Thể thao

Bầu Đức: Tầm nhìn đi trước sự phát triển của bóng đá Việt Nam

Văn Nhân
Chia sẻ

Bóng đá chuyên nghiệp cần tiền, thậm chí rất nhiều tiền, nhưng không đồng nghĩa có tiền là có tất cả.

Trận thua 1-5 của TPHCM trước Hà Nội FC cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa hai đội bóng sở hữu nhiều ngôi sao. TPHCM chịu chi, chịu đầu tư nhưng cần nhiều thời gian để tạo dựng bản sắc, truyền thống, cũng như thiếu những cầu thủ thuộc diện "cây nhà, lá vườn" so với đối thủ.

Ngược lại, Hà Nội FC đang có những cầu thủ cùng chơi với nhau trong nhiều năm. Từ lối chơi đến phối hợp đều cho thấy được sự ăn ý cao hơn rất nhiều so TPHCM. Thế nên, Hà Nội FC đã hạ đối thủ đến 5-1, trong đó điển hình là pha ghi bàn của Văn Quyết sau một tình huống chạy chỗ đón đường chuyền của Quang Hải cho thấy sự hiểu nhau rất cao.

Hà Nội FC cũng chính là câu chuyện cần nói trong chiến thắng TPHCM. Đội bóng Thủ đô nhiều năm giành nhiều danh hiệu nhưng mọi thứ vẫn phát triển chưa tương xứng. Họ vẫn chưa có được một lực lượng CĐV đông đảo như HAGL, SLNA, Thanh Hóa..., hay chuyện sân Hàng Đẫy vẫn bị đốt pháo sáng mỗi mùa cho thấy rõ không ít CĐV ghét họ.

Câu chuyện của Hà Nội FC vẫn âm ỉ "một ông chủ tài trợ cho nhiều đội bóng". Nó giống sức ép vô hình trong cuộc chơi ở V.League cho các đội bóng khác, còn khán giả không ít lần cất tiếng chửi trên khán đài.

Hà Nội FC cũng chưa phải là đội bóng hình mẫu về chuyện đào tạo cầu thủ. Nhiều năm qua, họ vẫn được "lò" Gia Lâm cho cầu thủ, cả lứa cầu thủ Hà Nội B chuyển giao cho CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đều đến từ "lò" Gia Lâm. Hà Nội FC cũng nhận được quân của "lò" PVF.

Trong thời gian tới, Hà Nội FC sẽ trong nỗi lo thiếu những cầu thủ từ "lò" Gia Lâm, giống như các năm trước thì họ được cho những Hùng Dũng, Đức Huy, Quang Hải, Duy Mạnh... Nguyên nhân là "lò" Gia Lâm khó cạnh tranh nổi với Viettel và PVF. 

Một trận đấu chỉ ra nhiều vấn đề khi cả TPHCM và Hà Nội FC đều rất mạnh về tài chính. Nhưng họ vẫn chưa là hình mẫu cho sự phát triển lên chuyên nghiệp. 

TPHCM có lẽ cần nhìn Hà Nội FC như một bài học: Cúp nhiều nhưng vẫn đang miệt mài đi tìm sự thừa nhận trong lòng người hâm mộ.

Một bài học khác cho những đội bóng muốn chi mạnh tiền sắm ngôi sao là CLB Bình Dương. CLB Sài Gòn Xuân Thành của bầu Thụy bỏ bóng đá vì không thể vô địch, với quan điểm "hai đánh một". Nhưng Bình Dương không e ngại chuyện này, họ chi mạnh đến mức Hà Nội FC bất lực nhìn họ 2 lần liên tiếp vô địch. Cuối cùng, Bình Dương vẫn không có được niềm tự hào trên khán đài, họ buộc thay đổi khi chuyển sang đầu tư mạnh cho bóng đá trẻ.

Rõ ràng, một nền bóng đá non trẻ thì danh hiệu chưa phải là thước đo cho sự thành công. Chuyện bỏ tiền mua nhiều ngôi sao rất khó tạo ra bản sắc, truyền thống. Nó không giống như chuyện các đội bóng trên thế giới sắm siêu sao, bởi họ có truyền thống và bề dày cả trăm năm. 

Bầu Đức: Tầm nhìn đi trước sự phát triển của bóng đá Việt Nam Ảnh 1
Bầu Đức xứng đáng là người mở đường cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

 Những đội bóng Việt Nam muốn có được bản sắc, truyền thống và phát triển bền vững thì cần xây dựng từ chân đế. Đó là đào tạo bóng đá trẻ, qua đó có thể cho ra đời nhiều tài năng thuộc diện "cây nhà, lứa vườn", cũng như sự cầu thị với khán giả. 

Nói về câu chuyện kể trên thì bầu Đức chính là người có tầm nhìn đi trước sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam. Bầu Đức từng có 5 năm bỏ tiền mua các ngôi sao để HAGL thống trị V.League (2 năm vô địch liên tiếp), sau đó ông thay đổi với việc mở Học viện HAGL để hướng đến sự phát triển theo xu hướng bóng đá chuyên nghiệp, ít nhất là phù hợp với tình cảnh của bóng đá Việt Nam.

Con đường của HAGL đi sẽ còn rất gian nan, dù hiệu quả đã cho thấy là rất tốt. HAGL cũng cần có thêm những sự điều chỉnh nhằm hoàn thiện hơn trong việc ươm mầm tài năng. Nhưng về bản chất thì HAGL của bầu Đức đang là hình mẫu chung ở V.League, chưa có được danh hiệu nhưng có bản sắc, cách làm riêng, sự yêu mến của người hâm mộ, và đóng góp lớn về sự thay đổi cùng thành công cho bóng đá nước nhà.

Và khi nói về sự khác biệt của HAGL thì bầu Đức xứng đáng là người hùng, là người có tầm nhìn đi trước sự phát triển của bóng đá Việt Nam, ít nhất là 10 năm.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất