Thể thao

Đá bóng cho ai?

Văn Nhân
Chia sẻ

Bóng đá Việt Nam đang tồn tại những nghịch lý là có những đội bóng không đá bóng vì... người hâm mộ.

Nói thế thì các cầu thủ chắc chắn trách cứ tôi, vì cầu thủ đá bóng vì nồi cơm, đá vì đam mê và vì khán giả. Điều tôi muốn nói là cách làm bóng đá của phần lớn các CLB Việt Nam là vì ai?

Bóng đá không có khán giả sẽ chết. Điều ấy giống như kim chỉ nam, chân lý mà các đội bóng đều phải nhớ để cố gắng thay đổi hình ảnh và cầu thị khán giả. “Thượng đế” có đến sân thì mới bán được vé, có tiền biển quảng cáo, thu hút được nhà tài trợ, những nguồn thu thiết thực hơn nhiều so với tiền bản quyền truyền hình nhỏ giọt từ VPF.

Nghịch lý là phần lớn các CLB Việt Nam chưa hướng đến điều quan trọng nhất kể trên. Họ làm bóng đá không hoàn toàn vì người hâm mộ. Thế nên, điều này góp phần khiến cho sân chơi V.League sau gần 20 năm lên chuyên nghiệp càng thụt lùi về hình ảnh.

Đồng Nai xin lỗi lãnh đạo khi rớt hạng.

Ví dụ, Đồng Nai rớt hạng ở V.League 2015. Tôi từng ngỡ ngàng khi đọc dòng băng rôn của đội bóng này: “CLB bóng đá Đồng Nai tri ân, xin lỗi lãnh đạo và người hâm mộ bóng đá Đồng Nai”. Tại sao phải xin lỗi lãnh đạo đứng trước người hâm mộ? Vậy đội Đồng Nai trong ba năm lên chơi V.League đá bóng vì ai, chẳng lẽ đá vì lãnh đạo?

Trong tự truyện của Công Vinh cũng nói về nghịch lý này, CLB Bình Dương đang là đương kim vô địch V.League nhưng mục tiêu mùa sau chỉ đá trụ hạng. Nguyên nhân là ông chủ không tiếp tục đầu tư để bỏ tiền sắm sao, chỉ đá cầm chừng không để rớt hạng.

Bình Dương có 4 lần vô địch V.League. Họ từng sở hữu nhiều ngôi sao hàng đầu Việt Nam. Lãnh đạo cũng cầu thị trong việc lôi kéo khán giả đến sân. Vậy tại sao không có người xem?

Sân Bình Dương từng vắng đến nao lòng.

Câu chuyện này tưởng chừng khó lý giải nhưng rất đơn giản. Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh sau trận đấu thì các cầu thủ Bình Dương bỏ đi vào trong đường hầm, chỉ có Anh Đức đứng ở lại vỗ tay chào khán giả. Anh Đức là người con đất Thủ, còn phần còn lại là “lính đánh thuê” nên họ chỉ có trách nhiệm đá bóng.

Với một đội bóng kiểu như Bình Dương thời hoàng kim, chỉ có độc nhất Anh Đức là người đất Thủ thì liệu khán giả có đến sân để xem? Liệu họ có đến cổ vũ để rồi chứng kiến mỗi Anh Đức ở lại tri ân?

Với bóng đá Việt Nam, xin thưa là thành tích quan trọng nhưng chẳng có nhiều ý nghĩa với khán giả. Những Bình Dương, CLB Hà Nội đâu có được tình yêu của người hâm mộ. Hà Nội chỉ bắt đầu có khán giả quan tâm ở mùa này, nhưng chỉ “ăn theo” U23 Việt Nam. Không có cú địa chấn của thầy trò Park Hang Seo, tôi tin đội bóng của bầu Hiển vẫn đá trong cảnh đìu hiu khán giả như mọi năm.

Thế nhưng, sự thay đổi của CLB Hà Nội về tần suất yêu của khán giả cũng là một ví dụ thiết thực. Họ không từ bỏ như Bình Dương, vẫn kiên trì đến cùng và bắt đầu nhìn thấy được tín hiệu tích cực. Đó là điều đáng trân trọng với bóng đá Việt Nam, ít nhất so với các đội bóng làm theo kiểu “ăn xổi”.

Bóng đá không có khán giả sẽ chết.

Bóng đá phải có khán giả. Đó là điều bắt buộc và không có khán giả phải thay đổi, phải cầu thị. Tôi nghĩ hình mẫu hiện tại là HAGL của bầu Đức. Không chỉ là triết lý bóng đá đẹp mà cần có bản sắc, cầu thị khán giả, quán triệt tư tưởng cầu thủ là cấm đá xấu, đá láo, không thể bất chấp thắng thua mà quên đi những ai bỏ tiền vào sân mua vé để cổ vũ cho đội bóng.

Đó cũng là lý do CLB HAGL sau 3 năm lên V.League không có thành tích, thậm chí còn suýt rớt hạng nhưng vẫn được đông đảo người hâm mộ yêu mến.

Tôi từng nhớ ông bầu bóng đá Long An - ông Võ Quốc Thắng có nói: Cầu thủ đá bóng không hết mình đã là có lỗi với người hâm mộ, có lỗi với những người bán vé số đến ngày cuối tuần mua vé vào sân cổ vũ cho đội bóng!

Đá bóng vì ai? Điều đáng suy ngẫm cho sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất