Thể thao

Uruguay hồi sinh vì câu nói sỉ nhục của Sir Alex

Theo BĐ&CS
Chia sẻ

Cuộc cách mạng của bóng đá Uruguay đã được kích hoạt, sau giải đấu đầy tai tiếng ở Mexico 32 năm về trước, nơi họ bị HLV huyền thoại Sir Alex gọi là “nỗi ô nhục của bóng đá thế giới”.

TỰ DO HAY LÀ CHẾT?

Pha phạm lỗi của Jose Batista với Gordon Strachan ngay ở giây thứ 56 ở loạt trận cuối cùng bảng E World Cup 1986, cho tới bây giờ, vẫn luôn là “điểm nhấn” của bóng đá Uruguay trên trường quốc tế. Tất nhiên, là họ được nhớ theo cái cách không thể tiêu cực hơn.

Trước khi bước vào loạt cuối gặp Scotland, Uruguay biết rằng họ chỉ cần hòa là có cơ hội đi tiếp với tư cách thuộc nhóm 4 đội xếp hạng 3 có thành tích tốt nhất. Mà nói thẳng ra, thì Uruguay cũng hiểu là họ không thể thắng, sau cú sốc thua thảm Đan Mạch 1-6. Hòa Scotland là kịch bản “vừa sức” nhất với Uruguay, và cũng là kết quả vừa đủ đưa họ đi tiếp.

Tại World Cup 1986, ĐT Uruguay đã trình diễn lối đá nhàm chán và đầy bạo lực, điển hình là trong trận đấu với ĐT Scotland.

Trong 89 phút 4 giây còn lại, Uruguay không hề giấu diếm ý định cầm chân Scotland. Họ không tấn công, có bóng là ban bật tối đa hòng câu giờ, không giữ được bóng thì phá vội lên trên. Scotland bị ức chế tâm lý nên chơi như gà mắc tóc, không tài nào tìm ra giải pháp.

Hết giờ, tỷ số là 0-0. Toan tính của Uruguay ứng nghiệm. Đó là trận đấu đầy tai tiếng và bê bối của FIFA, dù nó không hề phạm luật hay có dấu hiệu tiêu cực nào. Chỉ là, sự thực dụng quá đáng của Uruguay đã “phản bội” 2 vạn khán giả ở Neza. Không khí ảm đạm và tẻ nhạt tới nỗi trọng tài chính Joel Quiniou, một người… Pháp đã không cho bù giờ thêm bất kỳ phút nào.

Alex Ferguson (ngày đó chưa được phong tước hiệp sỹ “Sir”), HLV trưởng đương nhiệm của Scotland nổi đóa. Ông chỉ trích Uruguay là “vô liểm sỉ, là nỗi nhục của bóng đá thế giới”. Trong khi đó, tổng thư ký LĐBĐ Scotland lên tiếng “Uruguay là đồ bỏ đi cần loại khỏi đời sống túc cầu”.

HLV của Scotland khi đó là Alex Ferguson đã chỉ trích thậm tệ lối đá của Uruguay.

FIFA, với tinh thần “Một trò chơi đẹp”, buộc phải ra tay. Hình phạt đưa ra, là cấm Omar Borras - HLV của Uruguay, người nổi tiếng với phát kiến cụm từ “Bảng tử thần” được nhân loại sao chép sao này - tới dự bữa tiệc ghi công của FIFA tại World Cup.

Lối chơi thực dụng tới tiêu cực Borras áp dụng không giúp Uruguay vượt qua Argentina đại đế của Maradona ở vòng 16 đội. Họ trở về nước, đáp xuống sân bay quốc tế Montevideo trong một chiều mưa buồn. Người Uruguay nhận ra, đã đến lúc cho một cuộc chuyển giao. Thành tích quan trọng thật, nhưng ĐTQG còn là bộ mặt của quốc gia, của thể chế.

Hai năm sau, cuộc cách mạng ấy được khởi động. LĐBĐ mạnh dạn thử nghiệm, đưa Oscar Tabarez - cựu giáo viên thể chất trung học - lên nắm quyền. Tabarez là người hoài bão, nhiều giấc mơ và có thái độ tiếp cận trò chơi đầy tích cực.

Đến năm 1988, Oscar Tabarez được bổ nhiệm là HLV trưởng của Uruguay nhưng những cải cách của ông khi đó chưa được trọng dụng.

Vài phóng viên tò mò đã tìm thấy tấm ruy băng in biểu ngữ “Tự do hay là chết” trong phòng thay đồ của ĐTQG trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tabarez. Ông cố gắng thay đổi lề lối của nền bóng đá, đưa vào sân những nghệ sỹ chơi bóng chứ không phải các anh công nhân, trao cho họ phím đàn thay vì cuốc xẻng. Bóng đá của Tabarez, là bóng đá hướng tới đại chúng. Uruguay không thể vì thắng một trận đấu, mà thất bại cả cuộc chiến. Sir Alex có thể đã nặng lời, nhưng những phát ngôn ấy hẳn là đã tác động ít nhiều tới Tabarez.

“Tôi có thể thắng, hòa và thua, nhưng tôi không bao giờ chịu làm tù nhân của các những xung khắc lý luận. Uruguay sẽ trở mình và khoác lên chiếc áo bóng đá sặc sỡ hơn”, Tabarez nói vào năm 1989.

Tất nhiên, Tabarez giống như gã Chí Phèo trong thời đại ấy. Sau mỗi đợt tâp trung quốc gia, cầu thủ trở về giải quốc nội và lại nhanh chóng bị gò vào lối chơi chịu ảnh hưởng của nhiều thể lực. Vì thế, năm 1990, ông rời nhiệm sở, nhưng không quên chờ đợi cho ngày báo thù.

LOÀI KÝ SINH “ĐÁNG YÊU”

Dominick Cobb, thủ vai bởi tài tử Di Carpio trong bộ phim “Inception” đoạt Oscar, đã nói “Ý tưởng là loài ký sinh trùng nguy hiểm nhất”. Bởi khi các ý niệm đã lằn sâu vào bộ não, thì con người sẽ bị ám ảnh và bám riết bởi những ý tưởng đó.

16 năm sau khi mất việc, Tabarez quay lại chiếc ghế nóng của Uruguay. Tuy già đi, nhưng nhiệt huyết vẫn ở đó với một đường lối bất di bất dịch được nung nấu và nuôi dưỡng qua hai thập kỷ.

Trong buổi họp báo đầu tiên ra mắt báo giới, Tabarez đã tuyên bố Uruguay sẽ từ bỏ 4-3-3 truyền thống để thử nghiệm các giá trị ngoại lai. Đặc biệt sau thất bại 0-3 trước Peru tại Copa America 2007, ông càng củng cố thêm quan điểm đó. Uruguay sẵn sàng làm bạn với năm châu, ứng dụng các tinh hoa nhân loại vào trò chơi của mình và đồng bộ hóa hệ thống bóng đá.

Phải đến nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2006, những cải tổ của Tabarez mới được thực thi trọn vẹn

Một chiến dịch nhất thể hóa bóng đá Uruguay, vốn thuộc về thẩm quyền của giám đốc kỹ thuật, đã được đích thân Tabarez gây dựng. Ông đưa bóng đá về cấp cơ sở, tạo tuyến đội trẻ từ U15, U17 đến U20.

Các buổi viếng thăm học viện địa phương thường xuyên được Tabarez tổ chức, và trong những bài thuyết trình của mình, Tabarez không chỉ nói về bóng đá. Ông thường nhắc về văn hóa dân tộc ở Nhật Bản, về thực vật học và thế giới bao la rộng lớn ngoài kia. Nếu muốn tạo ra một ĐQTG đủ tốt trong điều kiện vừa phải về kinh tế, mỗi cầu thủ không những phải giỏi chuyên môn, mà còn cần sở hữu nhân cách tốt. ĐTQG trong nhân sinh quan của Tabarez, là một thực thể tập hợp hành vi của những con người chung chí hướng. Chỉ cần một mắt xích “dao động”, cỗ máy ấy lập tức dừng hoạt động.

Trong 23 người tới Nga mùa hè này, chỉ 3 người không tham gia vào quy trình đào tạp khép kín Tabarez lập ra 12 năm trước. Thật ngạc nhiên, là 3 người này lại đều là “sao số” tại La Liga và Ligue 1: Godin, Suarez và Cavani.

Và những thay đổi đó đã phát huy hiệu quả khi Uruguay dần tìm lại tầm vóc của 1 nền bóng đá hàng đầu thế giới.

Uruguay, vì thế, có thể được định nghĩa trong một hình ảnh không thể phổ quát hơn. Họ có đủ quân số để tạo ra một trường phái bóng đá kiên định và xuyên suốt, nhưng cũng thừa nhân tố để giải quyết trận đấu bằng các khoảnh khắc.

Tabarez mắc căn bệnh tê liệt thần kinh Guillain-Barre hiếm gặp. Nhưng những gì người đời nhớ về ông sẽ mãi mãi không phải là những ẩn ức tủi nhục trong quá khứ. Trong trí nhớ của khán giả, sẽ là Tabarez với cái gậy chống nạng và nụ cười hiền luôn thường trực trên bờ môi và 4 kỳ World Cup đầy vang dội của bóng đá Uruguay. Sẽ không có gì bất ngờ, nếu Uruguay sẽ làm “nên chuyện” trước Pháp đêm nay.

Ông có thể không thắng nổi căn bệnh quái ác, nhưng kỳ lạ thay, đã gồng gánh sứ mệnh của một dân tộc trong chặng đường cuối của phần đời.

Chia sẻ

Bài viết

Theo BĐ&CS

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất