Thể thao

Bi kịch của bóng đá Việt Nam: HAGL đá vui, V.League mất giá?

Văn Nhân
Chia sẻ

Thất bại 1-3 trước Quảng Ninh của HAGL thực sự khiến nhiều người phải suy ngẫm, nhất là nỗi lo cho sân chơi V.League...

7 trụ cột dự bị, trong đó có 4 ngôi sao là Xuân Trường - Tuấn Anh - Văn Thanh - Văn Toàn ngồi ngoài. HAGL thua Quảng Ninh 1-3 là điều tất yếu. 

“Vì lịch thi đấu của chặng đường sắp tới, với mật độ 4-5 ngày/trận như hiện tại, chúng tôi cần tính toán con người sao cho hợp lý cho từng trận", HLV Nguyễn Văn Đàn lý giải về việc cất các trụ cột của HAGL trước Quảng Ninh.

Câu trả lời nghe hợp lý nhưng... vô cùng bất hợp lý. Thứ nhất, V.League 2020 liên tục bị hoãn vì COVID-19, còn HAGL sớm bị loại ở Cúp quốc gia. Thứ hai, các ĐTQG không thi đấu trong cả năm 2020 vì COVID-19. Thứ ba, thể thức mới của V.League giúp các đội được giảm tải rất nhiều về số trận thi đấu khi lượt về chia làm 2 Top.

Với ba lý do nêu trên, các cầu thủ HAGL có một năm thi đấu ít nhất. Họ chỉ có 20 trận ở V.League và 2 trận đấu ở Cúp quốc gia. Tổng số trận thi đấu chính thức là 22 trận. Đây là con số quá khiêm tốn so với các cầu thủ chuyên nghiệp. 

Chỉ có một lý giải thích cho việc HAGL cất đến 7 trụ cột là không có động lực thi đấu ở V.League 2020 sau khi hạ cánh an toàn vào Top 8. Chủ trương của bầu Đức để cho nhiều cầu thủ trẻ khác có cơ hội cọ xát và được thi đấu nhiều hơn trong giai đoạn còn lại của giải đấu. Cũng không thể bỏ qua nguyên nhân là bầu Đức xác định rất rõ ràng: HAGL đá vui, không quan tâm thứ hạng.

Ngoài ra, HAGL cũng không cần thiết dùng những trụ cột như Văn Thanh, Xuân Trường, Tuấn Anh một cách liên tục. Nguyên nhân là bộ ba này từng lên bàn mổ vì chấn thương. Đây là cách giữ chân cho họ để tránh xảy ra những chấn thương đáng tiếc.

Có một điểm chung mà ít người hâm mộ quan tâm, đó là Quảng Ninh thi đấu lượt về V.League 2020 cũng thuộc diện... đá vui. Bằng chứng là khi giải đấu chưa kết thúc lượt đi, đội bóng đất Mỏ đang ở vị trí thứ 3 và có cơ hội đua vô địch nhưng họ cho 3 trụ cột (Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú, Fagan) đến Hải Phòng.

Bi kịch của bóng đá Việt Nam: HAGL đá vui, V.League sẽ mất giá? Ảnh 1
Mạc Hồng Quân - một trong 3 trụ cột quan trọng được CLB Quảng Ninh cho Hải Phòng mượn ở cuối lượt đi V.League 2020.

Không có đội bóng nào muốn bay cao mà tự "chặt chân" chính mình với việc để 3 ngôi sao lớn nhất đến "cứu" đội bóng khác. Thế nên, Quảng Ninh rõ ràng không có mục tiêu đua vô địch ở giai đoạn lượt về. 

Một trận đấu giữa hai đội bóng có nhiều cầu thủ giỏi, lối chơi tấn công và cống hiến thuộc diện đẹp nhất ở V.League. Tiếc rằng, cả Quảng Ninh và HAGL đều không có mục tiêu ở lượt về, còn màn so tài trở thành cuộc đấu của những cầu thủ dự bị.

Đây chính là điều đáng để suy ngẫm cho sân V.League. Một giải đấu chuyên nghiệp ở tuổi 20, bây giờ mất đi quá nhiều giá trị khi có những đội bóng thi đấu không vì thành tích. Và khán giải chắc chắn phải buồn, cũng khó có động lực đến sân cổ vũ.

Thế nhưng, chuyện gì xảy ra cũng có lý do, bởi chẳng có ai bỏ tiền chơi V.League cho vui. Nên nhớ, chuyện đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp tốn kém, ngân sách mỗi mùa ít nhất 35 tỷ đồng. Chẳng ai dư tiền để "ném qua cửa sổ" và họ đầu tư bóng đá chắc chắn không hề muốn chơi vui.

Bi kịch của bóng đá Việt Nam: HAGL đá vui, V.League sẽ mất giá? Ảnh 2
Bầu Đức xuống tận sân dắt từng khán giả lên khán đài, hình ảnh này đủ cho thấy ông rất đam mê bóng đá? Vấn đề ông thấy nhiều bất cập nên đành để HAGL đá vui.

Người đầu tiên lý giải cho câu chuyện tại sao đá vui ở V.League là bầu Đức. Ông chủ CLB HAGL nói rất rõ ràng, nói công khai trước đông đảo báo chí: V.League đang có chuyện "5 đánh 1". Một đội không thể đá với 5 đội, nên không dư tiền để đầu tư mạnh cho đội nhà đua vị trí cao ở V.League.

Bầu Đức là một người rất yêu bóng đá, đầu tư nhiều cho bóng đá và luôn khát vọng có thành tích, cũng như nhìn thấy đội nhà thành công. Nhưng ông bầu phố Núi nhìn được sự bất cập của V.League nên chấp nhận cảnh đá vui. Vì có đầu tư thêm tiền bạc cũng không thể đua vô địch, có thành công cũng không mang đến nhiều ý nghĩa.

Người bạn thân của bầu Đức, ông Võ Quốc Thắng cũng chán V.League vì điều này. Bầu Thắng chỉ hẹn ngày trở lại với V.League nếu như ông cảm nhận được cuộc chơi không còn bất cập. Vì trong tư thế một ông chủ lớn, chẳng lẽ bầu Thắng tham gia bóng đá chỉ để đua trụ hạng, còn không thể cơ hội vô địch. Chơi như thế thì bầu Thắng nhất định không tham gia. 

Từ một giải đấu từng quy tụ nhiều doanh nhân nổi tiếng, giàu có và tâm huyết với bóng đá. Bây giờ có nhiều người đã nghỉ, có người rời cuộc chơi vì bất lực trong việc đầu tư cho đội nhà vô địch, ví dụ như bầu Thụy, bầu Quyết. Các ông chủ khác cũng ngao ngán, đầu tư bóng đá không cần thành tích (bầu Đức), không cần lên V.League (bầu Thắng)...

Chuyện thiếu những ông chủ giàu có, tâm huyết cũng khiến cho bóng đá Việt Nam rơi vào một nghịch lý lớn, có những đội bóng nếu rớt hạng thì gần như "chết chìm". Điển hình như Cần Thơ, Đồng Nai, Khánh Hòa... Vì bóng đá chuyên nghiệp nhưng có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Tất cả giống như một bi kịch cho bóng đá Việt Nam, sân chơi chuyên nghiệp tưởng chừng lên đời sau những thành tích vang dội của các ĐTQG, nhưng thực tế mất giá. Sự thật có thể nhìn qua một lăng kính là V.League bây giờ tiền bản quyền truyền hình có giá trị mỗi năm thua tiền thưởng cho nhà vô địch!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất