Theo một báo cáo độc quyền của nhật báo Hàn Quốc Hankook Ilbo, khách hàng mua sắm tại Chanel chỉ được phép mua một chiếc túi nắp gập Timeless Classic và một chiếc túi xách Coco Handle mỗi năm.
Hãng tin này đã nói chuyện với người phát ngôn của Chanel Hàn Quốc, người này cho biết giới hạn mua sắm mới được áp dụng từ ngày 10 tháng 10 và cũng áp dụng cho các mặt hàng da nhỏ như ví và túi.
Hiện tại người tiêu dùng vẫn chưa biết chính sách giới hạn mua hàng này chỉ áp dụng ở Chanel Hàn Quốc hay tất cả các cửa hàng khác trên toàn thế giới.
Hãng không đưa ra lời giải thích cụ thể cho quy định này nhưng tờ The Korea Times cho rằng đây là giải pháp nhằm xử lý hiện tượng mua hộ và bán lại.
Có rất nhiều vị khách ngại xếp hàng, chen lấn nên đã chọn cách mua lại của những người mua được sớm ở cửa hàng.
Những người ‘vớt’ được túi ngay khi cửa hàng mở cửa sẽ bán lại với giá từ 300 đến 400 USD nhưng người mua sẵn sàng trả cho khoản chênh lệch này.
Tờ Korea Economic Daily đưa tin những người mua hộ sẽ xếp hàng từ sớm trước các cửa hàng bách hóa như siêu thị Shinsegae ở khu mua sắm Myeong-dong.
Họ thậm chí còn dựng lều, chuẩn bị ghế cắm trại để có thể lao vào cửa hàng ngay khi mở cửa. Một số người đứng xếp hàng nói với Korea Economic Daily rằng nếu giành được chiếc túi mà khách hàng ao ước thì số tiền lời sẽ rơi vào khoảng từ 90 đến 270 USD mỗi chiếc.
Thị trường hàng xa xỉ ở Hàn Quốc đang bùng nổ mạnh mẽ, được ước tính trị giá 15 nghìn tỷ won (12,5 tỷ USD) vào năm 2020.
Theo báo cáo của Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc, những người thuộc thế hệ millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), đặc biệt là nam giới ở độ tuổi 20 và 30 sẵn sàng chi tiêu rất hào phóng cho hàng hiệu.
Họ chiếm khoảng một phần ba thị trường hàng xa xỉ và bán lẻ của đất nước.