Ngành công nghiệp thời trang hiện lên trong tiềm thức mỗi con người là sự xa hoa, hào nhoáng, một ngành nghề tôn thờ cái đẹp, tôn vinh ngôn ngữ hình thể. Ánh sáng vinh quang trong giới thời trang quá lấp lánh nên đã vô tình khỏa lấp những góc tối thậm chí là những sự thật rợn người vẫn hiện hữu mà chúng ta chằng hề hay biết.
Hằng ngày chúng ta vẫn quan tâm mặc gì và như thế nào cho đẹp, mua sắm ra sao, chung quy lại điều con người quan tâm trong thời trang chỉ là cái đẹp bề ngoài của quần áo, váy vóc rồi túi xách, phụ kiện, đồ hiệu xa xỉ. Đó là sự thật không hề sai trái. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây chính là để làm ra những sản phẩm vật chất phục vụ nhu cầu trưng diện, mua sắm, đằng sau đó là cả một câu chuyện ảnh hưởng đến tính mạng của con người và cả sinh vật trên Trái Đất. Nói xa hơn chính là khía cạnh đạo đức trong ngành công nghiệp bạc tỷ này.
“Đạo đức trong ngành thời trang ở đâu?”
Đó là tiêu đề của video do một tạp chí thời trang Việt Nam đăng tải. Video clip là sự tổng hợp những thông tin, sự thật xảy ra tiêu cực trong ngành thời trang đánh trúng vào tâm lý tò mò cùng như ngạc nhiên của nhiều người. Dưới đây chính là những sự thật được phơi bày nhằm minh chứng cho việc đồng tiền đã khiến họ quên bẵng đi đạo đức, cách đối xử với con người và động vật:
Đằng sau những bộ quần áo rất đỗi bình thường… là hàng nghìn loại hóa chất gây nên căn bệnh về da, ung thư cho con người. (Nguồn video: Elle Vietnam)
Giết và lột da động vật là minh chứng rõ nhất cho sự “tàn khốc” của ngành thời trang. Khi đã sở hữu một chiếc túi xách hạng sang làm từ da động vật, các cô gái nếu biết những câu chuyện đằng sau đó có lẽ sẽ bị ám ảnh phần nào khi nhìn vào mẫu phụ kiện ấy.
Để cảnh tỉnh hành động sát sinh động vật dã man, tại Bangkok, Thái Lan một cửa hàng mang tên “The Leather Work”, người ta đã trưng bày những món đồ thời trang chủ yếu là túi xách tay hàng hiệu từ da trăn, da cá sấu. Bên trong túi đặt những cơ quan nội tạng giả còn nguyên mạch máu và tim vẫn đang đập của động vật để khi các tín đồ yêu thời trang nhìn vào sẽ cảm thấy ám ảnh, giật mình.
Đôi khi chính con người cũng không nghĩ rằng bản thân đang khoác lên những thứ được sản sinh từ sự chết chóc của động vật. Chứng kiến quá trình giết mổ đà điểu của một công ty, điều tra viên kể lại trên trang Petaasia rằng những người công nhân giữ chặt chú đà điểu một cách bạo lực, dùng điện kích thích để cho chúng choáng váng nhằm dễ dàng thực viện hành động cắt cổ họng. Tiếp sau đó, họ vặt lông đà điểu khi cơ thể còn ấm nóng, những sợi lông bay ra tan tác, các chú chim trở nên trần trụi và bị loại bỏ.
Có một cuộc sống đối lập đằng sau ngành công nghiệp giàu có
Nạn bóc lột lao động, quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em vẫn tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang “mì ăn liền”. Tạị các xưởng may ở Bangladesh, trẻ em từ độ tuổi 10 đến 14 phải làm việc trong điều kiện tồi tàn, nghèo nàn về vật chất. Đồng nghĩa với việc các em sẽ không được đến trường để làm công nhân cho các nhà xưởng. Công việc hàng ngày gói gọn từ sáng sớm cho đến tối mịt và kết quả chỉ nhận được vài đồng lương rẻ mạt.
Hố sâu tiền bạc trong làng thời trang được đánh đổi bằng những hành vị bóc lột trẻ em và thậm chí “giết chóc” động vật chỉ để thỏa mãn niềm đam mê sở hữu của bản thân. Khi đặt vấn đề đạo đức vào ngành công nghiệp mang vẻ ngoài hào nhoáng, danh vọng, chính con người cũng sẽ phải hoảng hốt vì hệ lụy hai mặt do chính mình tạo ra. Ánh hào quang của “nền công nghiệp không khói” rất lớn nhưng không chiếu hết được mọi ngóc ngách phía sau, để lại một khoảng tối hiện lên với sự ám ảnh và đau thương. Rồi cuối cùng một câu hỏi lớn đặt ra với tất cả mọi người:
“Đạo đức ngành thời trang có đang vượt mức báo động?”