Nguồn gốc của Alla Ilchun vốn luôn nằm trong vòng bí mật, cả Dior và các đồng nghiệp đều nghĩ cô là một người mẫu Trung Quốc hoặc Mãn Châu.
Từ thành phố Cáp Nhĩ Tân của Trung Quốc, Alla và mẹ trốn chạy cách mạng tháng 10 đến Pháp. Họ có quốc tịch Trung Quốc nhưng mẹ của Alla là người Nga, thuộc một gia đình quý tộc bị tán gia bại sản. Cha cô là con trai của một người Kazakh Bai. Vậy nên Alla được kết luận là có dòng máu nửa Nga, nửa Kazakhstan. Ở châu Âu không ai biết về điều này, thậm chí chính cô cũng chỉ phát hiện ra nguồn gốc của mình 2 năm trước khi qua đời.
Cuộc sống ở thủ đô của Pháp không dễ dàng gì với 2 người nhập cư. Mẹ của Alla đi hát trong quán rượu còn Alla làm phụ bếp trong một nhà hàng. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, cô đã từng tham gia vai trò y tá.
Bà đến với Dior một cách tình cờ: “Một trong những người bạn Pháp của tôi muốn làm học viên của Dior nên tôi đã đi cùng. Trong lúc ngồi chờ, tôi thấy rèm cửa của các phòng thử đồ thỉnh thoảng được mở ra rồi nhiều người cứ dò xét tôi từ đầu đến chân. Tôi cảm thấy quá mệt mỏi trong cảnh chờ đợi nên đã đi lên lầu để tìm bạn. Ngay lúc đó, một người phụ nữ thông báo rằng Christian Dior muốn gặp tôi. Bất đắc dĩ, tôi đồng ý đi theo cô ấy. Họ đưa tôi vào phòng thử đồ, cởi váy, búi tóc cao, tô môi son đỏ, mặc một chiếc váy mới, mang cho tôi một đôi giày gót nhọn vô cùng khó chịu, rồi dẫn tôi xuống gặp một dàn họa sĩ. Tôi nghĩ ‘Chà, họ hóa trang cho mình như một con khỉ rồi để cho bao nhiêu họa sĩ soi mói’. Tôi không nhận ra Dior đang ở đó. Một lúc sau, người phụ nữ nói với tôi ‘Thưa cô, cô đã được nhận’. Tôi nói, tôi đến để gặp Dior mà đâu có thấy ông ấy. Người phụ nữ trả lời ‘Dior là một trong số các họa sĩ’”.
Cô đã hớp hồn Christian Dior ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sự kết hợp giữa vòng eo siêu mỏng (46.99 cm), vóc dáng thon thả và gương mặt châu Á kỳ lạ đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với nhà thiết kế. Ông là người đầu tiên thuê một cô gái châu Á. Sau đó Hubert de Givenchy và Cristobal Balenciaga cũng làm theo. Lần đầu tiên trong lịch sử thời trang cao cấp, một phụ nữ có ngoại hình không phải phương Tây trở thành tâm điểm chú ý. Ngay cả Dior cũng thừa nhận việc mời một người mẫu châu Á trình diễn trang phục châu Âu là rất mạo hiểm. Nhưng rủi ro này đã dẫn đến thành công chưa từng có của ông.
Christian Dior gọi Alla là nàng thơ và là bùa hộ mệnh của mình. Vẻ đẹp duyên dáng, nữ tính của cô là điều giới thời trang mong đợi sau thời kỳ chiến tranh liên miên. Báo chí khen ngợi bước đi của cô thật độc đáo, ánh nhìn bí ẩn sâu sắc của cô đã thôi miên khán giả. Chiếc váy do Alla quảng cáo nhanh chóng được bán hết. Trong số những khách hàng đã chọn trang phục của Alla có công chúa Anh Margaret và nữ diễn viên Elizabeth Taylor.
Alla Ilchun không chỉ là nàng thơ của một thương hiệu thời trang nổi tiếng mà còn là hình mẫu cho sắc đẹp thời đó. Vào những năm 1950, nhiều người mẫu và tín đồ thời trang đã cố gắng bắt chước cô. Họ trang điểm đường eyeliner giống cô, thậm chí dùng đến phương pháp phẫu thuật để có ngoại hình tương tự.
Alla Ilchun làm việc tại Dior trong 20 năm. Trong thời gian này, thương hiệu được dẫn dắt bởi 3 nhà thiết kế thời trang: Christian Dior, người kế nhiệm ông Yves Saint Laurent, và sau đó là Marc Bohan. Cô kết hôn hai lần: lần thứ nhất với Mike de Dulmen - nhiếp ảnh gia của hãng thời trang Dior, và lần thứ hai với Igor Mukhin - một nhiếp ảnh gia người Nga.
Câu chuyện về cuộc đời của Alla Ilchun sẽ xuống mồ cùng cô vào năm 1989 nếu một việc trùng hợp kỳ lạ không xảy ra. Berlin Irishev - một nhà kinh tế và nhà ngoại giao người Kazakhstan tình cờ nhìn thấy một bức tranh của Leon Zeytlin mô tả Alla ở Paris. Anh bắt đầu quan tâm đến câu chuyện của người phụ nữ này vì trước đó anh đã đọc từng mẩu thông tin về cô. Sau một thời gian tìm kiếm và thu thập tin tức ở các cơ quan lưu trữ của Pháp, Berlin Irishev đã cho xuất bản cuốn sách ‘Nàng thơ Dior’ (The Dior Muse).