Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời trang

Khi Zara và H&M về chung một nhà, cuộc chiến giành 'ngôi vị bá chủ' này rồi sẽ đi về đâu?

Thế giới thời trang không phải lúc nào cũng đơn giản, hoàn hảo và lung linh như những con ma nơ canh diện đồ sang chảnh sau bức tường kính. Và cũng chỉ có người trong cuộc mới hiểu, cuộc chiến giữa những thương hiệu vẫn luôn còn đấy, chờ chực để bùng nổ.

Vài tháng vừa rồi, giới mộ điệu dường như đang trải qua từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đồng loạt những tên tuổi lớn, những ông hoàng gắn liền với thương hiệu thời trang “mì ăn liền” mang đẳng cấp quốc tế đổ bộ vào trong nước. Sau Zara, VinCom Đồng Khởi lại tiếp tục là sân đáp cho màn “hạ cánh” sắp tới của H&M, Stradivarius, Pull& Bear và Massimo Dutti. Không đơn thuần chỉ là cuộc dạo chơi tại “thiên đường” mới mẻ - màu mỡ Việt Nam, nó còn có nhiều vấn đề khác đáng để suy ngẫm.

Không ngoa khi nói tiềm năng tiêu thụ các mặt hàng thời trang của người Việt đang ở giai đoạn phát triển cực mạnh, bằng chứng rõ ràng nhất chính là sự xuất hiện đồng loạt của những “ông lớn” đình đám trong làng mốt thế giới.

Và dù có quảng cáo rầm rộ, hay âm thầm lặng lẽ thì bất kì mọi động tĩnh đều thu hút sự chú ý rất lớn của các tín đồ thời trang. Dạo một vòng VinCom Đồng Khởi - “đại bảng doanh” của nhiều nhãn hàng mới, ta có thể thấy bầu không khí tất bật bao quanh khi một bên Zara với hoạt động buôn bán tấp nập, một bên H&M đẩy mạnh tiến độ thi công bất kể ngày đêm. Chẳng dừng lại ở đây, các hãng thời trang nhỏ lẻ thuộc sở hữu nhà Inditex - “gà mẹ” của Zara bao gồm Stradivarius, Pull& Bear và Massimo Dutti cũng nhộn nhịp không kém từ lúc chính thức thông báo khai trương đồng loạt vào 1/9 sắp tới, tương đương với việc cấp tốc hoàn thành cửa hiệu cho kịp thời hạn đặt ra.

Đứng trước một bàn cờ với nhiều cơ hội và thách thức. Không biết sắp tới cả hai sẽ tung chiêu gì đây?

Ngay chính lúc này đây, những màn tranh cãi, topic bàn luận giữa hai phe H&M và Zara liên tục được dấy lên khi mẫu mã, phom dáng, độ bền và cả giá tiền của cặp đôi này được đặt lên bàn cân so sánh. Rõ ràng cuộc chiến giành ngôi vị bá chủ thật sự chỉ mới bắt đầu đầy thú vị.

Trong một khảo sát trước đây do Saostar.vn lập ra để trả lời cho câu hỏi đâu mới là thương hiệu được “ưu ái” nhất tại thị trường trong nước. Thật không quá bất ngờ khi 60% nhỉnh hơn nghiêng về nhà Zara - một đại diện đã nhanh chân trong cuộc chiến nảy lửa này. Để kể ra thì Zara Vietnam đang có nhiều ưu điểm lẫn ưu thế để dẫn đầu hơn hẳn nhà H&M, điều này khiến “gà chiến” mạnh mẽ nhất của tập đoàn Inditex khá được lòng giới sành thời trang. Từ việc khẳng định vị trí giữa vùng đắc địa hàng đầu - TTTM VinCom Đồng Khởi cho đến khả năng toả sáng và thu hút, Zara làm rất tốt.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong từng bước tiến khiến mọi nước cờ của nhà Inditex đều mang diện mạo chỉn chu và hoàn thiện hết sức có thể. Dễ thấy, cuộc “tổng tấn công” của bộ ba Stradivarius, Pull&Bear và Massimo Dutti về Việt Nam không tự nhiên mà đến, tất cả là kế hoạch do chính Inditex tạo ra nhằm “tuyên chiến” với đối thủ.

Đứng giữa một bàn cờ bao vây bốn bề là “giặc”, tuy vậy H&M không hề do dự hay dừng bước lúc nào, để đáp trả lại, giai đoạn tu sửa và chuẩn bị store đang bước vào những ngày cuối cùng. Phận “ma mới” nhưng H&M cũng không hề kém cạnh khi đem ra so sánh với nhà đối thủ, dù chưa khai trương, hãng đã nhanh chóng “kết thân” một agency 100% Việt Nam và có lịch sử vỏn vẹn một năm hoạt động để song hành cùng trong cuộc chiến này thay vì một global brand. Điều này nhanh chóng trở thành đề tài nóng hổi, mối quan tâm không chỉ trong giới sành thời trang mà còn của giới agency. Bên cạnh đó, sự kiện ra mắt BST H&M Studio Thu Đông tổ chức tại Saigon Garden vừa qua được xem như lời chào hỏi đầy thân mật và ưu ái H&M dành cho khách hàng Việt Nam.

Mở đầu cho cuộc đổ bộ của mình tại Việt Nam, thương hiệu thời trang bình dân H&M đã nhanh chóng gởi lời chào một cách rất ấn tượng đúng không nhỉ?

Bất chấp sự khởi đầu không thuận lợi do bế tắc chính trị kéo dài 10 tháng trong việc thành lập chính phủ sau các cuộc bầu cử gây chia rẽ, ấy vậy mà tác động khủng hoảnh ảnh hưởng đến nền kinh tế tới Inditex lại không quá nghiêm trọng. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc “ngôi vị” của thương hiệu Zara đang đi xuống, giữ cho mình vị trí an toàn, nhà bán lẻ hàng đầu “xứ sở bò tót” trải qua một năm không mấy nổi trội. Không chỉ khối nhà Inditex mà cả Thuỵ Điển - sân chơi lớn nhất của H&M cũng chịu chung số phận. 

Từ sự kiện Anh rời khỏi khối Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đến chiến thắng của Donald Trump giành ngôi vị Tổng thống Mỹ… Dù diễn ra trong một thời gian ngắn, suy cho cùng những sự kiện chấn động đồng loạt đổ ập tới chính là nguyên nhân làm các nhà bán lẻ phải chao đảo. Phần nào nó đã tác động ít nhiều đến chi tiêu của người dân dành cho việc ăn vận, họ trở nên dè sẻn, cắt bớt thói quen mua sắm đồ của mình hơn. Mặc dù theo bảng thống kê số liệu do chính H&M tung ra cho thấy, ông hoàng thời trang “mì ăn liền” vẫn đang hoạt động khá tốt.

Dẫu doanh thu và lợi nhuận có tăng, nhưng dễ dàng thấy Inditex vẫn còn giữ mình trong vòng an toàn quá nhiều. Nếu không có những bức phá mới mẻ hơn, thảm cảnh một ngày bị H&M vượt mặt sẽ là chuyện không còn quá xa!

Sự đóng góp của “gà chiến” số một - Zara vượt hơn một nửa so với tổng còn lại. Ấy vậy mà Inditex vẫn rất chu đáo khi gửi gắm thêm bộ ba “con cưng” khác để viện trợ trong cuộc chiến sống còn lần này.

Nhưng nếu đem ra so sánh với tập đoàn Inditex vốn hùng hậu từ xưa đến nay khi đồng sở hữu Zara, Pull&Bear, Stradivarius và Massimo Dutti thì tình hình tài chính của H&M vẫn chưa là gì quá đặc sắc. Và thậm chí, theo các nhà phân tích tài chính đến từ Credit Suisse ( một ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, trụ sở tại Zürich, Thụy Sĩ) thì quyết định giảm giá mạnh các mặt hàng của Zara gây ra ảnh hưởng mang tính công phá mạnh mẽ đến các thương hiệu nhỏ lẻ tại Châu Âu. Đánh đổi càng nhiều, rủi ro và thách thức đang đón chờ Zara dường như cứ trải dài dài, nhưng “đâm lao thì phải theo lao”, “gà chiến” hàng đầu của Inditex cứ thế mà chiến thôi.

Theo Fredrik Famm - Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á chia sẻ: “Việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam đánh dấu một cột mốt rất quan trọng và cũng là niềm tự hào của thương hiệu H&M.”

Bởi theo ông thì H&M sẽ đem tới phong cách và trải nghiệm mua sắm riêng biệt đến TP HCM cũng như truyền cảm hứng giúp khách hàng sáng tạo nên gout thời trang và cá tính ăn mặc cho riêng mình. Nhưng thật sự có phải như vậy? Chính xác mà nói thì việc đổ bộ của Zara, H&M… vào Việt Nam đồng nghĩa với câu chuyện “ một chiếc váy - mười người mặc”. Đồ vừa đẹp, vừa giá phải chăng lại vừa dễ mua thì chẳng một ai có thể nhắm mắt làm ngơ. Bên cạnh đó, cuộc đấu đá không hồi kết của các đối thủ cùng phân khúc sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho những “thượng đế”. Ngoài những chiến dịch quảng bá nâng tầm phủ sóng, các “lão làng” của thời trang bình dân thế giới hẳn sẽ tổ chức những đợt sale khủng vào các mùa để mời gọi Hội phát cuồng vì đồ hiệu bình dân.

Tuy nhiên, như… Hoàng Thuỳ đã từng nói: “Đường dài mới biết ngựa hay, Phim hay phải chờ đoạn kết, 30 chưa phải là tết!”, suy cho cùng thời thế luôn thay đổi từng ngày, muốn biết câu trả lời phải đợi sức bền trong cuộc chạy đua giữ những thương hiệu. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bảo Vii

Được quan tâm

Tin mới nhất