Nếu như trong bộ sưu tập Thu Đông 2016, BuiRoss đã đưa các tín đồ thời trang đến với chuyến du ngoạn về những miền đất nơi trời Âu, thì trong các thiết kế Xuân Hè 2017, giới mộ điệu sẽ trở về ký ức của những năm tháng hoài niệm về một đất nước với muôn vàn vẻ đẹp từ những người phụ nữ đậm vẻ cổ điển, mộc mạc mang tên Cô ba Đông Dương.
Bộ sưu tập Cô ba Đông Dương mang đến điều gì?
Nói đến Đông Dương, người ta hay nhắc nhiều đên vẻ đẹp người phụ nữ nơi đây. Không mạnh mẽ, “bốc lửa” như phụ nữ phương Tây, họ đẹp một cách đằm thắm, ẩn sâu ánh mắt đầy mê hoặc. Người xưa hay nói, phụ nữ Đông Dương có một sự cuốn hút rất riêng, không nồng nhiệt nhưng lại khó có thể rời mắt. Bởi vẻ đẹp ấy là kết quả của sự hòa trộn giữa một nền văn minh có lịch sử hàng nghìn năm. Lý do BuiRoss lại mang đến BST Xuân Hè lần này của mình với tên gọi “Cô ba Đông Dương” vì đây là gương mặt đại diện cho tầng lớp phụ nũ cổ điển nhưng vẫn không kém phần hiện đại. Ở cô hội tụ những giá trị cốt lõi về vẻ đẹp cũng như văn hóa và cuộc sống con người trong xã hội cũ.
Đúng như vậy, đây được xem là bộ sưu tập để lại nhiều ấn tượng nhất trong mùa mốt Xuân Hè 2017. Show diễn được tổ chức tại một khách sạn đậm chất Pháp giữa lòng Sài Gòn trong một buổi trưa nắng rực rỡ, tiếng nhạc du dương chính là yếu tố mang lại cho khung cảnh vẽ lãng mạn kèm theo những hồi ức về một miền quê Sài Gòn thời Đông Dương với 38 bộ trang phục đậm chất Cô ba thời xưa, nữ tính nhưng vẫn đầy vẻ uy quyền.
Dù BuiRoss là một thương hiệu khá mới và sản phẩm đầu tiên của họ vẫn chưa tạo được nhiều ấn tượng, thì sang đến bộ sưu tập Xuân Hè lần này, nhà mốt đã thật sự “lột xác” về cả trong tư duy lẫn ngôn ngữ thiết kế khi dám đem hình ảnh một quý cô thời Đông Dương ở thì quá khứ quay trở lại sàn runway hiện đại bằng cách biến tấu mới lạ từ kiểu dáng cho đến chất liệu trên từng thiết kế.
BST Cô Ba Đông Dương sử dụng chủ yếu chất liệu vải dân tộc gấm Hà Đông với đặc tính mỏng, nhẹ phù hợp với khí hậu Xuân Hè. Đây cũng là nét đặc trưng của vùng Đông Dương. Bên cạnh đó, những thiết kế còn sử dụng những chất vải khác như: Linen, vải bố kết hợp với satin, đảm bảo trang phục đạt được sự sang trọng, đẳng cấp nhưng vừa đủ để có thể diện hàng ngày.
Phần lớn, các thiết kế đều lấy cảm hứng từ trang phục thường nhật như áo bà ba với sự biến tấu thành nhiều kiểu dáng khác nhau, nhưng vẫn giữ nét đẹp của người Việt. Ngoài ra, bộ sưu tập còn có sự xuất hiện của tà áo dài truyền thống cùng những bộ âu phục đặc trưng thời kỳ Đông Dương như đầm dài, vest cách điệu… chính cách xử lý đường may tinh tế, chi tiết thêu tỉ mỉ đã mang đến sự sang trọng, nhẹ nhàng đúng chất Cô ba Đông Dương thời hiện đại.
Vậy đây có thực sự là một cuộc “lột xác” cho thương hiệu BuiRoss, cũng như gây ấn tượng với các cô nàng hiện đại luôn từng ngày chạy theo xu hướng thời trang trên thế giới?
Cô ba Đông Dương có thật sự hoàn hảo?
Nếu nhìn sơ lược qua tất cả, phải công nhận rằng Cô Ba Đông Đương đã mang đến một làn gió hoàn toàn mới cho làng mốt Việt vào mùa Xuân Hè năm nay vì sự mới lạ, cổ điển mà BuiRoss đem lại. Nếu để ý kỹ một chút mọi người sẽ nhìn ra những điểm tuy nhỏ nhưng cũng đủ khiến bộ sưu tập mất dần chuỗi liên kết và trở nên kém tinh tế để tạo nên một điều hoàn hảo. Đơn cử là việc mix&match các chất liệu cùng với nhau, từ trước đến nay sự kết hợp luôn là một bài toán vô cùng khó và người giải được chúng sẽ trở thành một nhà thiết kế hoàn hảo, nhưng thật sự không phải ai cũng có thể cảm nhận được điều này.
Vẫn biết rằng, sequin là một trong những chất liệu lâu đời khi chúng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1922 và không chỉ thế sau thập niên Jazz, xu hướng đính sequin lên trang phục bị thoái trào nhường chỗ cho những chi tiết tối giản phù hợp với tình hình chính trị. Mãi đến cuối thời kỳ disco, xu hướng này mới trở lại với làng thời trang. Đây được xem như trào lưu gắn liền với các cô cậu có niềm đam mê những buổi tiệc tùng thâu đêm.
Tuy nhiên, lý do vì sao bộ sưu tập BuiRoss nhận được một điểm trừ không đáng có từ việc thương hiệu đã sai lầm khi kết hợp chất liệu này cùng vải bố, gấm Hà Đông trên tinh thần phá cách và làm mới hơn những định kiến về hình ảnh Việt Nam xưa cũ. Ngoài việc không hòa hợp nhau về sự đồng nhất giữa tinh thần bộ sưu tập đang hướng đến, mà chúng còn khiến giới mộ điệu cảm thấy BuiRoss đang phải gồng và loay hoay trong cuộc tìm kiếm những giá trị riêng cho mình. Sự hòa quyện giữa nền văn hóa phương Tây và phương Đông luôn trở thành sự sáng tạo bất tận nhưng phải biết điểm dừng và đâu là hướng đi đúng cho mỗi thiết kế của mình.
Hoàn hảo chính là bạn phải hiểu bản thân muốn gì và cần gì, cũng như chạm đến vẻ đẹp tinh tế bằng chính mọi xúc cảm mà không phải gắng gượng bất cứ điều gì.
Mặc dù bộ sưu tập này vẫn chưa giúp BuiRoss chạm đến vẻ đẹp của sự hoàn hảo và thỏa lòng mong muốn của các tín đồ, nhưng vẫn phải công nhận rằng, thương hiệu đã từng bước “lột xác” tư duy nhìn nhận của mình về người phụ nữ ngày nay, cũng như đem giá trị truyền thống làm tiền đề giúp bản thân trở nên khác biệt hơn so với mọi người.
Hãy tin rằng, ai cũng phải mắc sai lầm một lần trong đời và một nhà mốt mới như BuiRoss cũng không phải là ngoại lệ.
“Cứ vấp ngã đi rồi bạn sẽ thấy bản thân mình trưởng thành hơn từng ngày”