Thời trang

Đã có thời nếu đội mấn màu vàng sẽ bị khép vào tội 'khi quân phạm thượng'

Hồng Sen
Chia sẻ

Mấn là một trong những phụ kiện quen thuộc, thường thấy trong những ngày Xuân. Món phụ kiện bé nhỏ này tưởng chừng không quá đặc biệt, hóa ra lại chứa đựng một lịch sử thú vị trải dài theo từng giai đoạn tháng năm.

Mấn hay khăn đóng từ lâu đã là một phụ kiện quen thuộc được nhiều bạn nữ (và một số bạn nam) lựa chọn phối cùng khi diện áo dài đi trẩy hội du Xuân.

Trái với những thiết kế có phần cầu kì, thậm chí khá nặng của các cô dâu trong ngày cưới, mấn hôm nay được cách tân, trở nên gọn gàng, nhẹ nhàng và thuận tiện cho việc sử dụng ở đời thường.

Quen thuộc là thế, nhưng có lẽ mấy ai biết được, đằng sau chiếc mấn đội đầu truyền thống ấy là cả một lịch sử phát triển thú vị, trải dài theo những năm tháng đằng đẵng của dân tộc Việt.

Theo tác giả “Ngàn năm áo mũ” - Trần Văn Đức, việc đội mấn xuất phát từ phong tục quấn khăn của người Champa. Nét đặc trưng của An Nam thời Nguyễn chính là những chiếc khăn vấn, việc vấn khăn trên đầu trước tiên là để tránh cái nóng gay gắt của khí hậu Nam Trung Bộ, sau đó là để làm làm đẹp.

Năm 1744, trong thời kì Trịnh, Nguyễn phân tranh, võ vương Nguyễn Phước Khoát ban lệnh toàn cõi Quảng Nam phải ăn mặc theo lối mới để tạo sự khác biệt với người miền ngoài. Do đó, tục vấn khăn đã trở thành một đặc trưng của những người sống tại khu vực Nam Trung Bộ.

Đến năm 1830, khi các đạo luật ngặt nghèo của vua Nguyễn Thánh Tổ được ban hành thì khăn đóng mới trở nên phổ biến trên cả nước.

Phụ nữ vấn khăn khá đa dạng, phần mái vuốt hết ra sau hoặc chẻ ngôi giữa. Điểm chung có thể kể đến là họ rất coi trọng sự gọn gàng của phần mái, không bao giờ để lòa xòa.

Kiểu vấn khăn nam giới thường có một điểm chung là không để lộ mái tóc trước trán. Hầu hết nam giới đều chỉ vấn theo một kiểu búi tóc cột riêng sau gáy, và khăn vấn lên.

Với các tiểu thư, cách vấn khăn cũng gọn nhẹ, thoải mái, không quá cầu kì, hoành tráng mà hoàn toàn tự nhiên, thuận lợi cho việc sử dụng hằng ngày.

Mấn cũng có nhiều loại, dành cho nhiều sự kiện khác nhau, như loại bên trái được gọi là mũ mấn, gồm một tấm vải rất dài và dày được quấn nhiều vòng quanh đầu, chỉ dành cho các ngày lễ trang trọng. Loại bên phải được gọi là rí, được sử dụng cho các ngày bình thường. Tùy theo lứa tuổi, giới tính, chức vị mà màu sắc của mấn hay rí của người đội cũng khác nhau. Đặc biệt, màu vàng là màu của hoàng tộc, nếu không phải công chúa hay hoàng hậu mà sử dụng, bạn sẽ bị khép vào tội chết.

Ngoài ra, khăn rằn cũng là một biến thể của mũ mấn, được kết tinh giữa chiếc khăn vấn của người Việt cùng với khăn rằn của người Khmer. Nhưng khác với màu đỏ của người Khmer, khăn của người Việt có màu đen xen trắng. Khăn thường dài 1m2, rộng cỡ 40-50 cm, có thể dùng để cột đầu, cột ngay cổ…

Hình ảnh những người nông dân, đầu chít khăn rằn đã sớm trở nên quen thuộc. Đây cũng là một trong những đặc điểm được các nhà làm phim khắc họa rõ nét nhất khi nói về người dân miền Nam thời kì trước giải phóng.

Nếu khăn rằn là nét đặc trưng của người miền Nam thì khăn mỏ quạ lại là một chi tiết đặc biệt của người miền Bắc, được phổ biến từ những năm 1920 và có nhiều biến thể, cách quấn khác nhau theo từng vùng, miền đất nước.

Ngày nay, mấn đã trở thành một phụ kiện quen thuộc, được xuất hiện rất nhiều trên các sàn diễn thời trang.

Kích thước của mấn cũng được làm to hơn, hoành tráng hơn, gây ấn tượng với người nhìn.

Bên cạnh nhiều khán giả khá thích thú khi được ngắm nhìn những thiết kế mấn đội mới mẻ, vẫn có những ý kiến cho rằng, việc thay đổi, cách tân quá nhiều đã khiến mấn mất đi nét truyền thống, đặc trưng vốn có. Đặc biệt, việc thay đổi chất liệu, từ vải truyền thống sang kim loại, gỗ… khiến món phụ kiện này trở nên nặng hơn, gây khó khăn cho người mặc.

Trong những năm gần đây, các kiểu mấn cách điệu, được làm từ vải nhồi gòn, đã là sự lựa chọn yêu thích của nhiều người khi xuống phố ngày Xuân.

Với kích thước vừa phải, màu sắc nổi bật, các chiếc mấn này sẽ là điểm nhấn sáng giá của người mặc khi xuống phố.

Ngoài các kiểu mấn đính kết, mấn trơn một màu cũng được ưa chuộng.

Không nhất thiết phải diện áo dài, cách đội mấn này cũng rất hợp với các kiểu váy suông, áo yếm… mang hơi hướng truyền thống.

Chia sẻ

Bài viết

Hồng Sen

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất