Thể thao

Bầu Đức và công thức vô địch

Văn Nhân
Chia sẻ

Gần 20 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, bầu Đức đã góp công lớn vào sự thành công của bóng đá nước nhà trong năm 2018.

Bầu Đức - ông bầu đến từ Tây Nguyên - nơi có một kho tàng văn hóa phòng phú, khi sử thi Tây Nguyên có đến hơn 200 bộ với những bản anh hùng ca đầy hùng tráng. Nếu xét riêng ở câu chuyện bóng đá thì cuộc đời bầu Đức xứng đáng là một bản anh hùng ca trong lòng người hâm mộ cả nước sau gần 20 năm miệt mài cống hiến.

Có rất nhiều lời khen ngợi dành cho bầu Đức sau khi tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Đó là công lao mở Học viện Bóng đá HAGL, ba lần sang Hàn Quốc mời HLV Park Hang Seo và tự móc tiền túi trả trong vòng 2 năm…

Nhưng liệu có phải chờ đến lúc tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup, U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á và Top 4 ASIAD 18, thì mới cần ngợi khen bầu Đức?

Bầu Đức có gần 20 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam.

Rất khó nói. Vì nhiều người sẽ cho rằng, bóng đá cần thành tích. Đó cũng là lập luận từng chỉ trích bầu Đức không thương tiếc sau khi U22 Việt Nam thất bại ở SEA Game năm 2017. Nếu xét trên suy nghĩ đó thì bầu Đức càng đáng để nhắn đến sau một năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam.

Hơn 11 năm, bầu Đức mới có thể cho ra đời một lứa cầu thủ giỏi, góp công vào thành công bóng đá nước nhà. Đó là quãng thời gian rất dài của một người làm bóng đá nếu đặt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp mới được 18 năm.

Tuyển sinh một lứa cầu thủ bắt đầu từ việc sàng lọc trên cả nước ở vòng sơ tuyển đến chung kết, sau đó thuyết phục phụ huynh chấp nhận cho con đi theo nghề cầu thủ. Nhưng chỉ là bước khởi đầu cho hành trình trồng người trong bóng đá. Các cậu bé đam mê bóng đá được chọn lựa vào Học viện Bóng đá HAGL sẽ được tập chơi bóng, lo ăn uống về dinh dưỡng, học văn hóa, học tiếng Anh.

Nếu chúng ta không hình dung được thì có thể nhìn qua tấm ảnh bầu Đức ngồi giữa trời nắng nhìn các cậu bé tập chơi bóng. Hình ảnh này cho thấy bầu Đức trải qua một hành trình dài như thế nào, từ công sức, tâm huyết đến tiền bạc và hy vọng dành cho các cầu thủ nhí đến ngày trưởng thành.

Nhưng 12 năm trước, không nhiều người tin rằng bầu Đức có thể làm được. Nhiều ý kiến chỉ trích không ngớt đến mức bầu Đức chỉ biết âm thầm chấp nhận mà tiếp tục bước đi, dù bản thân tự ví là giống như đội mũ cối để đối chọi với định kiến.

Bầu Đức không chỉ đối chọi với chỉ trích về phía mình mà còn ra sức bảo vệ lứa Công Phượng trước dư luận. Ông chủ CLB HAGL một mặt bỏ tiền nuôi dạy các cầu thủ, một mặt giống như người cha già che chở cho các đứa con chờ đến ngày trưởng thành.

Và giá trị lớn nhất sau 12 năm xây Học viện Bóng đá HAGL của bầu Đức không phải là chuyện để các cầu thủ Việt Nam đeo những tấm huy chương trên cổ. Đó là sự thay đổi tư duy cho cả một nền bóng đá từng bị HLV Alfred Riedl đúc kết ngắn gọn: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.

Lứa Công Phượng từ lúc nhỏ được nuôi dạy đến trưởng thành là một hành trình gian khó.

Khi một nền bóng đá thay đổi tư duy phát triển, có sự đầu tư bài bản, tâm huyết và kiên nhẫn kể cả lúc thất bại thì nhất định sẽ đến ngày gặt được thành công. Còn thành công dựa trên sự nhất thời, “ăm may” thì thành quả ấy chỉ giải quyết được cơn khát thành tích. Nó cũng giống như cách một số ông chủ ở các CLB Việt Nam bỏ tiền gặt chức vô địch nhưng khán đài trống vắng, trong vinh quang “đói” tình yêu của người hâm mộ.

Sự khác biệt từ tư duy của bóng đá Việt Nam có thể nhìn thấy qua ý thức, hành động của cầu thủ trong lứa thế hệ vàng hiện tại. Nhiều cầu thủ Việt Nam bây giờ chẳng có gì e ngại khi đứng trước phóng viên nước ngoài để tự trả lời bằng tiếng Anh, hay Lương Xuân Trường ôm những chiếc áo chăm sóc cho toàn đội trong cảnh rét lạnh ở Thường Châu, Trung Quốc.

Rõ ràng, một cầu thủ được đào tạo trong môi trường bóng đá có sự định hướng về ý thức, văn hóa ngay từ đầu một cách tỉ mỉ, bài bản sẽ mang đến những giá trị khác biệt.

Cũng giống như bầu Đức, nếu không làm bóng đá tử tế, tâm huyết và khát khao nhìn thấy một đội tuyển quốc gia đủ mạnh để chinh phục các danh hiệu, thì ông chủ CLB HAGL có thể chọn một cách dễ dàng hơn là hàng năm bỏ tiền, mua những ngôi sao tầm khu vực như những năm đầu làm bóng đá. Bầu Đức sẽ dễ thành công hơn rất nhiều so với việc mở Học viện Bóng đá HAGL để chờ cả chục năm nhìn lứa Công Phượng trưởng thành.

Ngày bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, tôi hỏi bầu Đức rằng: Anh tự hào về điều gì nhất?

Bầu Đức nói: “Đó là Học viện Bóng đá HAGL. Vì để có lứa cầu thủ hiện tại thì anh phải trải qua rất nhiều gian khó, chứ không có gì tự trên trời rơi xuống, thậm chí phải đội mũ cối vì định kiến. Nhưng anh quyết tâm làm cho bằng được, giữ đúng lời tuyên bố trong ngày khánh thành Học viện là đào tạo ra một lứa cầu thủ tốt để phục vụ cho ĐTQG”. 

Bầu Đức xứng đáng là người hùng thầm lặng của bóng đá Việt Nam.

Bóng đá cũng như cuộc đời, là không có công thức nào để cho ra đời một thiên tài, một cầu thủ nhí trở thành ngôi sao bóng đá trong tương lai, hay một ông bầu làm bóng đá phải cống hiến và tâm huyết hết mình vì bóng đá. Nhưng có một sự thật là ngôi sao bóng đá, hay ông bầu tâm huyết đều được soi dưới con mắt của hàng triệu người hâm mộ. Trong số đó, có những người dõi theo họ từ ngày đầu tiên đến lúc được thừa nhận. Chính người hâm mộ sẽ ghi nhận, tán dương một cách sòng phẳng, thay vì tự đánh kèn, thổi trống.

Bóng đá Việt Nam có nhiều ông bầu đến rồi chia tay, thậm chí rất nhanh sau 1 vài mùa. Gần 20 năm qua, bầu Đức vẫn là bầu Đức. Một người nói thẳng, nói thật, dám chỉ trích như tát nước vào mặt một số người, cũng như trải qua vô vàn sóng gió và âm thầm cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

Đúng hơn, bầu Đức đi hành trình dài gần 20 năm trên “đôi hài vạn dặm” cùng bóng đá Việt Nam, góp công lớn tạo ra sự thành công khi thay đổi tư duy “xây nhà từ nóc” cho bóng đá Việt Nam. Đáng quý là bầu Đức đón nhận niềm vui nhưng không nhận công, dù hàng triệu người hâm mộ thừa nhận hành trình đó chẳng khác nào bản anh hùng ca về bóng đá của bầu Đức - người lái đò thầm lặng của bóng đá Việt Nam.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất