Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Thời trang

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt

Khó khăn chồng chất khó khăn trong vài năm trở lại đây khiến doanh thu thương hiệu đến từ Thụy Điển ảnh hưởng chẳng hề nhỏ.

Hennes & Mauritz AB là một công ty bán lẻ quần áo đa quốc gia của Thụy Điển, nổi tiếng với các mặt hàng quần áo thời trang nhanh dành cho nam, nữ, thanh thiếu niên và trẻ em. 

Tính đến tháng 11 năm 2019, H&M hoạt động tại 74 quốc gia với hơn 5.000 cửa hàng dưới các thương hiệu công ty khác nhau, với 126.000 vị trí tương đương toàn thời gian. Đây là nhà bán lẻ quần áo lớn thứ hai toàn cầu, sau Inditex có trụ sở tại Tây Ban Nha.

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 1

H&M không sở hữu nhà máy công xưởng nào. Trang phục H&M được thu mua từ khoảng 800 nhà cung ứng độc lập, chủ yếu là ở Châu Âu và Châu Á. Các văn phòng sản xuất H&M có trụ sở trên toàn cầu, tại đây xử lý mọi khía cạnh thực tế trong sản xuất và thường xuyên giữ liên hệ với các nhà cung ứng.

H&M không theo đuổi dòng thời trang cao cấp, nhưng cố gắng áp dụng các ý tưởng mới nhất trên các sàn trình diễn thời trang, điều này giúp chi phí thiết kế và quảng cáo ít hơn mà sản phẩm lại dễ dàng được chấp nhận hơn. H&M có thể đưa một sản phẩm mới ra thị trường trong vòng 2-3 tuần.

Khủng hoảng với khối hàng tồn kho trị giá hơn 4 tỷ đô

Vào giữa tháng 6/2018, một báo cáo cho biết, H&M đang phải đối mặt với hàng tồn kho ngày càng tăng do tốc độ tăng trưởng doanh thu kém hơn dự báo. 

Tồn kho lớn khiến lợi nhuận của hãng giảm 28% trong nửa đầu năm 2018. Nhà phân tích Adam Cochrane thuộc Citigroup nhận định: "Hàng tồn kho giờ đã trở thành một vấn đề lớn đối với H&M".

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 2
 H&M đang phải đối mặt với hàng tồn kho ngày càng tăng do tốc độ tăng trưởng doanh thu kém

Vào thời điểm trên, đại diện H&M nói rằng, sẽ triển khai nhiều chiến lược, bao gồm giảm giá bán hàng, để giảm dần lượng hàng tồn kho trên.

Ông Cochrane nói H&M có thể giảm giá (sales) tại những thị trường nơi người tiêu dùng có phản ứng với các đợt giảm giá. Bên cạnh đó, công ty cũng có thể bán hàng tồn lại cho các nhà bán lẻ ở các quốc gia nơi H&M chưa mở cửa hiệu bán lẻ.

Một số nhà đầu tư cổ phiếu H&M muốn công ty giảm hàng tồn kho thật nhanh, nhưng ông Cochrane nói hãng sẽ làm việc này một cách từ tốn. "Không khó để giảm tồn kho bằng cách giảm giá mạnh, nhưng điều đó gây rủi ro cho uy tín thương hiệu. H&M sẽ không muốn bị coi là một thương hiệu giảm giá", nhà phân tích nói. H&M cho biết quần áo không thể bán được sẽ được dùng để làm từ thiện hoặc tái chế.

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 3

Những vấn đề H&M đang đối mặt không chỉ nằm ở hàng tồn kho. Giới phân tích nói rằng hãng quá chậm chạp trong việc phát triển bán hàng trên mạng khiến cổ phiếu H&M đã giảm giá 18%.

Doanh số sụt giảm nghiêm trọng và khoản vay tín dụng 1,1 tỷ đô

Tập đoàn H&M đã tạm thời đóng cửa các cửa hàng trên khắp các khu vực rộng lớn của châu Âu, khi các chính phủ thực hiện các biện pháp đặc biệt để cố gắng ngăn chặn đại dịch Covid-19 đang leo thang.

Việc đóng cửa báo hiệu nhiều nỗi đau phía trước cho các nhà bán lẻ, vốn đã phải hứng chịu dư chấn của việc đóng cửa trên diện rộng vào tháng 1 và tháng 2 trên khắp Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bị bùng phát dịch bệnh.

Nhóm H&M cho biết doanh số bán hàng tổng thể vẫn tăng 5% bằng nội tệ trong thời gian từ ngày 1 tháng 12 đến ngày 29 tháng 2/2020. Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng đang có xu hướng tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sau một loạt các cửa hàng đóng cửa vào cuối tháng Giêng, doanh số bán hàng đã giảm mạnh.

 Nhìn chung, doanh số bán hàng tại Trung Quốc đã giảm 24% trong quý đầu tiên. Vào thời kỳ đỉnh điểm, công ty đã đóng cửa 334 trong số 518 cửa hàng của tập đoàn tại quốc gia này - một lời cảnh báo rõ ràng về những gì có thể sắp xảy ra ở nơi khác.

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 4
Doanh số bán hàng tháng 3/2020 của H&M giảm 46%.

Khi đại dịch tiếp tục lan rộng, các chính phủ đang thực hiện các biện pháp đặc biệt để cố gắng ngăn chặn vi rút. Ngày càng nhiều thành phố và quốc gia bị khóa cửa, chỉ những cửa hàng thiết yếu mới được phép mở cửa.

Theo đà đó, doanh số bán hàng tháng 3/2020 của H&M giảm 46% và cho biết họ dự kiến sẽ thua lỗ trong quý tài chính thứ hai của mình.

“Với sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường, chúng tôi phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn và phải hành động mạnh mẽ”, Giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm Helena Helmersson cho biết trong một tuyên bố. "Với mỗi ngày, chúng tôi phải đóng cửa các cửa hàng, tình hình ngày càng trở nên khắt khe."

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 5

H&M cho biết, để tăng cường khả năng thanh khoản, họ đã chuẩn bị một số nguồn tài chính mà dự kiến sẽ hoàn tất vào quý II.

Công ty cũng cho biết họ dự kiến có thể cắt giảm chi phí hoạt động, không bao gồm khấu hao, khoảng 20-25% trong quý II trong khi cắt giảm chi tiêu vốn kế hoạch cho năm 2020 từ 8,5 tỷ xuống còn 5 tỷ crown.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 4/2020 nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới cho biết, họ đã ký một khoản tín dụng quay vòng trị giá 980 triệu euro (1,1 tỷ USD) để tăng cường khả năng thanh khoản trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra; vì nó cảnh báo rằng họ sẽ lỗ lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ trong quý thứ hai của mình.

 Và trong quá trình công bố kết quả doanh thu kết thúc năm 2020, H&M cho biết, doanh thu ròng cả năm 2020 chỉ đạt 16,67 tỷ bảng Anh; trong khi năm 2019 đạt 20,75 tỷ bảng Anh.

Làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc

Sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 chưa thể khôi phục lại như trước đó thì vào tháng 3 năm 2021, sau lệnh trừng phạt chung của EU, Anh, Mỹ, Canada đối với Trung Quốc về các báo cáo vi phạm nhân quyên ở Tân Cương; cho nên, với lập trường tránh cưỡng bức lao động ở Tân Cương, H&M đã tuyên bố không sử dụng bông sản xuất ở đó. 

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 6
'Bông Tân Cương' là scandal thời trang cực lớn của hàng loạt các nhà mốt thế giới

Quyết định của H&M đưa ra đã gặp phải chỉ trích trên trang Weibo khi bị tung tin đồn tẩy chay bông vải Tân Cương. Nội dung trên bắt đầu lan ra khắp Trung Quốc đại lục qua phương tiện truyền thông xã hội, dẫn đến H&M đối mặt với những lời chỉ trích đáng kể giữa các người dùng mạng xã hội Trung Quốc.

Vào ngày 24 tháng 3 năm 2021, H&M trở thành thương hiệu thời trang đầu tiên được nhắm mục tiêu ở Trung Quốc, với các sản phẩm của họ bị xóa khỏi các nền tảng thương mại điện tử như Pinduoduo, JD.com và Alibaba, ứng dụng di động của họ bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc từ Baidu Maps và nền tảng gọi xe Didi Chuxing - chặn khách hàng yêu cầu các cửa hàng H&M làm điểm đến của họ. 

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 7
Tống Thiến từng có mối quan hệ tốt với nhãn hàng H&M giờ đây thì cũng phải chào tạm biệt không hẹn ngày gặp lại

Hai trong số các đại sứ thương hiệu của H&M tại Trung Quốc là Huang Xuan và Victoria Song đã thông báo rằng họ không còn cộng tác với H&M . Song song, dòng hashtag "Tôi ủng hộ bông Tân Cương" được chia sẽ rộng và có lượt xem hơn 1,1 tỷ lần trên mạng xã hội Trung Quốc.

Vào ngày 31 tháng 3, H&M đã phản hồi bằng một tuyên bố mạnh mẽ rằng, sẽ xây dựng lại lòng tin ở Trung Quốc và phục vụ khách hàng của mình một cách tôn trọng.

Khủng hoảng truyền thông qua định vị bản đồ tại khu vực biển Đông

Trong một dữ liệu báo cáo quý I năm 2021, bắt đầu từ 1-12-2020 đến 28-2-2021, doanh thu thuần của nhóm H&M giảm 21% so với cùng kỳ.

Việc phát triển bán hàng của H&M bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình huống Covid-19, với các hạn chế rộng rãi và tại hầu hết trên 1.800 cửa hàng tạm thời đóng cửa. 

Kể từ đầu tháng 2, một số thị trường đã dần dần cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại nhưng tại Trung Quốc, thương hiệu đã phải đóng cửa 20 cửa hàng sau sự náo động của địa phương về lập trường của họ đối với bông Tân Cương.

 Và chỉ sau một tuần gặp phải rắc rối tại thị trường lớn mạnh Trung Quốc thì H&M phải hứng chịu thêm một cuộc tẩy chay khác tại thị trường tiềm năng Việt Nam.

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 8

Nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển đã gây phẫn nộ cho Việt Nam sau khi họ đăng một bản đồ trên trang web của mình mô tả các cụm đảo ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc. Theo một số thông tin chưa được xác nhận, H&M đã thay đổi bản đồ theo yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Tại Việt Nam, nhiều người dùng mạng xã hội đã tức giận và kêu gọi cộng đồng tẩy chay các sản phẩm của thương hiệu nếu không có lời xin lỗi thỏa đáng; hoặc bắt buộc sẽ phải đóng 11 cửa hàng.

H&M và những cú trượt dài trong scandal khó lòng cứu vớt Ảnh 9
Khách hàng Việt Nam đang đồng lòng tẩy chay H&M 

Hiện tại, H&M vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ việc và sẽ có thông tin cụ thể sau. Việt Nam là quốc gia mạnh mẽ nhất trong khu vực trong việc đẩy lùi các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vào năm 2019, Việt Nam đã ra lệnh cho các rạp chiếu phim tạm dừng chiếu bộ phim “Abominable” của DreamWorks Animation; vì bộ phim này cho thấy đường lưỡi bò trên bản đồ. 

Cùng năm đó, Việt Nam cho biết sẽ phạt nhà phân phối địa phương và nhà nhập khẩu của Volkswagen AG vì trưng bày một chiếc xe có ứng dụng định vị phản ánh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. 

Và H&M là một ví dụ mới nhất về việc một doanh nghiệp vướng vào các mối nguy địa chính trị khi các quốc gia tranh cãi về các vấn đề từ tuyên bố chủ quyền đến biên giới biển.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phong

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm