Trò chơi polo vốn đã xuất hiện ở Ba Tư và một số khu vực khác của Trung Á từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, nhưng phải đến thế kỷ 19, khi lính Anh đóng quân tại Manipur, Ấn Độ thì người chơi mới sử dụng đồng phục của dân polo Ấn Độ bản địa. Mẫu thiết kế này dần du nhập vào làng thời trang phương Tây rồi trở nên phổ biến trong cuộc sống ngày nay.
Sự ra đời của chiếc áo polo
Đầu thế kỷ 20, đồng phục của người chơi polo là áo sơ mi dày, dài tay làm bằng vải cotton Oxford. Trên thực tế, những chiếc chiếc áo này đã được phát minh vào cuối thế kỷ 19. Những người chơi polo cải tiến mẫu áo cũ vì họ muốn giữ cho cổ áo cố định, không bị bay trong gió.
Năm 1896, khi John E. Brooks (cựu chủ tịch của thương hiệu Brooks Brothers) tham dự một trận đấu polo ở Anh, ông nhận thấy cổ áo sơ mi của các cầu thủ bị ghim xuống để không gây cản trở trong lúc thi đấu nên đã nảy ra ý tưởng cho một mẫu áo mới. Trở về Mỹ, Brooks cho ra đời chiếc áo có cổ cài cúc (thường được coi là “chiếc áo polo cài cúc nguyên bản”) và nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công vang dội. Mẫu áo này trở thành một món đồ đặc trưng của thời trang Mỹ trong thế kỷ 20, tất cả mọi người đều mặc chúng, từ nghệ sĩ đến chính trị gia.
Năm 1920, cầu thủ polo người Anh gốc Canada Lewis Lacey mở một cửa hàng bán đồ thể thao ở Buenos Aires, Argentina. Anh chính là người nghĩ ra ý tưởng gắn logo hình cầu thủ chơi polo lên các sản phẩm. Trong khoảng thời gian đó, vận động viên quần vợt người Pháp Jean René Lacoste (còn được gọi là “Le Crocodile”) cũng đang tìm cách cải tiến bộ đồng phục của mình sang kiểu tay ngắn và cổ áo phẳng thay cho mẫu áo sơ mi cài cúc với cà vạt. Lacoste nhận thấy thiết kế mới vừa gọn gàng, vừa tiện lợi nên đã thêu logo cá sấu lên ngực trái của áo và ra mắt nó trong giải “Vô địch Hoa Kỳ mở rộng” năm 1926. Năm 1933, Lacoste thành lập thương hiệu La Chemise Lacoste, đồng thời đẩy mạnh thông điệp quảng cáo “đây là dòng sản phẩm đồng phục quần vợt” tới đại chúng.
Năm 1951, Lacoste hợp tác với nhà sản xuất quần áo Izod để tung ra thị trường hàng loạt mẫu áo do mình thiết kế. Vận động viên quần vợt Fred Perry cũng cho ra mắt thương hiệu áo thun polo cùng tên. Mẫu áo của anh được tô điểm bằng biểu tượng vòng nguyệt quế lấy cảm hứng từ giải Wimbledon. Cả logo và thương hiệu của Perry đều nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người hâm mộ thể thao, thậm chí chúng còn được ca ngợi là tinh túy thời trang của Anh Quốc.
Qua thời gian, những chiếc polo của Lacoste và Perry không chỉ được yêu thích bởi vận động viên mà còn rất phổ biến với các sinh viên chuyên ngành thể thao. Chiếc áo ngày càng nổi tiếng còn các môn thể thao thì được quan tâm hơn.
Áo polo trở thành biểu tượng thời trang thể thao mang tầm vóc quốc tế
Nhà thiết kế người Mỹ Ralph Lauren là người biến chiếc áo thun polo trở thành một món thời trang mang đẳng cấp quốc tế. Sau khi ra mắt Polo Ralph Lauren vào năm 1967, Lauren liên tục bán những chiếc áo thun polo có thiết kế hiện đại pha lẫn nét cổ điển khiến giới mộ điệu “nao lòng”. Áo polo của hãng có nhiều điểm mới mẻ, độc đáo nhưng vẫn không xa rời thiết kế nguyên thủy trứ danh.
Bước vào những năm 90s, nhờ sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ rap và hip-hop nổi tiếng như Raekwon, Kanye West, phong cách preppy dần len lỏi vào thế giới thời trang dạo phố. Những nghệ sĩ này mặc áo polo trong các video âm nhạc và cuộc sống hàng ngày khiến người hâm mộ cũng muốn học theo. Bằng sự nhạy bén với thời trang, họ đã chứng minh cho công chúng thấy chiếc áo thun polo không đơn giản là một món đồ thể thao mà là một sản phẩm may mặc đa năng, tiện lợi, linh hoạt.
Ngày nay, áo thun polo có thiết kế rất đa dạng, với hàng loạt “biến thể” như áo crop top, váy suông, jumpsuit…Từ một chiếc áo chỉ dùng cho các giải đấu thể thao, giờ áo polo đã trở thành một sản phẩm thời trang thiết yếu, phù hợp với nhiều nền văn hóa và tập khách hàng khác nhau.
Xem thêm: Khi bạn mắc khóc nhưng nhớ ra mình vẫn phải múa.