Thời trang

'Đại chiến' ngành thời trang: Tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại

Bà Tám
Chia sẻ

Cuộc chiến giữa những người mẫu và công ty BeU vẫn chưa có hồi kết và cũng chưa biết sẽ kết như thế nào, nhưng ít nhất, với những gì đang bày ra hiện nay, có thể nói, hình ảnh của những người làm ngành thời trang chưa bao giờ tồi tệ đến thế.

Một cuộc chiến đông đủ thành phần

Chưa từng có “cuộc chiến” nào trong bất cứ một ngành nghề nào thuộc về showbiz mà lại nhiều thành phần tham gia và đông đủ “quân số” như cuộc chiến giữa những người mẫu và công ty sản xuất chương trình Vietnam's Next Top Model (VNNM). Từ người mẫu, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, sản xuất chương trình, quản lí người mẫu, stylist,… tất tần tật đều có hết ở hai đầu chiến tuyến. Gần như không thiếu một ai và tất cả họ đều là những gương mặt đình đám trong làng mẫu Việt Nam.

3

Có ai dám chắc rằng những tranh cãi xung quanh cuộc chiến này chỉ đơn thuần vì hai chữ “sự thật”?

“Sư nói sư phải/ Vãi nói vãi hay” ai cũng có cái lí của mình, ai cũng có quan niệm, ai cũng có những giá trị của bản thân cần bảo vệ, cần duy trì để lên án những người đi ngược lại với những điều đó mà xâm phạm bản thân. Thế nhưng không thể vì thế mà có thể thoá mạ, lăng nhục người khác. Rất tiếc, điều mà chúng ta - những độc giả, những người yêu thời trang - đang thấy lại là những điều chưa thực sự đẹp đẽ trong những phần ứng xử.

“Cả giận mất khôn” - người xưa nói vậy, thế nhưng, nếu như cứ “mất khôn” nhiều như vậy thì cái mất sẽ nhiều hơn không chỉ là “khôn” của từng cá nhân một. Mọi thứ cứ ê hề ra đó, cứ chỏng chơ, cứ loã lồ hết trên mọi hình thức có thể khai thác được và người đọc vào sẽ coi đó như những thứ mua vui giải trí, hài hước, cười cợt, dèm pha, giễu nhại để rồi cuối cùng, người ta bẽ bàng nhận ra: Tất cả những người đang rơi vào cuộc chiến này là những người đang làm nghệ thuật, đang làm công tác văn hoá.

Sự bảo trì và suy tôn văn hoá của những “thành viên” của cuộc chiến này suốt nhiều năm qua, vô tình lại bị chính họ đạp đổ không thương tiếc. Đến người trong cuộc còn chẳng thương tiếc thì xá gì những người qua đường phải nhủ lòng.

Chung quy lại cũng chỉ vì một chữ “Tiền”

Suy xét mọi vấn đề cho thấu tình đạt lí, đi đến tận chân vấn đề thì ngỡ ngàng nhận ra, chung quy lại, xuất phát điểm của mọi vấn đề đều bắt đầu từ chữ “Tiền” mà ra. Người mẫu tố công ty trả lương diễn thấp, trả chậm, cắt bớt, không trả. Công ty tố người mẫu chịu ơn mà không trả, không có công ty bỏ tiền sản xuất chương trình lấy đâu người mẫu thành công như bây giờ. Tiếp đến, những người “lâm trận” cũng “vạch mặt” đơn vị sản xuất rằng các vị sản xuất chương trình vì tiền tài trợ bỏ “cho đầy túi tham” chứ cũng chẳng vì tương lai gì của ngàng người mẫu hay thời trang gì hết.

3

Bà Trang Lê - “cha đẻ” của Vietnam's Next Top Model

Trước vẫn vậy, bây giờ vẫn thế và có lẽ cả sau này cũng chẳng khác đi, đó là mọi mâu thuẫn chỉ xảy ra khi mà quyền lợi bị xâm phạm. Mà thứ quyền lợi nhìn thấy rõ nhất ở đây là Tiền. Hai bên kéo bè kéo cánh, lập đội xông pha trận mạc. Một bên là tập hợp những cá nhân nổi đình nổi đám nhất hiện nay của giới thời trang. Một bên là công ty nổi tiếng nhất hiện nay về sản xuất các chương trình liên quan đến thời trang. Hai bên khẩu chiến qua lại trên các phương tiện.

Buồn một điều, cả hai bên với hàng chục con người đó đã từng ngồi làm việc cùng nhau, đã từng “tỏ ra thân thiết” cùng nhau, đã từng lăn lộn, thức đêm thức hôm cùng nhau trong đằng đẵng hằng năm trời để tạo ra những người mẫu, những chương trình truyền hình thực tế, những chương trình biểu diễn, những tuần lễ thời trang, v.v…. Giờ thay vì ngồi cùng nhau trong một cuộc họp để tìm hướng phát triển thì lại ngồi sau những chiếc smart-phone, những chiếc máy tình để vắt óc nghĩ về “binh pháp” hòng tìm chiến thắng trong cuộc chiến không mang mùi thuốc súng này.

Một cuộc chiến giết chết những thương yêu 

Nhưng có ai nói cuộc chiến nặng mùi phấn son lụa là này lại không có độ “sát thương” cao? Rồi những niềm tin giữa con người với con người, giữa những người mới với người cũ, giữa những ước mơ sắp được nhen nhóm với ngành công nghiệp này, giữa những độc giả và chương trình, giữa những người hâm mộ và người mẫu - nhà thiết kế liệu có chắc còn nguyên vẹn và tinh khôi? Rồi có ai còn dám đặt niềm tin đời mình, giấc mơ sự nghiệp vào những cá nhân đang ngày đêm tranh luân, bới móc, doạ nạt, xỉa xói lẫn nhau?

Trong một cái nhìn chung, khi mà mọi thứ mới đang vừa bước qua vạch xuất phát, đang bước đi những bước đầu tiên của lộ trình công nghiệp hoá một ngành công nghiệp dịch vụ thì những ngáng trở đã xuất hiện. Những ngáng trở này không lớn mang tính định hướng, quản lí nhưng lại là những điều hết sức nguy hiểm bởi nó xuất phát từ nhu cầu - thói quen - tính cách và cả sở thích của những người trong cuộc về nhu cầu khẳng định bản thân, nhu cầu được thừa nhận, nhu cầu được mang ơn và nhu cầu được nhìn nhận những đóng góp.

Khi những cá nhân không thể tìm được một tiếng nói để cho một ngành nghề tiến lên thì những sự nhỏ lẻ trong việc “phát biểu” của từng người một sẽ chẳng khác gì những tiếng ồn của một phiên chợ. Và rồi chợ thì cũng tan, nhưng rác thì ở lại, nhưng rồi ai sẽ là người đi hốt rác và những thức bốc mùi tương tự như vậy hay cứ để đó mặc người qua đường “thưởng thức”?

Câu hỏi này chắc chỉ có những người đang hăng say trong cuộc chiến này mới tìm được lời giải đáp, nhưng rõ ràng, mọi chuyện đã chẳng thể như cũ. Hoàn toàn không thể như cũ, ngay cả với tình yêu và sự quý mến của khán giả dành cho những người đang vướng bận với cuộc chiến này. Đó mới là tổn thất nặng nề nhất cho cả hai phía.

Chia sẻ

Bài viết

Bà Tám

Tin mới nhất