Thế giới thời trang luôn dành cho nữ giới một sự ưu ái nhất định. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử, bạn sẽ nhận ra những thương hiệu thời trang lớn nhất hầu như đều được thành lập bởi đàn ông. Qua thời gian, khi thời trang trở thành một ngành kinh doanh phổ biến và phụ nữ được tự do về tài chính, các thương hiệu được lèo lái bởi nữ giới mới bắt đầu xuất hiện.
Dưới đây là 12 thương hiệu đình đám được thành lập bởi những người phụ nữ mạnh mẽ và tài năng nhất trong lịch sử.
1. Chanel
Năm 1909, Gabrielle "Coco" Chanel mở một cửa hàng thời trang ở Paris, chủ yếu phục vụ cho tình nhân của những người đàn ông quyền lực nhất thành phố. Công việc kinh doanh của bà phát triển rất thuận lợi vì lượng khách hàng giàu có ngày càng tăng lên. Đến năm 1915, Chanel trở thành một trong những nhà thiết kế được thèm muốn nhất ở Châu Âu. Hơn 100 năm sau, thương hiệu này vẫn tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo tận tâm của Karl Lagerfeld quá cố và hiện tại là người kế vị của ông, Virginie Viard.
2. Schiaparelli
Nhà thiết kế thời trang người Ý Elsa Schiaparelli khởi nghiệp ở Paris vào năm 1927. Cửa hàng của bà trưng bày các sản phẩm may mặc lấy cảm hứng từ Paul Poiret và các họa sĩ theo trường phái Siêu thực, ví dụ như Salvador Dalí (một người bạn của bà). Bà thường kết hợp các yếu tố trompe-l'œuil và "màu hồng gây sốc" đặc trưng vào các bộ sưu tập của mình. Thương hiệu đã ngừng hoạt động vào đầu những năm 50 nhưng Marco Zanini đã khởi động lại vào năm 2014.
3. Vionnet
Vionnet khởi nghiệp lần đầu vào năm 1912 nhưng thất bại hoàn toàn do bị ảnh hưởng bởi Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến năm 1923, Madeleine Vionnet chính thức khởi động lại thương hiệu Vionnet. Được mệnh danh là “Nữ hoàng của Bias Cut”, khách hàng thân thiết của Vionnet chủ yếu là các ngôi sao Old Hollywood như Greta Garbo, Katharine Hepburn và Joan Crawford. Thương hiệu của bà đóng cửa một lần nữa vào năm 1939 khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
4. Chloé
Năm 1945, Gaby Aghion và chồng rời quê hương Ai Cập để bắt đầu cuộc sống ở Paris. Bảy năm sau, bà mở cửa thương hiệu Chloé. Năm 1956, bà tổ chức buổi trình diễn thời trang đầu tiên bên ngoài Café de Flore - điểm đến nổi tiếng dành cho những người trẻ tuổi sành điệu ở Pháp. Aghion được nhiều người công nhận là nhà tiên phong đặt ra cụm từ "prêt-à-porter" (quần áo may sẵn).
5. Lanvin
Niềm đam mê thời trang của Jeanne Lanvin bắt đầu với việc may quần áo cho con gái. Đến năm 1889, người phụ nữ 32 tuổi quyết tâm thành lập thương hiệu Lanvin - hãng thời trang lâu đời thứ ba ở châu Âu vẫn còn hoạt động. Sau khi nhìn thấy quần áo của con gái bà, mọi người bắt đầu lan truyền tin đồn về một nhà thiết kế tài năng trong thị trấn. Những phụ nữ giàu có ở Paris lũ lượt tìm đến Lanvin để đặt may những bộ cánh độc đáo cho riêng họ. Cứ như vậy, một di sản thời trang đồ sộ đã tồn tại cho đến ngày nay.
6. Sonia Rykiel
Sau thành công của chiếc áo len “Poor Boy”, Sonia Rykiel chính thức cho ra mắt thương hiệu mang tên mình vào những năm 1960. Bà không chỉ được mệnh danh là “Nữ hoàng hàng dệt kim” mà còn được coi là nhà tiên phong đưa đường may ra ngoài trang phục. Bà là người khởi xướng nhiều xu hướng quan trọng ở Paris, ví dụ như mặc một cây quần áo toàn màu đen.
7. Comme des Garçons
Năm 1969, Rei Kawakubo (sinh ra ở Tokyo) đã thành lập Comme des Garçons tại quê hương của mình. Thiết kế của bà tập trung vào các họa tiết phản thời trang và cấu trúc mới lạ. Trước đây, các bộ sưu tập của bà chủ yếu chỉ có màu đen và trắng. Đến cuối những năm 80, Kawakubo bắt đầu tìm đến nhiều màu sắc đa dạng hơn.
8. Jil Sander
Nhà thiết kế Jil Sander thành lập thương hiệu mang tên mình vào năm 1968 tại Hamburg, Đức. Sau khi thu hút được lượng khách hàng khổng lồ vào cuối những năm 80 và 90, thương hiệu được tập đoàn Prada mua lại vào năm 1999. Trong những năm qua, Jil Sander đã đến rồi đi nhiều lần với tư cách nhà thiết kế chính tạm thời.
9. Vivienne Westwood
Thập niên 1960, Westwood gặp và yêu người quản lý ban nhạc Malcolm McLaren. Cả hai cùng mở một cửa hàng quần áo nhỏ ở King's Road, Chelsea năm 1971, nơi lui tới của nhiều ban nhạc. Những thiết kế punk khiêu khích và đôi khi gây tranh cãi biến Westwood trở thành một trong những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng nhất nước Anh khi đó.
10. Donna Karan New York
Donna Karan từng làm việc cho Anne Klein trong một thời gian dài. Năm 1988, cô thành lập thương hiệu riêng và đưa chồng lên làm đồng Giám đốc điều hành. Sau khi được giới mộ điệu công nhận là “Nữ hoàng của Đại lộ số 7”, cô đã phát triển thêm DKNY - một nhãn hiệu tập trung vào giới trẻ. Cô rời công ty vào năm 2015.
11. Stella McCartney
Năm 16 tuổi, Stella McCartney làm công việc thực tập cho Christian Lacroix. Năm 1995, cô giới thiệu bộ sưu tập thời trang cuối cùng của mình tại Central Saint Martins với người mẫu Naomi Campbell và Kate Moss. Năm 2001, McCartney cho ra mắt thương hiệu cùng tên. Là một người ủng hộ ăn chay, cô quyết tâm không sử dụng da hoặc lông thú thật cho các bộ sưu tập của mình. Thương hiệu cũng thường xuyên sản xuất hàng may mặc thân thiện với môi trường để ủng hộ xu hướng thời trang bền vững.
12. Gabriela Hearst
Sinh ra trong một trang trại rộng 17.000 mẫu Anh ở Uruguay, Gabriela Hearst được dạy rằng sự xa xỉ phải là những thứ mang ý nghĩa lâu dài. Lý tưởng này chính là nền tảng giúp cô xây dựng thương hiệu riêng của mình. Trước khi thành lập công ty vào năm 2015, Hearst đã học ngành Truyền thông tại O.R.T. Đại học Uruguay và sau đó tiếp quản trang trại của cha. Giờ đây, Hearst là một trong những nhà thiết kế hàng đầu trong thế giới thời trang. Cô xây dựng thương hiệu của mình dựa trên các từ khóa gồm: vượt thời gian, tính bền vững và chất lượng vượt trội. Hearst không chỉ chịu trách nhiệm quản lý thương hiệu của riêng mình mà còn là giám đốc sáng tạo cho Chloé.
Xem thêm:
Một nhãn hàng gỡ bỏ hình ảnh, khẳng định 'không bao giờ hợp tác với Ý Nhi'