Suốt gần 2 thập kỉ ròng rã mang chuông đi đánh xứ người tại chiến tuyến Miss Universe, bằng cách này hay cách khác, các chiến binh Việt luôn tìm mọi cách để mang những tà áo dài giới thiệu với bạn bè quốc tế với tâm thế: Khi thấy áo dài tung bay trên đường phố là thấy tâm hồn Việt Nam ở đó.
Và cứ như vậy, tại phần thi National Costume các thế hệ người đẹp như Hoàng Khánh Ngọc - Thùy Lâm - Trương Thị May - Diễm Hương đều chọn áo dài để thể hiện cho đêm thi Trang phục dân tộc. Sau khi thuật ngữ "quốc phục" được cởi trói và được hiểu theo một khía cạnh rộng hơn - tức là những bộ trang phục dân tộc đi chinh chiến không nhất thiết phải là quốc phục mà nó có thể là một nét đẹp văn hóa vùng miền, một ngành nghề truyền thống và cũng có thể là một loại hình canh tác.
Và thế là ... Nàng Mây ra đời
Sau khi Việt Nam liên tục trượt dài trên đường đua Miss Universe nói chung cũng như chưa tạo được điểm nhấn mạnh mẽ tại phần thi National Costume, những con số lọt Top 5 hay Top 10 Best National Costume cũng chỉ là thành tích an ủi và chưa có sự đột phá.
Đúng vào thời điểm Lệ Hằng chinh chiến Miss Universe 2016, phía đơn vị nắm giữ bản quyền đã phát động cuộc thi Tuyển chọn trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016. Tiêu chí đề ra của ban tổ chức chính là không giới hạn độ tuổi tham dự, không gò bó về ý tưởng miễn sao phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Đánh bại rất nhiều thiết kế xịn xò, "Nàng Mây" của NTK Thái Trung Tin đã về đích rất thuyết phục và theo chân Lệ Hằng đi chinh chiến. Mặc dù không chiến thắng giải thưởng Best National Costume nhưng chính Nàng Mây đã mở đường khai lối để khán giả có cái nhìn thoải mái hơn về các thiết kế như Bánh Mỳ - Cà phê phin sữa đá - Kén Em - Bánh Tét sau này.
Đi qua nhiều mùa giải hoa hậu, cái bóng của Nàng Mây vẫn quá lớn và thậm chí đây còn được đánh giá là bộ trang phục dân tộc đẹp nhất của Việt Nam từng mang đi thi đấu tại đấu trường nhan sắc quốc tế.
Chiếu Cà Mau sao đi gắn chữ Hán vào trang phục người Việt?
Điểm tương đồng của Chiếu Cà Mau và Nàng Mây chính là 2 bộ trang phục này đều kể về một làng nghề truyền thống của vùng quê tại Việt Nam. Nàng Mây là hiện thân của làng nghề truyền thống đan lát mây tre lá trong khi đó Chiếu Cà Mau là ca ngợi vẻ đẹp sự cần cù của những nghệ nhân làm chiếu.
Nếu xét về bố cục và kĩ thuật dựng phom thì rõ ràng Chiếu Cà Mau có phom dáng khá hoành tráng và chặt chẽ. Tức là không gây khó cho Ngọc Châu trong việc lắp ráp cũng như trình diễn và Chiếu Cà Mau cũng không sử dụng hiệu ứng đèn led nên rất dễ tháo gỡ và hạn chế được rủi ro trên sân khấu.
Không hề có một sự so sánh về tính hơn thua giữa Chiếu Cà Mau hay bất cứ một thiết kế nào khác. Nhưng phải dành lời khen cho cha đẻ của thiết kế này đó chính là tính nhất quán từ bản sketch cho đến khi thành phẩm ra lò. Nhìn lại bản vẽ lúc cậu bé đam mê thời trang Nguyễn Quốc Việt gửi đến BTC cũng như thành quả Ngọc Châu diện vừa fan phải công nhận: Thiết kế ít xa rời bản gốc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng chiếc chiếu mang hơi hướng "tâm linh", khi diện lên người trở thành bộ trang phục để trình diễn trên sân khấu thì không phù hợp. Bên cạnh đó, người hâm mộ cũng hoang mang khi mới đây, trên mạng xã hội lại lan truyền một thông tin cho rằng "Chiếu Cà Mau" mang nét văn hóa của Trung Hoa - đây là một điều tối kỵ khi trang phục dành cho Việt Nam để thi trong phần National Costume lại mang hơi hướng của một quốc gia khác.
Sự trộn lẫn, giao thoa giữa 2 nền văn hóa còn thể hiện rất rõ ở phần cánh tay của bộ trang phục còn có họa tiết là biểu tượng chữ "Thọ" và trong tiếng Hán - nó là văn hóa gốc của người Trung Hoa. Mặc dù phía ê-kíp có phản hồi rằng, Chiếu Cà Mau vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện những chi tiết "râu ria" cuối cùng nhưng chúng ta cũng phải và nên tính đến phương án "bị trùng lặp". Cho dù có giải thích như thế nào đi chăng nữa, chữ "Thọ" vẫn là tâm điểm của sự chú ý về phần nhìn.
Có một dòng bình luận của khán giả không chuyên về sắc đẹp đã phản ứng khá gắt gao: "Tôi có một thắc mắc là tại sao trang phục dân tộc Việt Nam mà trên tay áo không dệt chữ bằng tiếng Việt hay hình hoa sen hoặc tranh đông Hồ Việt Nam mà lại đi dệt một chữ Hán".
Tuy nhiên nếu xét về tính thẩm mỹ và đánh giá ở góc độ thời trang, nếu như Nàng Mây hay Kén Em tất cả mọi chi tiết nhỏ nhất đều được chắt lọc đính kết và thêu vá một cách tỉ mỉ từ hàng trăm, hàng ngàn giờ đồng hồ vì họ phải "se chỉ luồn kim" thì có vẻ công đoạn này lại khá dễ dàng cho NTK Nguyễn Quốc Việt. Vì bởi lẽ, Chiếu là một vật dụng đã có sẵn và nó được định hình bằng kích thước, kích cỡ một cách rõ ràng.
Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, Ngọc Châu giống như đang khoác lên mình những chiếc "chiếu công nghiệp" đã được uốn nắn - gọt gũa về đường nét hơn là đi kể cho cả thế giới biết về ngành nghề làm chiếu lâu năm tại miền quê ở Việt Nam.
Chân dung nhà thiết kế hoàn toàn khác với cậu bé yêu thời trang đang tập vẽ, tập tô
Ngay từ đầu, khi phát động cuộc thi tìm kiếm trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe, ban tổ chức đều nhấn mạnh không giới hạn số lượng bài vở dự thi - không giới hạn độ tuổi và không giới hạn đề tài. Chính quá nhiều cái không như thế này đã dẫn đến một hệ lụy các "cậu bé yêu thời trang" tham lam chi tiết, ôm đồm vô số câu chuyện bất bình thường để biến nó trở thành cảm hứng bất tận cho nghệ thuật.
Còn nhớ tại năm tìm kiếm trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy đi chinh chiến Miss Universe 2019, ngay sau khi thiết kế Sơn Tinh - Thuỷ Tinh được đăng tải đã khiến nhiều người phải trầm trồ vì quá đẹp. Và ngay lập tức, nhiều người đã hào hứng với thiết kế này đi kèm với nhiều lời khen một cách vội vã: "Quá xuất sắc", "Quá tuyệt". Nhưng chúng ta phải tỉnh táo để nhìn nhận nó chỉ đẹp ở phiên bản tô màu trên giấy. Lúc gửi bài dự thi, cha đẻ của Sơn Tinh Thủy Tinh là cậu bé Lương Đức Minh đang ngồi trên ghế nhà trường, cụ thể đang là học sinh lớp 11 thì lấy gì để khắc họa được một bộ quốc phục đại diện cho Việt Nam đi chinh chiến quốc tế.
Quay trở lại câu chuyện của Chiếu Cà Mau, rõ ràng ở đây "Chiếu" là một sản phẩm và "Cà Mau" là một địa danh. Nếu mang Chiếu Cà Mau đi thi một cuộc thi sắc đẹp trong nước - nơi mà tỉnh Cà Mau đang có thí sinh tham dự và cô ấy khoác lên một bộ "trang phục vùng miền" như thế này có vẻ hợp lý hơn là mang Chiếu Cà Mau đi quốc tế hóa tại đấu trường sắc đẹp khốc liệt nhất hành tinh như Miss Universe.
Đó là chưa kể cha đẻ của Chiếu Cà Mau đang sinh viên của một trường đại học tại TP.HCM và sinh năm 2000. Ở tuổi 22, một "cậu sinh viên" chưa đủ trải nghiệm và vốn sống để hiểu như thế nào là một câu chuyện văn hóa để biến nó trở thành những đứa con tinh thần - cụ thể ở đây là sản phẩm thời trang.
Trước khi để khán giả Việt Nam và cả khán giả quốc tế hiểu được như thế nào là một bộ National Costume có chiều sâu, có tính nghệ thuật thì điều đầu tiên đó phải là một bộ trang phục dân tộc đẹp. Trong khi đó điều này Chiếu Cà Mau vẫn chưa làm được, đại đa số thị hiếu fan sắc đẹp vẫn chưa cảm hóa nỗi thiết kế này. Nhiều bình luận còn cho rằng: "Tại sao lại đi lấy chiếu ở ngoài phố khoác lên người để đi thi quốc phục", "Nếu đi mua chiếu để dựng thành áo dài mà gọi là nhà thiết kế thì không đúng".
Cởi trói không có nghĩa là phá bỏ mọi giới hạn
Những năm gần đây, trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam ở Miss Universe ngày càng sáng tạo và "vượt xa trí tưởng tượng". Năm 2018 trang phục "Bánh mì" mà H'Hen Niê diện cũng không có tính thời trang - Hoàng Thùy cũng chỉ đội cái phin cà phê trên đầu để trình diễn tại National Costume ở mùa giải 2019.
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại một lần nữa cái cụm từ National Costume. Sự sáng tạo của thế hệ trẻ là điều đáng ghi nhận nhưng không thể cứ bấu vía vào cái sự việc này để bắt các cậu bé tập tô tập vẽ phải chín sớm để một bước lên mây tự phong tự nhận cho mình các danh xưng nhà thiết kế.
Bài toán cần đặt ra ngay lúc này đó chính là việc có nên hay không giữa việc để các cậu bé đang có niềm yêu thích thời trang - đam mê tô màu tập vẽ tham gia vào sứ mệnh thiết kế trang phục dân tộc cho các chiến binh Việt trong khi các NTK lão làng lại mang show của mình đi trình diễn trong nước ở những sân khấu trong nhà.