Thể thao

Cơn mộng mù quáng của Sir Alex đã giết Veron như thế nào?

Theo BĐ&CS
Chia sẻ

Veron là một cầu thủ xuất sắc ở Serie A, không ai có thể phủ nhận. Anh là một “món hàng” mà nhiều HLV hàng đầu thèm muốn sở hữu, bất chấp những câu hỏi về sự phù hợp với các môi trường bóng đá khác nhau.

Juan Sebastian Veron đã có một khởi đầu đáng khích lệ trong khoảng thời gian chơi bóng ở Anh, khiến người ta tin rằng đây là bản hợp đồng “khủng bố” của Sir Alex. Ngay cả ngôi sao Nicky Butt khi đó còn tự hỏi liệu mình có thể quay lại đội hình xuất phát hay không, sau khi chứng kiến cầu thủ Argentina chơi bóng.

“Tôi bị dính thẻ và phải ngồi ngoài trận gặp Everton. Veron chơi bóng, tôi dõi theo và nghĩ 'Thôi xong rồi, đá như thế chắc mình bị bán ngay thôi”. Veron là cầu thủ hay nhất tôi từng chứng kiến sau Cantona. Trong buổi tâp, anh ấy là cái thứ gì mà tôi chưa thấy bao giờ'.

Nhưng rồi những màn trình diễn không còn xuất hiện thường xuyên, kèm theo những chỉ trích khiến Sir Alex nổi đóa gây chiến với giới truyền thông vào tháng Năm. “Veron là cầu thủ tuyệt vời. Mẹ kiếp, bọn mày (phóng viên) là lũ ngu đần”, hiệp sĩ sân Old Trafford ném giận dữ vào mặt cánh báo chí và rời khỏi phòng họp báo.

Đây là một cầu thủ mà nhiều CLB thèm muốn

Hành động bảo vệ của Sir Alex rất ấn tượng và đầy sức nặng nhưng vẫn không thể che đậy được phong độ không tốt của tiền vệ người Argentina. Mùa hè năm sau, Veron bị bán cho Chelsea với giá chỉ bằng một nửa con số 28 triệu bảng. Tờ The Times nhanh chóng liệt anh vào danh sách 50 hợp đồng chuyển nhượng thất bại nhất lịch sử Ngoại hạng Anh.

Một cầu thủ phá kỷ lục chuyển nhượng nước Anh, được một HLV vĩ đại bậc nhất thế giới sẵn sàng văng tục để bảo vệ, sở hữu phí chuyển tổng cộng đến 77 triệu bảng khi chuyển đến sân Stamford Bridge, vậy điều gì đã xảy ra với một tài năng xuất sắc như vậy?

Với nhiều người, tài năng của Veron tuyệt luân không kém gì Pele, người đưa anh vào danh sách 125 càu thủ hay nhất thế giới còn sống vào năm 2004 - ngay cả sau khi anh rời Chelsea mà không để lại ấn tượng gì. Câu trả lời cho sự thất bại của Veron bao trùm nhiều khía cạnh và nó phụ thuộc vào thế giới quan của người hồi đáp.

Chàng tiền vệ thách thức cả Serie A

Juan Sebastian Veron sinh ra ở La Plata, Argentina vào ngày 9/3/1975. Cha anh, Juan Ramon, cũng là cầu thủ nổi tiếng với biệt danh ‘Phù Thủy’. Và khi Veron nối nghiệp cha với cái tên “Tiểu Phù Thủy”, không ai tỏ ra ngạc nhiên. Nối gót người cha, anh gia nhập Estudiantes năm 1993, trước khi chuyển đến Boca Juniors.

Ở Boca, Veron có cơ hội sát cánh cùng huyền thoại Diego Maradona nhưng chỉ trong 17 trận, trước khi HLV Sven-Goran Eriksson đưa anh sang châu Âu khoác áo Sampdoria. Sau World Cup 1998, Sampdoria bán anh cho Parma với giá khoảng 15 triệu bảng, còn Eriksson sang dẫn dắt Lazio. Nhưng họ sẽ lại gặp nhau, ở tương lai gần.

Được mệnh danh là Phù thủy sân cỏ, Juan Veron hoàn toàn xứng đáng trong thế hệ tài năng của bóng đá Argentina gồm Batistuta, Riquelme…

Trong năm duy nhất chơi bóng cho Parma, anh giúp đội bóng này giành cả Coppa Italia và UEFA Cup, đủ để thuyết phục Eriksson một lần nữa tìm mọi cách đưa anh về Lazio để hiện thực hóa tham vọng Scudetto của đội bóng thành Rome. Trớ trêu thay, anh gặp chính M.U trong trận ra mắt Lazio và giúp đội nhà giành chiến thắng 1-0 trận Siêu cúp châu Âu. Tất nhiên, Sir Alex không thể rời mắt trước màn trình diễn của “Tiểu Phù Thủy”.

Có Veron, Lazio giành Scudetto và Coppa Italia nhưng cái giá phải trả cho việc này khá đắt. Veron gặp vấn đề về hộ chiếu và pháp lý, khiến chủ tịch Cragnotti cũng bị liên lụy. Veron và chủ tịch được xóa án năm 2007 nhưng người đại diện liên quan đến “chạy hộ chiếu” phải ngồi tù 15 tháng.

Anh đã chứng thực được tài năng của mình ở Argentina, Italia và giờ sẽ khoác áo MU.

Hành trình bão táp ở nước Anh

Năm 2000, sau thất bại trước Real Madrid ở tứ kết Champions League, HLV Ferguson nhận thấy cần phải thay đổi nhân sự tuyến giữa. Đội hình 4-4-2 của M.U tỏ ra yếu thế hơn hẳn 4-3-3 của Kền kền trắng, khi mà Roy Keane và Paul Scholes tỏ ra lạc lõng trước 3 tiền vệ cơ động bên phía đối phương.

Năm sau đó, M.U lại tiếp tục bại trận tại Tứ kết dưới tay Bayern Munich của Ottmar Hitzfeld với kịch bản tương tự Vicente del Bosque. M.U vẫn thống trị Ngoại hạng Anh nhưng Sir Alex khao khát có thêm danh hiệu châu Âu và bắt đầu từ việc nhắm đến một dạng tiền vệ khác biệt hẳn những gì ông đang có. Juan Veron vào tầm ngắm ngay tức thì.

Sir Alex đã rất vui sướng với BHĐ này.

Được đại gia Ngoại hạng Anh mời chào, Veron hoang mang đi hỏi HLV Eriksson. “Ông ấy cho tôi nhiều lời khuyên và giải thích các vấn đề. Chính HLV Eriksson đã đẩy tôi nhanh tiến về nước Anh”. Thời điểm đó, Eriksson sắp rời nước Ý để sang dẫn dắt ĐTQG Anh do đó ông tin rằng mình hiểu biết ít nhiều về bóng đá xứ sương mù. Bản thân Veron cũng rất tôn trọng và khao khát dược chơi bóng với những cầu thủ tầm cỡ như Beckham, Scholes và Keane.

Nhưng đến chơi bóng ở Anh không đơn giản, nhất là khi bạn đến từ một nền bóng đá đậm kỹ chiến thuật như Serie A hay La Liga. Cần phải có thời gian để một cầu thủ làm quen với tốc độ chơi bóng nhanh, sự va chạm liên tục nếu không muốn bị “thổi” bay sự bình tĩnh, tự tin và phong độ. Rất nhiều người nói rằng Veron thể hiện đẳng cấp của mình trong giai đoạn đầu nhưng lại không thể trụ vững trước sự khắc nghiệt về cách chơi thiên về thể lực, tốc độ và cả lịch thi đấu xuyên mùa Đông.

Veron đến MU cứ ngỡ là một sự kết hợp tuyệt vời của định mệnh

Trong 8 trận đầu tiên, hàng tiền vệ với Veron đã nổ súng 4 lần. Tháng sau đó, Veron trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất tháng. Nhưng thất bại 1-2 trên sân nhà trước Bolton đã kéo M.U vào chuỗi 7 trận chỉ thắng 1, đáng thất vọng.

“Máy sấy tóc” Sir Alex bắt đầu nghi ngờ và thay đổi đội hình 4-5-1 rồi lại 4-4-2 xoành xoạch để hi vọng khai thác hết tài năng của “siêu cầu thủ” Veron. Điều này vô tình làm các cầu thủ khác mất đi sự tự tin vì họ không chắc chắn sẽ chơi thế nào hay có được ra sân ở vòng tới không khi mà chiến thuật cứ không cố định như vậy.

Câu chuyện của M.U ở đấu trường châu Âu cũng tương tự. Suốt giai đoạn vòng bảng, khả năng cầm nhịp và 4 bàn thắng của Veron là chìa khóa đưa M.U tiến sâu vào vòng trong. Tuy nhiên càng đá, Veron càng đuối. Anh bắt đầu cảm nhận việc thay đổi môi trường thi đấu khủng khiép hơn là anh tưởng. Hoặc cũng bởi vì đặc điểm thể chất khiến anh không thể thích nghi với “bóng đá kiểu Anh”.

“Sự thay đổi chính là về khía cạnh thể chất. Tôi xem việc tập luyện thể dục là điều rất quan trọng. Tôi chuyển từ nền bóng đá rất coi trọng giai đoạn luyện tập trước mùa giải (Serie A) để chuyển sang một nơi mà cách duy nhất họ tập luyện chính là chơi bóng. Ở Anh họ đá quanh năm: Giáng sinh, Năm mới, không ngừng nghỉ. Nửa năm đầu tôi theo được nhưng sau tháng 12, chịu thôi’ - Veron trả lời phỏng vấn tạp chí 442 hồi năm 2016.

Veron đã phá hỏng mọi thứ

Tiết lộ này của anh phù hợp với phỏng đoán của nhiều người vào thời điểm đó, rằng Veron sinh ra không dành cho Ngoại hạng Anh. Nhưng bên cạnh lý do khách quan là đặc tính giải đấu, còn có những câu chuyện rắc rối nội bộ M.U mà không phải ai cũng tỏ tường.

Có một tin đồn lan truyền trên báo, kể việc hai cầu thủ tiền vệ máu mặt của M.U đã tách Veron ra và giải thích các CLB vận hành sau khi bị Leverkusen loại khỏi Bán kết Champions League. Tờ báo tiếp lời rằng cặp đôi cầu thủ trên khẳng định Veron đã chơi bóng xa rời định hướng của đội, khiến M.U phải trả giá bằng tấm vé vào chơi ở trận Chung kết. HLV Ferguson đã nổi nóng khi nghe thấy thông tin này. “Mọi thứ đều là vô nghĩa, tất cả là dối trả”, ông quát.

Nhưng thời tiết nước Anh và sự khắc nghiệt của Premier League đã phá tan mộng đẹp của các bên.

Sự thật về câu chuyện này có lẽ sẽ không bao giờ biết được và người ta cũng chẳng có bằng chứng gì. Tuy nhiên, cựu cầu thủ M.U Gary Neville từng có ý kiến riêng về sự thất bại của bản hợp đồng kỷ lục này. Nói trên Sky Sports, Neville thừa nhận chuyện thay đổi đội hình là cần thiết nhưng anh cũng nghi ngờ độ hiệu quả của chiến thuật mới, cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến Veron không thể thành công.

“Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là khi bạn quyết định điền tên ai vào đội hình xuất phát. M.U có Beckham, Keane, Scholes và Giggs ở tuyến tiền vệ sẵn rồi. Và rồi bạn bắt đầu nghĩ xem mình mua cầu thủ là để làm phương án dự phòng hay là để thách thức và thay thế bộ tứ phía trên. 28 triệu bảng cho Veron là con số khổng lồ và bạn buộc phải cho anh ta ra sân chơi bóng dù phong độ không tốt. Thế là Scholes bị đẩy lên phía trên, đội bóng không còn mượt mà nữa”, Gary Neville thẳng thắn.

Nhận định của Neville cho thấy hai điều. Thứ nhất, anh nhận thấy không cần phải phá hỏng hệ thống đang vận hành ổn với M.U. Và điều thứ hai, cựu cầu thủ này bất đồng quan điểm với ông thầy cũ trong việc cố gắng thay đổi để cạnh tranh trên đấu trường châu Âu - tất nhiên đó là quan điểm trên góc độ cầu thủ.

Biến hành trình phiêu lưu của Veron tại MU hay Chelsea đầy rẫy nỗi kinh hoàng

Nicky Butt cũng có những chia sẻ xung quanh chuyện hòa nhập của Veron tại nền bóng đá mới, đội bóng mới. “Có nhiều siêu sao đến với CLB này nhưng không thể trụ lại, trong đó có Veron. Anh ấy là một cầu thủ tuyệt vời, không thể tin được, nhưng có vẻ Veron không hiểu được trở thành cầu thủ của M.U có ý nghĩa như nào. Anh ấy không hiểu cảm giác của CLB, không thể kiểm soát được tốc độ. Người hâm mộ không muốn một “Tiểu Phù Thủy” chơi bóng kỹ thuật nhưng lại chậm rãi, từ tốn. Họ muốn nhiệt huyết, tốc độ sấm sét, tấn công tấn công và tấn công”.

Cùng với Gary Neville, Nicky Butt càng củng cố thêm rằng dù với bất kỳ lý do gì, Veron chưa bao giờ thuộc về M.U. Có thể vì đặc tính bóng đá Anh, cá tính không hợp với CLB hoặc bởi vì anh được HLV Ferguson xem là người mang lại sự thay đổi toàn diện, trong khi nhiều thành viên đội bóng tin là chẳng cần đổi cái gì cả.

HLV Ferguson ra sức bảo vệ trò cưng, người ông đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng rồi vị chiến lược gia lão làng này cũng đành chấp nhận sự thật, chấp nhận bán anh với giá rẻ đến Chelsea, với hy vọng tốt cho cả hai. Có thể tốt với M.U nhưng không phải với Veron. Đến Chelsea, anh chỉ chơi được vài trận rồi bị cho Inter, Estudiantes mượn và không bao giờ có thể lấy lại vị thế trước kia của mình.

“Tiểu Phù Thủy” đã không thể vung vẩy phép thuật ở “Nhà hát của những giấc mơ”. Và đó là bi kịch của cuộc đời anh. Vì với M.U, họ đã tìm thấy một “sao mai” mới ngay sau sự ra đi của Veron và lần này, HLV Ferguson đã đúng: Cristiano Ronaldo.

Chia sẻ

Bài viết

Theo BĐ&CS

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất