Thể thao

Hơn 2 năm sóng gió của VPF: Đã đến lúc có Tổng giám đốc mới?

Văn Nhân
Chia sẻ

Hơn 2 năm sau màn phản đối của bầu Đức, VPF đã liên tục xảy ra những vấn đề gì?

“Cần cấm 1 người giữ 2 chức vụ. Nếu không làm được bóng đá Việt Nam sẽ chết. Tôi còn yêu bóng đá thì đấu tranh chuyện này tới cùng. Hãy trả lại bóng đá cho người khác, không thể một người ngồi nhiều chiếc ghế được. Phải để có sự phản biện, chứ anh làm sai thì ai dám nói anh. VPF bây giờ trở thành công ty gia đình rồi, chẳng lẽ chúng tôi bỏ tiền ra để làm công ty gia đình?”.

Đó là phát biểu của bầu Đức trên Saostar cách đây hai năm trong bài viết Bầu Đức: ‘Không dẹp được Mafia thao túng, tôi thề bỏ bóng đá ngay’.

Nỗi lo khi đó không chỉ có bầu Đức mà nhiều người làm bóng đá cũng lường trước được như bầu Thắng. Bây giờ hãy thử nhìn lại hơn hai năm kể từ ngày VPF thay đổi bộ sậu đã trải qua những gì bất cập.

1. Điều đầu tiên chính là không có được sự tin tưởng lớn từ các đội bóng tham gia chuyên nghiệp. Bầu Đức (CLB HAGL), bầu Nhiệm (CLB Long An), ông Lê Hồng Cường (Tổng giám đốc CLB Bình Dương), Lê Công Vinh (từng là Quyền chủ tịch CLB TPHCM), các chuyên gia bóng đá như HLV Lê Thụy Hải, Vũ Mạnh Hải… đều có tiếng nói phản biện liên quan đến chuyện một người ngồi nhiều ghế.

Ví dụ với tư cách là Trưởng ban kiểm soát VPF nhưng ông Lê Hồng Cường từng phát biểu khiến cho tất cả sốc rằng: “Các ông ấy tự làm hết, tôi không được biết gì cả”.

Thời còn làm Quyền chủ tịch CLB TPHCM - Lê Công Vinh phản đối chuyện bầu Tú ngồi nhiều ghế: “Ủng hộ quan điểm của chú Đức. Để cho bóng đá Việt Nam phát triển. Chỉ có ở bóng đá Việt Nam mới có chuyện một người mà giữ nhiều chức đến như vậy”.

2. Những lùm xùm ở VPF gần như liên tục xuất hiện trong thời gian đầu với việc bổ nhiệm Phó tổng giám đốc mà ngay đến Trưởng ban kiểm soát VPF cũng không hay biết. Phó chủ tịch VPF từ chức VPF vì xảy ra chuyện “dọa xử” phó ban trọng tài VFF.

Nghiêm trọng hơn là CLB HAGL và Long An từng muốn bỏ bóng đá. Bầu Đức phản đối một người ngồi nhiều ghế. Bầu Thắng không chấp nhận VPF dùng tiền xài không đúng mục đích.

VPF trong hai năm dưới thời bầu Tú là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và Trưởng ban điều hành (ghế này sau đó nhường lại cho ông Nguyễn Trọng Hoài) có quá nhiều tranh cãi.

Câu chuyện VPF từng tổ chức cho các đội bóng đi châu Âu để học hỏi cũng gây xôn xao dư luận, bởi lịch trình phần lớn chỉ là… đi tham quan.

Bên cạnh đó, chuyện xếp lịch thi đấu của VPF cũng gây tranh cãi ở cuộc đối đầu giữa Bình Dương và Hà Nội FC, hay câu chuyện tranh cãi về bản quyền truyền hình với đối tác…

3. Những vấn đề của bóng đá Việt Nam không vơi đi. Điển hình là công tác trọng tài vẫn không có sự chuyển biến lớn, các trận đấu ở V.League vẫn thường xuyên có tranh cãi về trọng tài. Sân bãi bị người hâm mộ chê. Ví dụ sân Vinh ở mùa bóng năm nay đã bị chê xấu như “sân ruộng” ngay sau trận đấu giữa SLNA và Bình Dương.

Hơn hết, câu chuyện pháo sáng trở thành tâm điểm của bóng đá Việt Nam trong năm 2019. Thậm chí, một khán giả đến xem trận Hà Nội và Nam Định bị dính pháo sáng đến nhập viện.

4. VPF bị phê bình. Đó là chia sẻ của Chủ tịch CLB Sài Gòn FC - Vũ Tiến Thành khi nói về cuộc họp ngày 31/3 vừa qua. Ông Thành còn không đồng ý với chuyện bầu Tú phát biểu phương án đá tập trung thông qua hình thức bỏ phiếu quá bán, hay chuyện thiếu quyết đoán trong thời điểm giải hoãn vì Covid-19.

CLB Sài Gòn cũng nhắc đến chuyện họ không đồng ý đá tập trung nhưng VPF đăng tải đồng ý. Sau đó, VPF phải sửa lại thông tin đăng tải.

5. Những lời hứa từ VPF chưa được thực hiện. Bầu Tú từng nói với báo chí về việc V.League sẽ có VAR nhưng kết quả không có. Những lý giải xuất hiện về chuyện không có VAR nhưng rõ ràng cho thấy chính VPF không nắm bắt được câu chuyện có VAR phải đáp ứng được những điều kiện gì từ FIFA.

Bầu Tú từng xin rút khỏi ghế Tổng giám đốc VPF vào năm 2018 nhưng sau đó lý do tiếp tục ngồi vì Hội đồng quản trị VPF không cho rút, quan điểm nếu có ứng viên tốt sẽ xem xét chuyển giao. Mấu chốt vấn đề rõ ràng là bầu Tú có muốn rời ghế hay không, nếu xác định rời thì ráo riết tìm được người thích hợp để thay thế. Hơn 2 năm qua, câu chuyện kể trên vẫn chưa có kết quả.

VPF cần có Tổng giám đốc mới?

Từ những bất cập trên cho thấy VPF đang tồn động quá nhiều thứ. Bóng đá Việt Nam đã thăng hoa liên tục trong 2 năm qua nhưng sân chơi chuyên nghiệp thì tiếp tục bị phản ứng từ chính những người trong cuộc. Bầu Đức phán đối họp online, không trả lời phiếu thăm dò, CLB Sài Gòn cũng phản ứng VPF…

Theo góp ý của HLV Lê Thụy Hải, VPF cần tận dụng cơ hội giải đấu đang hoãn để cơ cấu lại mọi thứ, nhất là chuyện ở thượng tầng. Vì mọi thứ so với phát biểu của bầu Đức cách đây 2 năm thì nỗi lo là rất lớn, bởi VPF chưa cho các CLB thấy được niềm tin như mong đợi.

HLV Lê Thụy Hải lên tiếng rằng: “Không nên để một người nắm nhiều ghế như thế sẽ không hay cho tổ chức, không làm cho tổ chức tốt lên. Đó là điều chúng ta cần phê phán, lúc này đang rảnh rỗi cần phải làm. Một người nên làm một chức vụ thôi, chứ không thể kiêm nữa”.

Bầu Đức mong muốn VPF thay đổi để tốt cho bóng đá Việt Nam.

Mới nhất, bầu Đức mong muốn VPF hãy thay đổi ở thượng tầng để tránh xảy ra những bất cập, những câu chuyện như ý tưởng đá tập trung ở miền Bắc. Bầu Đức đặt câu hỏi: Bóng đá Việt Nam đâu thiếu người tài, sao phải lấy cớ không tìm được người để xảy ra chuyện một người ngồi hai ghế to của VPF?

Phải chăng VFF, VPF cần lắng nghe tiếng nói từ dư luận để thay đổi chuyện một người giữ hai ghế to ở VPF? Vì hai năm qua thì VPF đang cho thấy quá nhiều vấn đề tranh cãi so với thời điểm bóng đá Việt Nam gặp khó khăn của nhiệm kỳ trước.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất