cho mọi người dễ chọn lựa, nhưng đa phần khá basic, khó có những mẫu mã nổi trội hẳn.

Ngược lại, các hãng thời trang nội địa của Việt Nam “mạnh tay” theo đuổi 1 xu hướng nhất định. Tuy không có sự đa dạng, nhưng phần nhiều chú trọng sự phát triển chuyên sâu. Về chất liệu Jean đang được giới trẻ ưa chuộng, thị trường Việt có những cái tên như Molly Clothing, Bo Bụi, Tum machines, Copper denim,… Xu hướng Streetwear thì có Anti Monday, DVRK,… Kể cả những hãng có hướng đi thời trang khá khác biệt và nổi bật như Apride, 13 LÌMID,…

Các hãng thời trang nội địa với các sản phẩm có thiết kế theo hẳn 1 style nhất định!

Các item basic, hẳn rằng nhiều tín đồ sẽ không ngần ngại ghé ngay vào Zara, Pull&Bear để sở hữu một chiếc áo thun mác quốc tế với giá chỉ hơn 100.000, nhưng nếu cần mua một chiếc váy đi tiệc có phần cầu kỳ, phần đông các bạn nữ sẽ chọn Ren hoặc Cocoshin với giá dao động từ 500.000 đến 800.000 cho 1 sản phẩm được may đo kỹ lưỡng và quan trọng là: không đại trà, nếu so với Zara!

-Giá thành, chất lượng có quá khác biệt?-

Đây một trong những vấn đề mà người tiêu dùng Việt Nam khá quan tâm!

Nói là dòng hàng tầm trung nước ngoài nhưng khi du nhập vào Việt Nam, mức giá này sẽ không còn là “tầm trung” nữa, vì giá trung bình những sản phẩm này không phải ai cũng có thể mua được. Một phần là vì thu nhập của người dân Việt Nam so với các quốc gia là khác nhau nên mới có sự khác biệt về định mức giá cả.

Cùng với đó, ở 1 số item nhất định, giá giữa hãng thời trang nước ngoài và nội địa có sự cách biệt nhưng chất lượng lại không khác biệt là mấy. Ví dụ một chiếc áo hoodie của hãng Zara có giá thành từ 900 nghìn đến 1 triệu 300 nghìn, thì ở các hãng thời trang nội địa lại có giá thành khá rẻ khoảng từ 300 nghìn đến 500 nghìn.

So với giá của một sản phẩm nước ngoài, khách hàng Việt Nam có thể mua được từ 2 đến 3 sản phẩm của hãng thời trang nội địa với mẫu mã và chất lượng không quá cách biệt. Các hãng thời trang nội địa có giá thành rẻ hơn, chất lượng sản phẩm cũng được chú tâm rất nhiều từ những năm trở lại đây. Từ khâu lựa chọn chất liệu để phù hợp với thời tiết khí hậu Việt Nam, cho đến chất lượng in may cũng được kiểm soát rất kỹ lưỡng.

Chất lượng được đầu từ khá kỹ lưỡng.(Nguồn: Apride)

-Tốc độ nắm bắt xu hướng-

Một số hãng thời trang tầm trung nước ngoài có sự nắm bắt xu hướng cực kỳ nhanh và có sản phẩm theo hot trend cực kỳ lẹ, nhưng trên thực tế, thị trường thời trang Việt Nam tuy tiềm năng nhưng khá “non trẻ”. Đây cũng không phải là một trong những khu vực tâm điểm “háo hức” đón đầu xu hướng như Hàn Quốc, nên thường các sản phẩm sản xuất ra có thể sẽ về đến tay người tiêu dùng trễ hơn so với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, khí hậu, thời tiết cũng là một điểm thách thức đối với các ông lớn hàng bình dân. Đem collection mùa đông với đầy đủ áo lông, hay chất liệu da, nỉ dày cộm số lượng lớn về bán ở Sài Gòn thì có nước… lỗ vốn. Thậm chí, lúc đó có thể các sản phẩm đã out trend mất rồi.

Nhưng các hãng thời trang ở Việt Nam lại khắc phục những điểm này rất nhanh chóng vì 100% hàng được gia công trong nước, sản phẩm sẽ được đến tay giới trẻ nhanh hơn rất nhiều. Chưa kể mỗi thương hiệu chuyên về một mảng nên sự tỉ mỉ trong gia công cũng được làm một cách cẩn thận hơn.

-Tạm kết-

Mỗi hãng thời trang khi du nhập vào Việt Nam đều được tất cả mọi người đón nhận khá cuồng nhiệt, đặc biệt là thời gian đầu khi hãng mới xuất hiện ở Việt Nam. Sự tò mò cái mới, trải nghiệm mua sắm chuyên nghiệp, cảm giác sở hữu “hàng có hiệu nước ngoài” bao giờ cũng thu hút mạnh mẽ. Nhưng khi nói về đường dài, sự cuồng nhiệt sẽ ngày một giảm bớt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, chính vì basic, vì mác quốc tế, vì sự đầu tư mạnh về không gian mua sắm, các ông lớn hàng bình dân này vẫn sẽ là một trong những địa điểm must-go của giới trẻ, góp phần thay đổi tư duy thời trang của họ.

Song song đó, các local brand ở Việt Nam vẫn luôn giữ vững được vị trí nhất định trong lòng giới trẻ, phát triển từng bước từng bước đi lên khi đã xác định được phong cách, cùng với sự thấu hiểu người dùng tại “sân nhà”.

Cuộc chiến giữa “ông lớn hàng bình dân” và “local brand made in Việt Nam” hứa hẹn sẽ mang đến một thị trường thời trang nhộn nhịp, nhiều “món ngon” để các “thượng khách” vui vẻ chi tiền!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Quang BÌnh

Được quan tâm

Tin mới nhất