Thể thao

Kỳ 1 - Ánh Viên: Bi kịch đến từ chuyện dồn sức gặt HCV SEA Games?

Văn Nhân
Chia sẻ

Hôm qua (28/7) kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên không thể vượt qua vòng loại nội dung 400m hỗn hợp Giải vô địch bơi lội thế giới 2019 với thành tích cực tệ.

Ngành thể thao Việt Nam sẽ nghĩ gì khi thành tích 400m hỗn hợp của Ánh Viên kém hơn so với 6 năm trước gần 1 giây?

Ánh Viên tuổi 23 bơi kém hơn so với Ánh Viên tuổi 17, câu chuyện không chỉ dừng lại ở vấn đề phong độ, vì kể từ Oympic 2016 thì Ánh Viên tụt dốc đến mức khó tin ở cự ly được đánh giá mạnh nhất. Cụ thể, Olympic 2016 thì Ánh Viên có thành tích 4 phút 36 giây 85, sau đó giảm dần với 4 phút 40 giây 39 (giải vô địch thế giới 2017), 4 phút 41 giây 81 (ASIAD 18) và 4 phút 47 giây 06 (giải vô địch thế giới 2019). Riêng thông số giải bơi thế giới lần này kém xa so với SEA Games 29 (Ánh Viên giành HCV 400m hỗn hợp với thành tích 4 phút 45 giây 82).

Câu chuyện của Ánh Viên cần được nhìn lại từ cách đầu tư và định hướng cho sự phát triển của ngành thể thao. Chuyện Ánh Viên và Schooling là một ví dụ thiết thực để thấy lý do “tiểu tiên cá” sa sút.

Tại SEA Games 28 (năm 2015), Ánh Viên có 8 HCV, còn Schooling giành 9 HCV. Cùng vạch xuất phát là hai kình ngư xuất chúng của bơi Đông Nam Á nhưng Schooling không còn bơi nhiều ở SEA Games 29 (năm 2017). Kình ngư người Singapore chỉ bơi 6 nội dung (3 cự ly cá nhân và 3 cự ly đồng đội). Ánh Viên tiếp tục bơi đến… 14 nội dung và giành 8 HCV.

Ánh Viên đang tụt dốc so với chính mình dù chỉ mới 23 tuổi.

Trong 8 HCV SEA Games 29, Ánh Viên có 2 HCV ở cự ly 50m ngửa và 100m ngửa. Vấn đề là Ánh Viên có khuyết điểm xuất phát kém và thế mạnh là các cự ly hỗn hợp.

Sự khác biệt từ những tấm HCV SEA Games 29 chỉ ra một phần lý do vì sao Schooling đã sớm vươn tầm thế giới ngay sau SEA Games 28, còn Ánh Viên thì….

Ngành thể thao Singapore không còn để Schooling bơi nhiều cực ly, chỉ tập trung vào những cự ly mạnh nhất, qua đó bứt lên tầm thế giới với tấm HCV Olympic 2016. Riêng Ánh Viên dàn trải nhiều nội dung để chủ yếu làm cách nào gặt càng nhiều HCV SEA Games càng tốt. Ánh Viên bơi quá nhiều cự ly thì khó nâng tầm được nội dung mạnh nhất.

Sau khi kết thúc môn bơi ở SEA Games 29, tôi có hỏi Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ông Trần Đức Phấn về chuyện Ánh Viên giành nhiều HCV SEA Games 29 nhưng Schooling lại được tập trung ở các nội dung thế mạnh để hướng đến các sân chơi lớn hơn.

Ánh Viên bơi quá nhiều nội dung ở các kỳ SEA Games.

Ông Phấn cho biết: “Thực ra, mục tiêu của Ánh Viên là chuẩn bị cho sân chơi ASIAD và Olympic chứ không phải ở SEA Games. Các nội dung đăng ký ban đầu của Ánh Viên thì chúng tôi đã có ý kiến và chỉ đạo cũng như tính toán có nên cho em ấy thi đấu hết các nội dung hay không?

Với tư cách Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 29, tôi không bao giờ chỉ đạo là Ánh Viên thi đấu nhiều nội dung. Tôi luôn nhắc Ban huấn luyện và Trưởng bộ môn bơi là phải tính toán kỹ việc tập trung các nội dung trọng điểm của Viên thì không nên đấu các nội dung khác.

Không cần phải lấy huy chương vàng bằng mọi giá và đoàn thể thao Việt Nam có thể không hoàn thành nhiệm vụ về số lượng huy chương nhưng không thể để VĐV thi đấu nhiều như thế.

Chúng tôi đã tự đặt ra một câu hỏi là Ánh Viên giải quyết bài toán về huy chương ở các đại hội cao hơn SEA Games sẽ như thế nào?

Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo Ban huấn luyện phải tập trung vào các nội dung chính cho ASIAD sau SEA Games 29.

Chúng tôi không định hướng cho Ánh Viên bất kỳ điều gì liên quan đến chuyên môn, chỉ xác định Ánh Viên tập trung vào 2 nội dung mạnh nhất. Trước hai ngày thi đấu nội dung 400m hỗn hợp, tôi cũng nói HLV Đặng Anh Tuấn là chúng ta chỉ cần lấy huy chương còn không giải quyết vấn đề gì ở đấu trường này.

Tuấn có nói là đã chuẩn bị rồi. Nếu thi đấu bình thường không tham gia quá nhiều nội dung thì Ánh Viên có thể phá kỷ lục SEA Games 29 ở các nội dung thế mạnh”.

Nỗi lo của ngành thể thao Việt Nam bây giờ thành sự thật, Ánh Viên đang tụt dốc không phanh tại Giải bơi thế giới 2019, trước đó ASIAD 18. Cô gái vàng bơi Việt Nam, một trong những người hiếm hoi được đặt niềm tin sẽ bứt ra khỏi khu vực, có lẽ không còn hy vọng gì trong tương lai nếu nhìn vào thông số đi xuống dần đến mức báo động.

Không thể nâng tầm “nữ hoàng bơi” Đông Nam Á, trách nhiệm đó sẽ thuộc về ai?

Còn tiếp: Sau ánh hào quang, Ánh Viên sẽ ra sao?

Cô gái vàng của bơi Việt Nam, Nguyễn Thị Ánh Viên đang trở thành dấu hỏi lớn cho ngành thể thao Việt Nam. Từ một ngôi sao lớn của Đông Nam Á được chờ đợi vươn tầm châu lục nhưng mọi thứ cho thấy sự sa sút rất lớn. Saostar mang đến cho độc giả loạt bài về Ánh Viên, qua đó tìm câu trả lời cho hành trình đi xuống của “tiểu tiên cá” dù chỉ ở tuổi 23.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất