Thể thao

World Cup với tuyển Việt Nam xa vời vợi, dù ông Park giỏi và khát vọng

Văn Nhân
Chia sẻ

Nhìn từ U23 châu Á 2018 đến ASIAD 18, AFF Cup 2018, ASIAN Cup 2019 và cuộc chiến đang dang dở ở vòng loại World Cup 2022 thì bóng đá Việt Nam đang thành công.

Khi bước lên một đỉnh cao thì bắt đầu mơ tới một đỉnh cao khác. Đó là sứ mệnh của tuyển Việt Nam, sau khi vô địch AFF Cup (sân chơi Đông Nam Á) thì cần hướng ra châu Á (ASIAN Cup), hay có thể mơ xa hơn là lần đầu góp mặt ở sân chơi World Cup. Cánh cửa có thể mở ra theo cách tăng dần độ khó, đầu tiên là đi đến vòng loại cuối cùng World Cup, kế đến là tấm vé đi World Cup. Tức tuyển Việt Nam bây giờ chưa thể đi World Cup nhưng có thể đi đến vòng loại cuối cùng. Tạo ra một cột mốc mới và nghĩ đến một cột mốc khác.

Nhưng bóng đá Việt Nam sẽ được nâng tầm như thế nào để hướng đến giấc mơ to lớn là tấm vé dự World Cup? Chúng ta có niềm tin mãnh liệt dành cho thế hệ cầu thủ hiện tại và HLV Park Hang Seo nhưng sự thật cơ hội cực kỳ mong manh. Sự chênh lệch đẳng cấp và trình độ so với những đội bóng thường xuyên dự World Cup như Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Úc là quá lớn. Chúng ta có thể chơi với 100% khả năng, thi đấu quả cảm như U23 Việt Nam ở U23 châu Á 2018 nhưng đối thủ quá mạnh thì yếu tố tinh thần không thể bù đắp. Trình độ của tuyển Việt Nam thể hiện trước Nhật Bản, Iran… ở AISAN Cup 2019 đã phản ánh khá đầy đủ.

Sẽ có ý kiến rằng không ai đánh thuế giấc mơ, tuyển Việt Nam hãy cứ chơi và chờ chuyện cổ tích xuất hiện, giống như cách Hi Lạp từng vô địch EURO 2004, hay Đan Mạch từ kẻ đi “tàu vét” đến ngôi vô địch EURO 1992. Gần nhất chính là chuyện U23 Việt Nam từ tư thế kẻ lót đường đi đến trận chung kết U23 châu Á 2018… Nhưng một hành trình cổ tích chắc chắn không thể là thước đo chung cho sự phát triển toàn diện của một nền bóng đá. Hi Lạp và Đan Mạch là ví dụ, sau một phút huy hoàng thì gần như “mất tích” ở các sân chơi lớn. 

Với U23 Việt Nam, chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện hơn về sự thành công. Đó là cả một hành trình rất dài từ sự chăm lo của các ông bầu, trong đó phải nói đến sự thay đổi rất lớn từ tư duy và cách đầu tư của bầu Đức cho bóng đá trong hơn 1 thập kỷ qua. Từ những sự trải nghiệm ở các giải đấu liên tục, qua đó các cầu thủ trưởng thành và có tài năng thực sự. Sau đó, những cầu thủ giỏi của bóng đá Việt Nam được HLV Park Hang Seo dẫn dắt để thành công chứ không phải phần lớn do sự may mắn quyết định. Bằng chứng là sau U23 châu Á 2018 thì thế hệ cầu thủ này tiếp tục thành công ở ASIAD 18, AFF Cup, ASIAN Cup và giành HCV SEA Games 30.

 HLV Park Hang Seo rất giỏi và am hiểu bóng đá Việt Nam nhưng chỉ trông chờ vào tài năng của ông thì quá khó để nghĩ đến sân chơi World Cup, bởi tuyển Việt Nam có giới hạn nhất định về đẳng cấp.

Ở đó, bầu Đức là người tiên phong trong đào tạo trẻ với Học viện bóng đá HAGL, sau này những nơi khác tiếp bước như PVF, Viettel, Trung tâm đào tạo trẻ của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội (nơi đào tạo ra những Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Hùng Dũng để cho CLB Hà Nội), CLB Hà Nội (có Đoàn Văn Hậu), SLNA (có Phan Văn Đức, Trọng Hoàng, Xuân Mạnh). Nhờ vậy, bóng đá Việt Nam có được những cầu thủ giỏi để gặt hái thành công dưới thời HLV Park Hang Seo.

Tuy nhiên, con đường hiện tại vẫn chưa phải là những bước đi hoàn chỉnh, vì phụ thuộc vào chính các ông chủ chứ không phải đến từ lộ trình bài bản của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Ngay đến câu chuyện HLV thì có một nghịch lý lớn là hai lần thành công của bóng đá Việt Nam thì HLV Calisto do bầu Thắng “tặng”, còn HLV Park Hang Seo được bầu Đức mời về. Những HLV ngoại do VFF chọn đều sớm chia tay, hoặc bị sa thải.

Một vấn đề quan trọng khác là sân chơi V.League, nơi được xem là “bộ mặt” của bóng đá Việt Nam đang bị chính thành viên tham gia phản ứng. Có ý kiến là phải thay đổi chuyện một người ngồi nhiều ghế, không thể để VPF với sứ mệnh ra đời là tách bạch khỏi VFF, bây giờ người của VFF nắm giữ cả hai chiếc ghế quan trọng là Chủ tịch và Tổng giám đốc. 

Không ai đánh thuế giấc mơ nhưng không có có nghĩa là bóng đá Việt Nam mơ đi World Cup với tài năng của HLV Park Hang Seo, trong khi cả nền bóng đá tồn tại nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện xoay quanh sân chơi chuyên nghiệp - nơi đang có chóp đỉnh V.League to hơn phần chân đế. Một ví dụ khác dễ thấy là ngày càng ít doanh nhân tham gia làm bóng đá, trong đó có những người nghỉ chơi vì cho rằng cuộc chơi chưa công bằng.

Muốn đi xa thì bóng đá Việt Nam phải phát triển bài bản với việc quản lý tốt sân chơi chuyên nghiệp và phát triển bóng đá trẻ, phải thu hút được những người đam mê đầu tư cho bóng đá, chứ không thể chờ đợi kỳ tích theo kiểu chuyện cổ tích nhờ tài năng của HLV Park Hang Seo. Vì ông Park muốn thành công thì cần có nhiều cầu thủ giỏi, cần có nhiều sự hỗ trợ khác nhau, tức tập hợp sức mạnh của cả một nền bóng đá.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất