Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Công Phượng bị trầm cảm và sự nghiệt ngã của bóng đá

Ít ai biết rằng, Công Phượng từng có một giai đoạn rơi vào trầm cảm vì sức ép quá lớn từ những chỉ trích liên tục của dư luận lẫn một số người hâm mộ.

1. Bóng đá vốn dĩ được xem là môn giải trí có hàng tỷ người hâm mộ yêu mến. Nhưng từ cầu thủ đến HLV đều chịu một áp lực rất kinh khủng, càng nổi tiếng thì áp lực càng lớn.

HLV Mourinho với mái tóc đen, điển trai từng đến Chelsea trong sự thần tượng của rất nhiều fan nữ. Thế nhưng, Mourinho cũng sớm đánh mất vẻ điển trai khi mái tóc sớm bị bạc vì cầm quân ở các CLB lớn với sức ép giành danh hiệu.

HLV Pep Guardiola có lẽ may mắn hơn Mourinho là để trọc đầu. Nhưng có thời điểm thì khuôn mặt của Pep hiện rõ sự áp lực của nghề cầm quân khi quên cả cạo râu, khuôn mặt tiều tụy.

Ở Việt Nam, nếu bạn là người yêu mến Lê Công Vinh có thể nhận thấy được một điều khá đặc biệt về mái đầu của cựu tiền đạo Việt Nam. Công Vinh rất chỉn chu nhưng quan sát kỹ thì mái đầu lộ nhiều tóc bạc. Phần lớn nguyên nhân đến từ áp lực bóng đá khi cả sự nghiệp thì Vinh luôn đứng giữa lằn ranh yêu và ghét.

2. Sức ép trong bóng đá thực sự kinh khủng nếu nhìn lại những câu chuyện bi thương của môn thể thao vua. Từ HLV đến cầu thủ đều xảy ra những bi kịch giống như nỗi đau tận cùng cho người hâm mộ.

Thủ môn Robert Enke (Đức) lao đầu vào đoàn tàu trước thềm World Cup 2010. Sau này, bí mật được tiết lộ vì Robert Enke bị trầm cảm kể từ khi chuyển đến CLB Barcelona. Anh mắc lỗi trong ngày ra mắt nên sau đó phải ngồi ghế dự bị. Áp lực tăng dần theo từng ngày dẫn đến bi kịch đau lòng của Robert Enke.

HLV trưởng đội tuyển Xứ Wales, Gary Speed đã treo cổ tại nhà riêng. Cầu thủ Justin Fashanu là người đầu tiên dám nhận bị gay, sau đó treo cổ tại nhà vì không chịu nổi điều tiếng.

Rất nhiều HLV và cầu thủ trên thế giới phải chịu căn bệnh trầm cảm vì sức ép quá lớn của môn bóng đá. Thế nên, không ít cầu thủ gọi bóng đá là nghề bạc bẽo. Công Vinh trong cả sự nghiệp dù đỉnh cao hay giải nghệ đã có 3 lần trả lời phỏng vấn nhắc đến cụm từ: Bóng đá rất bạc bẽo.

3. Nguyễn Công Phượng chính là cầu thủ gần nhất được nhắc đến với chuyện trầm cảm. Đó là thời điểm Công Phượng gần như ở “đáy vực” với những lời chê trách, thậm chí bị ví như thần đồng sớm nở tối tàn.

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng từng bị đẩy xuống đáy của sự chỉ trích sau SEA Games 29.

Bi kịch của Công Phương xuất phát từ rất nhiều định kiến của khán giả đòi giải nghệ sau khi đá hỏng phạt đền trước U22 Thái Lan ở SEA Games 29, hay các chuyên gia nhận xét đi bóng “như húc vào tường”. Những tiếng chê trách đó cứ dồn ép Công Phượng liên tục.

Tất cả gần như phủi sạch đi quá khứ của Công Phượng, một cầu thủ từng làm cho hàng triệu người Việt Nam thổn thức và tìm lại tình yêu bóng đá. Đó là một sự bất công quá lớn dành cho Công Phượng khi thất bại của U22 Việt Nam bỗng dưng dồn lên một mình chàng trai xứ Nghệ.

Có một thực trạng mà bất kỳ người hâm mộ nào cũng nhìn thấy được, Việt Nam có rất nhiều trang tin điện tử, báo chí chính thống, tạp chí… Phần lớn đều mục thể thao và Công Phượng là cái tên xuất hiện gần như dày đặc, từ khen đến chê cứ xoay đều theo từng thời điểm.

Lẽ đó, Công Phượng phải thường xuyên đối diện với áp lực dư luận cùng sự kỳ vọng của người hâm mộ. May mắn là Công Phượng đã không gục ngã trước những sức ép vô hình. Công Phượng đã vượt qua tất cả đến lần thứ 2 xuất ngoại.

Từ một câu chuyện dài về chuyện Công Phượng từng rơi vào trầm cảm để thấy rằng, chúng ta cần có những cái nhìn theo hướng động viên với Công Phượng cùng những cầu thủ trẻ, vì bóng đá vốn dĩ là một nghề đối diện với rất nhiều sức ép.

Hy vọng là Công Phượng sẽ vượt qua được những tháng ngày đang bị đè nặng về tâm lý ở Incheon United. Và niềm vui có thể đến với Công Phượng trong những ngày tập trung cùng tuyển Việt Nam ở King's Cup 2019 vào đầu tháng 6 tới.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Taylor Swift