Thể thao

Bóng đá và tình yêu

Văn Nhân
Chia sẻ

Buổi chiều thứ Bảy (ngày 19/12) ở sân Dĩ An, Bình Dương, Hoài Thương với chiếc máy ảnh chạy khắp nơi để chụp ảnh.

Hoài Thương đang là sinh viên của trường Đại học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Cô gái người Bến Tre năng nổ như một phóng viên và tràn đầy nhiệt huyết với đam mê khi được tác nghiệp ở SV-League 2020.

Chuyện một cô gái theo đuổi niềm đam mê thể thao là khá hiếm ở Việt Nam. Bởi phóng viên nữ theo thể thao gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hoài Thương vui vẻ cho biết: "Em thích tuyển Đức, CLB Bayern Munich và em có ước mơ sau này trở thành một phóng viên thể thao. Vì em yêu bóng đá".

Câu chuyện về Hoài Thương tác nghiệp ở SV-League vì yêu bóng đá thực sự gây ấn tượng mạnh với nhiều người. 

Bóng đá và tình yêu Ảnh 1
Khán đài đầy sắc màu về tình yêu bóng đá ở SV-League 2020. Một bầu không khí có thể nói là mơ ước dành cho mọi giải đấu ở Việt Nam.

Cũng nói về chủ đề bóng đá và tình yêu, SV-League 2020 là một sân chơi hết sức đặc biệt. Hiếm có sân chơi nào tạo ra được những hình ảnh đẹp và đầy ý nghĩa trên khán đài như SV-League. Mỗi trận đấu đều ghi nhận các câu chuyện đẹp là cổ động viên hai đội giao lưu với nhau. Cầu thủ của hai đội cúi đầu chào ban huấn hai bên, cũng như nhận được sự vỗ tay tán tưởng lớn từ khán giả trên khán đài.

Tôi có hỏi cựu trưởng đoàn tuyển Việt Nam - ông Dương Vũ Lâm: Ông theo chân tuyển Việt Nam trong nhiều năm thì có bao giờ thấy được những hình ảnh đẹp như thế?

Ông Dương Vũ Lâm bảo rằng lần đầu tiên được chứng kiến nhiều hình ảnh đẹp như thế về bóng đá. 

Bóng đá và tình yêu Ảnh 2
Sự cuồng nhiệt trên khán đài ở SV-League

Ở SV-League 2020 có nước mắt - nụ cười, niềm vui - nỗi buồn. Điều này xuất hiện tại ở hai trận đấu bán kết. Đại học Cần Thơ và Đại học Nông Lâm vào chung kết. Họ là những người được hưởng trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc. Đại học Bách Khoa và Đại học Khoa học Tự nhiên thất bại. Họ bày tỏ nỗi buồn, có nhiều cầu thủ bật khóc trong tiếc nuối. 

Thế nhưng, SV-League 2020 đặc biệt không có đội nào thua theo đúng nghĩa một giải đấu sinh viên: Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng tình yêu bóng đá. Vì sau mỗi trận đấu thì đội bóng thất bại đều được khán giả của hai bên gọi tên, vỗ tay tán thưởng. 

SV-League 2020 diễn ra đúng nghĩa là mang sinh viên của các ngôi trường đến gần nhau, là sân chơi thắp sáng tình yêu thể thao cho sinh viên. 

Điển hình như Đại học Cần Thơ - một đội bóng đến từ miền Tây có hàng trăm sinh viên lên TPHCM, Bình Dương cổ vũ cho đội nhà. Mỗi trận đấu là một câu chuyện ý nghĩa khi sinh viên Đại học Cần Thơ được giao lưu với nhiều sinh viên ở các trường Đại học của TPHCM. Nếu không có SV-League thì rất khó để có điều này xảy ra.

Cũng nhờ SV-League, nhiều người mới biết rằng những chàng sinh viên Đại học Bách Khoa không chỉ học giỏi, họ còn có tình yêu bóng đá mãnh liệt với hàng nghìn CĐV luôn cổ vũ hết sức cuồng nhiệt trên khán đài. 

Đại học Khoa học Tự nhiên - một ngôi trường không có truyền thống mạnh về bóng đá. Nhưng họ trở thành hiện tượng của giải đấu với tình yêu thể thao cuồng nhiệt của sinh viên trên khán đài, còn các cầu thủ chơi bóng đẹp mắt, tấn công hào sảng. Câu chuyện này ghi nhận sự tử tế và quan tâm của ban tổ chức giải khi cử cựu cầu thủ Cảng Sài Gòn - Cao Tùng A Vĩ về huấn luyện, hỗ trợ thành lập Hội CĐV.

SV-League 2020 còn mang đến một điều ý nghĩa lớn là chắp cánh giấc mơ chuyên nghiệp cho những sinh viên đam mê và có tài năng về bóng đá. Ví dụ như K Công, Tuấn Thanh đang nhận được sự theo dõi của những người có chuyên môn của bóng đá chuyên nghiệp.

Cựu danh thủ Lư Đình Tuấn (trợ lý HLV Park Hang Seo ở tuyển Việt Nam) dõi theo SV-League 2020 nói: "Tôi theo dõi giải đấu cũng hy vọng tìm ra được những tài năng lớn cho CLB TPHCM. Tài năng bóng đá có khắp mọi nơi và sân chơi SV-League cũng hứa hẹn có những cầu thủ giỏi, bởi trong quá khứ thì chúng ta có nhiều cầu thủ giỏi trưởng thành từ bóng đá học đường".

SV-League 2020 rõ ràng đang làm được nhiều giá trị cho sinh viên. Và ý nghĩa lâu dài chắc chắn không thể nào đong đếm được dành cho các sinh viên sau khi kết thúc SV-League 2020. Đó không phải là câu chuyện nước mắt - nụ cười, vinh quang - thất bại, vì những điều này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ là khoảnh khắc. Điều quan trọng là khơi dậy và thắp lửa về tình yêu bóng đá cho sinh viên của các ngôi trường, là tình cảm của các sinh viên khi được giao lưu qua từng trận đấu, là sự đồng lòng đồng sức khi cùng nhau đi cổ vũ bóng đá của sinh viên...

SV-League 2020 đang đi hồi kết và mọi thứ đang rất đẹp, là nơi để sinh viên được thỏa sức sống cùng tình yêu bóng đá. Và trong thời điểm bóng đá học đường chưa phát triển ở Việt Nam, SV-League đã làm được những điều vô giá cho sinh viên.

Chắp cánh tình yêu bóng đá bằng sự tử tế và chuyên nghiệp

Phải dành những lời ngợi khen rất lớn cho những ông bầu, ban tổ chức giải SV-League 2020 khi giải đấu được tổ chức hết sức chuyên nghiệp về mọi mặt. 

Chỉ có SV-League 2020 mới có những điều đặc biệt như giải thưởng dành cho CĐV, trọng tài V.League cầm còi, những người giỏi về chuyên môn của bóng đá chuyên nghiệp tham gia tổ chức, ví dụ như ông Dương Vũ Lâm, phó ban trọng tài VFF - Võ Minh Trí...

Từ bầu Hải đến bầu Đức, bầu Thắng, ông Đào Hồng Tuyển, ông Nguyễn Quốc Kỳ, ông Nguyễn Anh Khiêm, ông Nguyễn Hoàng Anh và ông Nguyễn Miên Tuấn đều dành sự quan tâm rất lớn cho các đội bóng. Bầu Hải ngược xuôi từ TPHCM về Cần Thơ thăm hỏi, động viên đội bóng. Bầu Đức về Đại học Nông Lâm để trò chuyện với toàn đội, dặn dò nhiều thứ về bóng đá đẹp, tinh thần fair-play...

Hơn hết, những cựu danh thủ được đưa về huấn luyện các các đội trong nhiều tháng, nhằm có được chuyên môn tốt nhất khi tham gia SV-League 2020. Hội CĐV các trường được hỗ trợ về tiền bạc để có thêm nhiều dụng cụ cổ động...

Ngoài ra, giải thưởng cho đội vô địch có số tiền kỷ lục là 200 triệu đồng. Con số này rất lớn với sân chơi sinh viên, bởi ở các sân chơi khác chỉ là 50 triệu đồng, thậm chí có giải đấu thì đội vô địch nhận được 10 triệu đồng. 

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất