Thể thao

Jose Mourinho tấn công Koeman và nỗi oán hận của một tượng đài

Gia Bảo
Chia sẻ

Cựu cầu thủ kiêm bình luận viên Stan Collymore vừa có một nhận xét tưởng chỉ để gây chú ý, nhưng thực sự đã chọc đúng tim đen của con người ngạo nghễ tự nhận là “nổi tiếng chỉ sau Chúa Trời” - Jose Mourinho.

Mourinho vẫn còn 'cay' món nợ ở Barcelona 

Trong bài viết cho tờ The Mirror, Collymore bảo rằng Mourinho vẫn căm hận và ghen tỵ với vị thế của Ronald Koeman tại Barcelona. Đó là lý do Mourinho đã ra sức khích bác Koeman trong bài phát biểu trước thềm trận đấu giữa Man United và Everton hôm Chủ nhật vừa rồi.

Mourinho nói, Koeman phải đưa được Everton vào Top 4 của Premier League mùa này sau khi đã bỏ ra 140 triệu bảng ở phiên chuyển nhượng hè. Bởi chưa bao giờ trong lịch sử chi tiêu tằn tiện của mình, Everton chịu chơi đến thế.

Không phải Mourinho, Koeman mới là cánh tay phải của Van Gaal hồi còn ở Barcelona

Nhưng Mourinho chỉ đánh giá theo bề nổi. Chứ nhìn tổng thể, Man United còn mạnh tay gấp nhiều lần Everton ở khía cạnh đầu tư vào lực lượng. Mourinho chỉ thấy mua và mua; từ Paul Pogba tới Nemanja Matic, từ Eric Bailly tới Zlatan Ibrahimovic; toàn những chữ ký chất lượng, và không phải bán đi bất kỳ trụ cột nào.

Ngược lại, để chiêu mộ các cầu thủ mà Mourinho đã thẳng tay loại khỏi sân Old Trafford như Morgan Sneiderlin hay Wayne Rooney, Koeman đã phải cắn răng chia tay ngôi sao sáng nhất của mình là Romelu Lukaku cho chính Man United theo bản hợp đồng trị giá 75 triệu bảng chưa kể phụ phí.

Thế nên, nếu Everton phải đứng trong nhóm 4 đội mạnh nhất tại giải đấu có tính cạnh tranh cao khủng khiếp như Premier League, Man United có lễ cần đoạt cú ăn ba như mùa giải 1998/99 thì mới công bằng.

Mourinho vẫn khó chịu với Koeman vì những chuyện của quá khứ?

Collymore có lý, cuộc tấn công vô cớ nhắm vào Koeman không phải là trò tâm lý chiến nhằm giành 3 điểm như Mourinho vẫn thường làm với kỳ phùng địch thủ Arsene Wenger. Everton quá yếu, bằng chứng là Man United - với phong độ hủy diệt của Lukaku - đã thắng tới 4-0.

‘Người đặc biệt’ vẫn khó chịu với Koeman vì những gì từng xảy ra tại Barca dạo nào.

Từ năm 1998 đến 2000, Mourinho và Koeman cùng làm trợ lý cho Louis van Gaal tại sân Nou Camp. Nhưng nếu như cựu hậu vệ người Hà Lan luôn được đối xử trọng vọng vì sự nghiệp thi đấu đồ sộ của mình, với điểm son chói lọi là pha ghi bàn giúp Barca giành chiếc Cúp C1 đầu tiên trong lịch sử vào năm 1992, Mourinho luôn bị các CĐV phớt lờ, thậm chí còn bị một số thành viên trong BHL gọi mỉa mai là ‘Tay phiên dịch’.

Mối quan hệ của Mourinho và Van Gaal không phải lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”, chính Mourinho là người đã gián tiếp đẩy Van Gaal ra đường ở Manchester United.

Và có một lần, Koeman đã nặng lời yêu cầu Mourinho trật tự khi ‘Tay phiên dịch’ định đưa ra một góp ý về chuyên môn với Van Gaal.

Mourinho đúng là đã đến Barca trong vai trò thông ngôn cho chiến lược gia người Anh là Bobby Robson. Sau khi Robson ra đi, Van Gaal vẫn để Mourinho đảm đương phần việc cũ với suy nghĩ đơn giản rằng ‘phiên dịch thì dùng ai chẳng được’. Trong mắt Van Gaal, Koeman mới là cánh tay phải vì không chỉ có cùng quốc tịch mà lại còn biết đá bóng.

Đi tìm sự thừa nhận 

Mourinho tất nhiên rất giận. Bởi tuy xuất phát điểm chỉ là phiên dịch viên, gã trai đến từ Bồ Đào Nha lại nuôi tham vọng một ngày nào đó sẽ là một HLV vĩ đại hơn cả Van Gaal. Xét riêng về mặt thành tích, Mourinho lúc này đã toại nguyện. Nhưng như Collymore đã nhấn mạnh, dù đang sở hữu nhiều chiếc Cúp hơn cả Koeman lẫn Van Gaal cộng lại, Mourinho vẫn chưa phải là một tượng đài tại bất kỳ đội bóng nào.

Là HLV đầu tiên đem về chức vô địch quốc gia cho Chelsea trong vòng nửa thế kỷ, Mourinho vẫn bị các CĐV trên sân Stamford Bridge huýt sáo và gọi là Judas. Dù đã giúp Inter thực hiện cú ăn ba không tưởng ở mùa giải 2009/10, Mourinho vẫn không thể được tôn vinh và ghi nhớ như Helenio Herrera. Tại Real Madrid, người ta ghét Mourinho nhiều hơn yêu vì lối chơi đi ngược truyền thống của CLB vĩ đại nhất mọi thời đại.

Tại Man United, Mourinho mới đang cặm cụi lát những viên gạch đầu tiên trong giấc mơ trở thành ‘Sir Alex Ferguson đệ nhị’. Ngay cả tại Porto, di sản mà Mourinho để lại cũng không bằng Jose Maria Pedroto, người từng dẫn dắt ‘Những con rồng’ trong 3 nhiệm kỳ với rất nhiều công trạng.

Thói quen dịch chuyển và tính cách khác người đã giúp Mourinho thành công tại bất kỳ đâu chiến lược gia 54 tuổi này đặt chân đến. Nhưng cũng chính vì hai yếu tố kể trên mà người đời cũng quên Mourinho ngay sau khi ‘Người đặc biệt’ ra đi. Một nỗi buồn thật khó nói thành lời.

Sau 15 năm phiêu bạt qua 6 CLB (2 lần với Chelsea), Mourinho đáp xuống Man United cùng quyết tâm hướng tới một tương lai lâu dài và một chỗ đứng trang trọng hơn trong danh sách dài dằng dặc những biểu tượng bất tử của sân Old Trafford.

Liệu Mourinho sẽ toại nguyện hay lại một lần nữa bị cuốn theo chiều gió ra khỏi trí nhớ của người hâm mộ?

Chia sẻ

Bài viết

Gia Bảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất