Thể thao

Những ai xứng đáng là người hùng của bóng đá Việt Nam?

Văn Nhân
Chia sẻ

Tác giả Joseph Campbell tìm hiểu về thần thoại, tâm lý học từ các nền văn hóa khác nhau. Ông viết nên cuốn sách The Hero with Thousand Faces để nói về những câu chuyện của anh hùng được tạo ra như thế nào.

Thông điệp từ cuốn sách The Hero with Thousand Faces nói về các người hùng rằng: Dù là những người khác nhau và làm những nhiệm vụ khác nhau nhưng điểm chung là luôn coi nhiệm vụ đang gánh vác còn quan trọng hơn bản thân mình.

Đúng hơn, trong cuộc sống thì con người phải trải qua những thăng trầm khác nhau, kể cả là người hùng - hình mẫu cho mọi người noi theo. Ở đó, người hùng biết vượt lên những nhu cầu riêng của bản thân để gánh vác nhiệm vụ chung. 

Người hùng - đây là điều được nhắc nhiều nhất nếu nhìn từ góc độ bóng đá. Một cầu thủ ghi bàn thắng quan trọng giúp đội nhà chiến thắng, hay giành chức vô địch. Một thủ môn có những pha cứu thua xuất thần. Một HLV đưa đội nhà đến vinh quang... Tất cả thường được gọi là "người hùng" trong bóng đá.

Chúng ta có thể dễ dàng đọc thấy chuyện HLV Park Hang Seo được gọi là "người hùng" của bóng đá Việt Nam. Ông Park theo tiếng gọi của bầu Đức đến Việt Nam và lập tức tạo ra những kỳ tích, các cột mốc mới về vinh quang. 

Những người thầm lặng Ảnh 1
Bầu Đức đưa HLV Park Hang Seo về Việt Nam để tạo ra những kỳ tích.

Nhìn lại chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam, những cá nhân được gọi là "người hùng" có thể nói khá nhiều. HLV Calisto - nhà cầm quân giúp tuyển Việt Nam lần đầu vô địch Đông Nam Á vào năm 2008. Lê Công Vinh - tác giả của cú đánh đầu ngược vào lưới Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2008. Bùi Tiến Dũng với những pha cứu thua để đời ở U23 châu Á 2018. Công Phượng, Quang Hải, Văn Toàn... cũng nhiều lần được gắn với hình ảnh "người hùng" trong bóng đá.

Người hùng sân cỏ là câu chuyện vốn dĩ không hề xa lạ với người hâm mộ. Nhưng làm sao để cho những cầu thủ, HLV được gọi là người hùng xứng đáng trở thành hình tượng của công chúng, là tấm gương lớn cho hàng triệu đứa trẻ noi theo, đó là vấn đề cần được nhìn nhận đúng. 

Và bóng đá Việt Nam cũng không có chỉ "những người hùng" sân cỏ, còn có những cá nhân đóng góp thầm lặng, chính họ là điểm tựa để cho ra đời những tài năng xuất chúng. Đó là các ông chủ tâm huyết với bóng đá, hay còn được gọi là ông bầu.

Năm 2008, HLV Calisto, Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn là những cá nhân nổi bật trong chiến tích vô địch AFF Cup. Nhưng bầu Thắng chính là người đóng góp công sức lớn nhất. Bầu Thắng "tặng" và hỗ trợ trả lương cho HLV Calisto một cách không hề đắn đo khi VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) ngỏ lời.

Tháng 9/2017, bóng đá Việt Nam trong cơn bĩ cực với những tranh cãi ở thượng tầng VFF về vị trí HLV trưởng ĐTQG. Bầu Đức đi Hàn Quốc mời ông Park Hang Seo về Việt Nam. Ông chủ phố Núi trả tiền lương cho ông Park. Đó là câu chuyện đi vào lịch sử bóng đá nước nhà khi phần còn lại được cả nước biết, nhà cầm quân người Hàn Quốc gặt nhiều thành công vang dội.

Những người thầm lặng Ảnh 2
Bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải là những ông bầu tâm huyết và đóng góp rất lớn cho bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua.

Bầu Đức cũng là người nâng tầm V.League, đưa hình ảnh bóng đá Việt Nam ra nước ngoài bằng bản hợp đồng gây chống động Đông Nam Á: Kiatisak. Ông chủ CLB HAGL còn là người khai sinh ra Học viện bóng đá vào năm 2007, qua đó cho ra đời những tài năng xuất chúng như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn...

Kể thêm về sự đóng góp của các ông bầu, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch NutiFood cũng là nhân vật đặc biệt, xứng đáng được gọi là người thầm lặng. Bầu Hải chung sức với bầu Đức giúp cho lứa Công Phượng, Đức Huy, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng trưởng thành qua các sân chơi như U19, U21. Ông Trần Thanh Hải còn mở Học viện NutiFood, góp phần cho ra đời sân chơi SV-League, tài trợ cho V.League...

Nếu đặt những nhân vật kể trên vào quan điểm của Joseph Campbell trong cuốn sách The Hero with Thousand Faces, chúng ta có thể thấy là mỗi cá nhân có một công việc khác nhau nhưng họ đều là tấm gương lớn về sự đóng góp cho bóng đá nước nhà. 

Bóng đá hay cuộc sống không cần "người hùng" theo kiểu tự thổi phồng, nhưng rất cần những người đóng góp thật, cống hiến thật và dám làm những điều vượt qua nhu cầu riêng của bản thân. Và thật may mắn cho bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh còn tồn tại nhiều điều chưa tích cực thì còn có những con người hết lòng tâm huyết với bóng đá như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải...

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất