Thể thao

Vì sao các tỷ phú không còn 'mê' V.League?

Văn Nhân
Chia sẻ

Một nghịch lý lớn của V.League là các ông bầu rút lui dần, một số người còn làm bóng đá thì cảm thấy cuộc chơi chưa sòng phẳng.

“Sự thật là HAGL cũng không có động lực để đầu tư phấn đấu để đá giành ngôi vô địch. Không có động lực gì cả. Nếu có cầu thủ nào của HAGL được các đội bóng nước ngoài là tôi sẽ cho đi. Chỉ đá tàm tạm trong nước cho vui thôi, giữ hạng. Chớ làm sao mà vô địch được, đời nào có chuyện đó, không bao giờ xảy ra luôn”, bầu Đức nói huỵch toẹt trong ngày Công Phượng ký hợp đồng với đội bóng của Bỉ.

Phát biểu của bầu Đức chẳng khác nào đang “chán” V.League, không còn mặn mà ở sân chơi số 1 Việt Nam. Bầu Đức khẳng định sẽ còn tiếp tục cho các cầu thủ HAGL ra nước ngoài để học hỏi, thay vì để đá ở V.League.

Lật ngược lại quá khứ, bầu Đức là một trong những người tiên phong cho ra đời giải đấu số 1 Việt Nam, tức tách giải đấu này khỏi VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam). Trước đó, bầu Đức cũng là người nâng tầm giải vô địch quốc gia với việc chiêu mộ một loạt cầu thủ tên tuổi như Kiatisak, Lee Nguyễn… Riêng thương vụ Kiatisak khiến cả Đông Nam Á phải nhìn về Việt Nam.

Bây giờ, ông bầu số 1 Việt Nam tuyên bố chỉ chơi vui thôi, giữ hạng. Đó là một nỗi buồn lớn cho V.League khi từng một thời thu hút rất nhiều các doanh nhân giàu có làm bóng đá.

Câu chuyện của bầu Đức khiến nhiều người nhớ lại giai đoạn năm 2010 -2012, chỉ vỏn vẹn 2 mùa bóng đá có 8 ông bầu lần lượt bỏ bóng đá theo những cách khác nhau.

Đầu tiên, bầu Long và bầu Tuấn của CLB Hòa Phát Hà Nội rút lui, trong đó có lý do bức xúc vì cách điều hành thiên vị cho đội chủ nhà của tổ trọng tài trong trận đấu với Hải Phòng ở những vòng cuối mùa bóng 2011. Bầu Long chính là vị tỷ phú đầu tiên nghỉ chơi với bóng đá, dù ông từng rất đam mê, tâm huyết và làm bóng đá bài bản.

Sau bầu Long, bầu Thụy cũng nghỉ làm bóng đá vào năm 2013. Bầu Thụy từng bức xúc vì Xuân Thành Sài Gòn rơi vào cảnh “hai đánh một” trước CLB Hà Nội và CLB Đà Nẵng.

Thế mới thấy rằng, V.League từng là nơi hội tụ rất nhiều ông bầu giàu có làm bóng đá nhưng bây giờ chẳng còn mấy người. Ngay đến bầu Thắng cũng chỉ lo việc làm ăn, đầu tư vừa phải để CLB Long An không bị “khai tử”.

Nghịch lý là bầu Thắng không muốn đầu tư mạnh cho CLB Long An nhưng ấp ủ cho ra đời một trung tâm đào tạo trẻ ở miền Nam. Bầu Thắng vẫn còn rất đam mê bóng đá, muốn cống hiến bằng cách làm đào tạo trẻ chứ không đổ tiền bạc để chơi V.League như trong quá khứ.

Bầu Đức, bầu Thắng không còn mê V.League.

Bầu Quyết của Thanh Hóa cũng nghỉ chơi sau mùa bóng 2018. Ông Quyết nói một điều khiến nhiều người làm bóng đá phải suy ngẫm: “Chúng tôi nhận thấy rằng, nếu đầu tư tiếp và thậm chí thêm nhiều tiền nhưng nếu chỉ có một mình FLC Thanh Hoá chắc chắn không thể vô địch. Có vấn đề tế nhị ở đây, nên tôi không thể nói thẳng ra được, dù chúng tôi có cố gắng bao nhiêu nhưng cũng không thể hy vọng vô địch V.League”.

Một mình Thanh Hóa đầu tư nhiều tiền, cố gắng bao nhiêu cũng không thể vô địch. Những lời này cho thấy chính ông chủ CLB Thanh Hóa nhận thấy cuộc đua chưa sòng phẳng ở V.League. Ông Quyết cũng nói đầy cảm thán là “có vấn đề tế nhị nên tôi không thể nói thẳng ra được”.

Bỏ qua yếu tố kinh tế suy - thịnh, một điểm chung khiến cho các ông bầu không còn mặn mà với V.League là bức xúc, tính công bằng. Ví dụ bầu Đức nói thẳng về cuộc đua vô địch V.League 2019: “TP.HCM mà vô địch, mất gì tôi cũng mất, tôi dám khẳng định như thế. Không ai để cho đội đó vô địch được đâu.Tại vì sao ư?

Một mình họ sao đá lại 5 đội bóng kia, không bao giờ có chuyện đó. Thử hỏi, trên thế giới này làm gì có chuyện 1 người đánh lại 5 người, chỉ tôi xem thử. Dù có ốm mấy đi chăng nữa, 5 người ốm đánh 1 người mập cũng chết thôi. Bóng đá Việt Nam không dẹp chuyện đó đi thì không bao giờ đá được, nói nhanh như vậy…”.

VPF - Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ra đời với mục đích tách bạch khỏi VFF. Nhưng kết cục, những người đang ngồi ở VPF đều thuộc VFF. Bầu Tú - Chủ tịch VPF là ủy viên BCH VFF, có chân trong thường trực VFF. Hai phó chủ tịch VPF cũng thuộc ủy viên BCH VFF, còn người của VFF chiếm số đông ở Hội đồng quản trị VPF. Hóa ra mọi thứ không thay đổi gì, VPF rốt cuộc vẫn là VFF “thu nhỏ”.

Khổ nổi, VFF cũng chẳng khá hơn V.League. Sau nhiều năm, VFF khóa 8 đang có ít doanh nhân tham gia nhất. Ghế phó chủ tịch tài chính đều bị chính bầu Đức, bầu Thắng lắc đầu sau khi ông Cấn Văn Nghĩa từ chức.

Câu chuyện ở đây chính là niềm tin dành cho bóng đá Việt Nam của các ông bầu, họ luôn cống hiến hết mình nhưng chỉ số niềm tin là cực thấp. Ví dụ chuyện ở V.League, chẳng lẽ bỏ tiền làm bóng đá nhưng đua vô địch thì không thể, chỉ có quanh quẩn đá giữ hạng. Nghịch lý như thế thì các doanh nhân giàu có không muốn chơi là chuyện tất nhiên!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất