Tại Bỉ - năm 2019, cuộc triển lãm mang tên “What Were You Wearing?” (Bạn mặc gì hôm bị xâm hại) được tổ chức nhằm chống lại sự "đổ lỗi" tràn lan của những tội ác đồi bại. Họ đã cho trưng bày 18 bộ trang phục của các nạn nhân bị xâm hại tình dục và ghi rõ về sự thật đau đớn mà những người này đã phải gánh chịu. "Người bị xâm hại" ở đây có thể là bất kỳ ai, kể cả phụ nữ - trẻ em hay thậm chí là đàn ông.
Phần lớn các trang phục tại đây đều kín đáo, một chiếc quần jean kèm mẫu áo thun nhão nhẹt, sờn cũ cũng không trở thành vách ngăn đối với những kẻ "lên cơn thú tính".
“What Were You Wearing?” là một cuộc chống đối với các cáo buộc mà các hung thủ đã đưa ra để thoái thác cho hành vi của bản thân. Có quá nhiều người đã dùng câu nói 'Tôi cưỡng bức cô ta bởi vì người này đã ăn mặc quá hở hang" để tạo ra định kiến xã hội khiến nhiều người tin rằng: Chỉ cần phụ nữ ăn mặc nóng bỏng, việc cô ấy bị quấy rối là chuyện thường.
Từ khi nào nạn nhân cũng trở thành kẻ tội đồ?
"Hở kiểu đó đừng trách tại sao bị hiếp?" - các bình luận cay nghiệt bên dưới một bài đăng của một số cô gái thích đăng ảnh khoe thân trên mạng xã hội. Từ khi nào việc ăn mặc của phụ nữ trở thành công cụ trút tội một cách đáng sợ đến vậy?
Dựa trên nhiều vụ án, thủ phạm sẽ tìm cách để thoái thác hành vi và làm xã hội tin rằng bản thân họ không thể kiềm chế được nhu cầu sinh lý chỉ vì nhìn thấy "da thịt" của phụ nữ. Đáng buồn hơn, một số người lại đồng ý với quan điểm trên. Thay vì phải chỉ trích người đã cưỡng bức, đám đông này đã đổ tội cho cô gái kia không ăn mặc đủ chuẩn mực và người xứng đáng bị như vậy. Dần dần, sự đổ thừa trở thành một văn hoá phản logic và ăn sâu vào tiềm thức khiến xã hội trở nên suy tàn. Không những vậy, cảnh sát của một số quốc gia còn đề nghị phái nữ hạn chế ăn mặc sexy nếu không muốn bị đụng chạm thân thể và nếu có gì bất trắc họ lại phải đứng ra giải quyết các vấn đề trên.
Vậy những người ăn mặc kín đáo, tại sao họ vẫn trở thành nạn nhân của tội ác này, ai sẽ chịu trách nhiệm? Trước đây, một ngôi sao truyền hình nước ngoài tên K. đã phản pháo văn hoá "đổi trắng thay đen" từ những vụ cưỡng bức:"Một lần, khi mặc áo phông và quần jean, tôi vẫn bị một người đàn ông nổi tiếng trong ngành giải trí cố tấn công tình dục". Phụ nữ Ấn Độ cũng diện trang phục phủ kín cơ thể nhưng đã bao giờ việc này đã có tác dụng để áp chế được hành vi của tội phạm tình dục hay chưa?
Ngưng đổ lỗi cho quần áo!
“Ngừng dạy con gái cách ăn mặc. Hãy giáo dục những người khác đừng bao giờ làm những hành động như hiếp dâm”, Frankie Pangilinan. Đúng vậy, sự vô cảm và văn hoá đổ lỗi của thế hệ này đang dần cổ suý cho hành vi quấy rối khi thấy da thịt bên trong lớp áo. Phụ nữ đang bị gò ép vào một khuôn khổ ăn mặc mà xã hội tin rằng đây là điều sẽ giúp cho cô ta tránh được nạn cưỡng bức và rồi ai cũng giống như "bản photocopy" với các bộ cánh kín cổng cao tường nhàm chán.
Hãy tự làm trí tuệ phát triển thay vì áp đặt một cách vật lý cho phái nữ về quần áo của họ, hãy dạy dỗ thế hệ trẻ biết đúng và sai khi thực hiện một hành động phản đạo đức, thay vì chỉa mũi dùi ngược về phía nạn nhân.
Quần áo không có lỗi, người mặc cũng không. Và phụ nữ ăn mặc hở hang là cho bản thân, không phải một sự dâng hiến cho đàn ông! Đem quần áo của nạn nhân ra lật ngược tình huống chỉ làm dục vọng và "thoả cơn thèm" của những yêu râu xanh ngày một "dán nhãn": Chỉ cần kẻ yếu thế hở da thịt thì những tội ác được quyền thực hiện.