Thể thao

Bài toán lời - lỗ mang tên U23 Việt Nam thời… 2k18

Văn Nhân
Chia sẻ

Bóng đá ở Việt Nam đang trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, nhất là các trận đấu của U23 Việt Nam nhưng VTV đã lỡ đi cơ hội vàng khi thất bại trong việc mua bản quyền truyền hình ASIAD 18.

Hồi tháng 9/2015, VTV từng đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm. VTV còn hướng đến mục tiêu năm 2020 sẽ trở thành một trong những đài hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thế nhưng, một câu chuyện bi hài đang xảy ra là 75 quốc gia, vùng lãnh thổ có bản quyền ASIAD 18 và trong số 45 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại hội Thể thao Châu Á, nhưng Việt Nam không có bản quyền truyền hình. Hơn 90 triệu dân phải tìm link trên mạng xã hội và Youtube để xem.

Nguyên nhân có lẽ ai cũng rõ là VTV không thể mua bản quyền ASIAD 18 vì cho rằng giá quá cao. Đây thực sự là một chủ đề… hại não với rất nhiều tranh cãi, khi đài truyền hình quốc gia không thể phát sóng U23 Việt Nam và đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 18.

Việt Nam không có sóng truyền hình các trận đấu của U23 Việt Nam.

Cụ thể, U23 Việt Nam thời… 2k18 (năm 2018 - cách gọi của giới trẻ thế hệ 2k, tức sinh năm 2000) chính là nguyên nhân quan trọng về chuyện bản quyền truyền hình. Thành công của U23 Việt Nam ở U23 châu Á 2018 cùng sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ đã được đối tác nhận thấy, qua đó ép giá VTV.

Rõ ràng, bài toán lời - lỗ, người hâm mộ quan tâm hay không - là phép tính… hại não mà đối tác giải sớm hơn VTV, qua đó VTV phải hỏi mua lại với giá… trên trời. Một bài học quá đắt khi lúc này người hâm mộ Việt Nam không thể xem ASIAD 18 trên sóng truyền hình quốc gia.

Có một vấn đề quan trọng từ chuyện bản quyền truyền hình ASIAD 18 là VTV đang là đài quốc gia nhưng lại quan tâm đến chuyện lời - lỗ, quên mất nghĩa vụ phục vụ cho người dân. ASIAD 18 là một ví dụ thiết thực. Vì sao?

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 18 với 523 thành viên, trong đó có 23 cán bộ, 352 vận động viên, 81 huấn luyện viên, 24 chuyên gia, 16 bác sỹ, cán bộ, trong đó có những niềm tự hào khu vực và châu lục như U23 Việt Nam, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (nhà vô địch Olympic 2016), kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, Tú Chinh…

U23 Việt Nam không thể lên sóng VTV ở ASIAD 18 là nỗi buồn lớn.

Nghĩa vụ của VTV là phải phát sóng cho người hâm mộ cả nước được xem và cổ vũ cho thể thao Việt Nam tranh tài ở ASIAD 18, chứ không phải một thương vụ tính chuyện lời - lỗ kiểu như World Cup 2018 để chờ mạnh thường quân ra tay, không có thì không mua. Bởi 523 con người ở ASIAD 18 đều cố gắng khổ luyện hết mình với khát vọng mang về sự thành công cho thể thao Việt Nam. Họ thi đấu vì niềm tự hào dân tộc và đưa hình ảnh Việt Nam ra châu lục.

Đặt giả thiết rằng, các VĐV Việt Nam giành huy chương ở ASIAD 18 mà người hâm mộ nước nhà không được xem, bố mẹ của VĐV không được chứng kiến đứa con sau nhiều năm khổ luyện gặt vinh quang cho đất nước, thì quả thật nghẹn đắng. Bởi còn gì buồn hơn khi VĐV trong thời khắc đặt tay lên ngực hát quốc ca trên bục vinh quang đầy tự hào bỗng trở nên vô cùng cô đơn, lẻ loi nơi xứ người, vì cả nước không có sóng truyền hình.

Tựu trung, chưa biết hệ lụy chuyện không có sóng truyền hình ASIAD 18 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến VTV và cái giá phải trả đắt như thế nào, bây giờ điều cần rút ra là VTV cần sớm quan tâm bản quyền AFF 2018, nếu chần chừ thì có thể tái diễn câu chuyện bản quyền như ASIAD 18.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất