Thể thao

Bóng đá Việt Nam cần học cách biết ơn

Văn Nhân
Chia sẻ

Uống nước nhớ nguồn - đó không chỉ là đạo lý cao đẹp của cuộc sống mà còn có ý nghĩa rất quan trọng cho sự kế thừa và phát triển ở mọi lĩnh vực..

Với bóng đá nói riêng và thể thao nói chung cũng thế. Thiếu đi lòng biết ơn, không thể hiện được đạo lý uống nhớ nguồn thì không thể phát triển, không thể hùng mạnh. Thể thao Việt Nam lại đang thiếu đi những giá trị tốt đẹp này trong xuyên suốt nhiều năm qua. Chỉ có sự tranh cãi, ganh ghét, thậm chí sẵn sàng “dìm” sự cống hiến của cá nhân mà quên đi điều quan trọng: Cần cảm ơn sự đóng góp của họ!

Trên thế giới, sau một cuộc chia tay của HLV, cầu thủ hay cá nhân có nhiều đóng góp cho CLB, ĐTQG thì đều có một trận đấu chia tay. Đó là ngày để tri ân, vinh danh và biết ơn sự cống hiến cho đội bóng, xa hơn là vì sự nghiệp thể thao.

Ở nhiều đội bóng trên thế giới, họ có truyền thống dựng những bức tượng về cầu thủ, HLV được để phía ngoài sân bóng, hoặc đặt tên cho khán đài, lưu trữ kỷ vật trong phòng truyền thống… Tất cả là để nhắc nhở về lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn và tạo cảm hứng cho thế hệ sau phấn đấu.

Nhưng bóng đá Việt Nam thì không có những điều đó, hoặc chỉ là số ít trường hợp hiếm hoi tự phát.

Bóng đá Việt Nam cần học cách biết ơn Ảnh 1
Cả bài viết của VPF chỉ độc nhất tấm ảnh như thế này về bầu Thắng. Ảnh chụp màn hình 

Lấy một ví dụ thiết thực là VPF trong bài viết “VPF - 10 năm hội nhập và phát triển”. Chỉ có độc nhất 1 tấm ảnh về ông Võ Quốc Thắng tham dự qua hình thức online. Cả bài viết không nói gì đến chuyện những ai khởi xướng cho sự ra đời của VPF, hay sự cống hiến của bầu Thắng cho VPF.

Nên nhớ, bầu Thắng không chỉ khởi xướng cho sự ra đời của VPF mà còn có hai nhiệm kỳ chèo lái “con thuyền” cho những bước đi đầu tiên. Bầu Thắng làm ở VPF không nhận lương, chỉ bỏ thêm tiền túi để tài trợ cho các giải đấu.

Bầu Thắng từng nói một câu đầy cảm động rằng: “Tôi làm ở VPF đến một lít xăng cũng bỏ tiền túi. Tôi không xài một cắc bạc nào của VPF…”.

Sự đóng góp của bầu Thắng cho bóng đá Việt Nam là không thể đong đếm hết. Nhưng đáp lại thì chỉ là nỗi buồn, thậm chí có một quãng thời gian sau khi rời VPF cũng không được êm đềm. Vì không có sự ghi nhận, cảm ơn mà còn bị buông lời cay đắng.

Câu chuyện của bầu Thắng cũng phản ánh một sự thật về bóng đá Việt Nam: Các doanh nhân càng ngày càng không muốn tham gia vào VPF, VFF. Điển hình là nhiệm kỳ hiện tại chỉ còn 2 doanh nhân.

Lấy một ví dụ khác. Đã bao giờ trang chủ VFF và VPF có một tấm ảnh chúc mừng sinh nhật các cựu ngôi sao, cá nhân có cống hiến lớn cho bóng đá nước nhà?

Cuối năm ngoái, trang chủ J.League (giải đấu số 1 Nhật Bản) chúc mừng sinh nhật của Lê Công Vinh. AFF (Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á) hay FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) cũng nhiều lần chúc mừng sinh nhật của Lê Công Vinh. Nhưng VPF, VFF thì không. Đó là một nghịch lý khó hiểu. Điển hình là Công Vinh đá ở J.League khá ngắn ngủi nhưng những người làm bóng đá Nhật Bản vẫn nhớ đến, còn cống hiến cả sự nghiệp cho bóng đá nước nhà bị lãng quên.

Bóng đá Việt Nam cần học cách biết ơn Ảnh 2
FIFA từng chúc mừng sinh nhật của Lê Công Vinh.

Công Vinh từng nói với người viết như sự đúc kết rằng: “Dù làm nghề gì cũng phải chấp nhận mọi thứ, nhưng tôi đã từng nói là nghề cầu thủ cực kỳ bạc bẽo. Bản thân tôi trải qua nhiều năm cống hiến cho bóng đá nên hiểu được điều ấy”.

Một ví dụ khác để nhìn về khía cạnh ông chủ CLB. Bầu Đức có một hành trình miệt mài đóng góp cho bóng đá Việt Nam, kể cả là sang tận Hàn Quốc mời ông Park Hang Seo và bỏ tiền túi trả lương. Nhưng sau thành công ở U23 châu Á 2018 thì bầu Đức nói thẳng bị đối xử theo kiểu “qua cầu rút ván”.

Bóng đá Việt Nam cần học cách biết ơn Ảnh 3
Bầu Đức là công thần của bóng đá Việt Nam.

Cần nhắc, bầu Đức từng là phó chủ tịch HĐQT VPF trong nhiệm kỳ đầu tiên. Chính bầu Đức, bầu Thắng là những người tiên phong khai sinh, và dũng cảm điều hành VPF trong những ngày đầu tiên. Nhưng VPF hiện tại liệu có nhớ đến ông chủ CLB HAGL?

Hãy nhìn lại xuyên suốt 20 năm qua thì liệu ai có nhiều đóng góp cho bóng nước nhà được như bầu Đức? 

Bóng đá hay cuộc sống thì đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự biết ơn là khởi nguồn cho mọi giá trị tốt đẹp khác. Với bóng đá nói riêng, câu chuyện này còn có ý nghĩa lớn lao để truyền cảm hứng cho thế hệ đi sau, là gốc rễ để tạo ra văn hoá đẹp cho môn thể thao vua, là cội nguồn cho sự kế thừa và phát triển một nền bóng đá vững mạnh.

Bóng đá Việt Nam đã đến lúc phải thay đổi về khía cạnh văn hoá, phải học cách tri ân và cảm ơn những người cống hiến cho sự nghiệp thể thao nước nhà. Đó cũng là cách tốt nhất để loại dần đi những sự xấu xí của bóng đá nước nhà.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất