Thể thao

AC Milan và vết trượt dài đánh mất đẳng cấp cùng Inter

Theo BĐ&CS
Chia sẻ

Trận đấu trước Arsenal đã phơi bày bộ mặt thật của AC Milan. Tuyên bố hùng hồn trước trận, nhưng Milan cuối cùng phải nhận thất bại bẽ bàng ngay trên sân nhà. Milan giờ chỉ là "hổ giấy" sau nhiều năm mất tích tại đấu trường châu Âu. Không chỉ AC Milan, cả Inter cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự.

Những ngày vinh quang của hai đội bóng thành Milan đã chìm vào một quá khứ rất xa. Người hâm mộ họ giờ đây chỉ còn biết nhìn vào quá khứ và hoài niệm, nhớ về những hồi ức xưa cũ hào hùng. AC Milan và Inter Milan dùng chung một sân vận động, và sân bóng đó mang tên của một huyền thoại từng khoác áo cả hai đội bóng.

Dường như đó là điềm ám chỉ định mệnh bện chặt hai CLB với nhau. AC Milan và Inter tuy là hai nửa khác nhau, nhưng số phận của họ thường đồng hành bên nhau. Sân vận động San Siro từng là nơi chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử trong bóng đá.

Tại World Cup Italia 90, đây chính là sân bóng chứng kiến trận khai mạc địa chấn. Đương kim vô địch Argentina chịu thất bại 0-1 trước Cameroon khi đội bóng châu Phi chỉ còn 9 người trên sân. Mọi chiến thuật của Maradona và các đồng đội đều bị “Những chú sư tử bất khuất” bẻ gãy.

Đây là thánh địa của hai CLB từng thống trị thế giới nhưng nó không phải sân nhà.

Những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 chính là giai đoạn chứng kiến AC Milan thống trị bóng đá châu Âu. Milan vô địch Champions League, Siêu Cúp châu Âu và Cúp Liên lục địa năm 1989, 1990. Đó cũng là giai đoạn Milan sở hữu thế hệ vàng Paolo Maldini, Franco Baresi và Marco van Basten. Inter cũng chẳng chịu kém cạnh khi trở thành đối trọng lớn ở thập niên 90 với Giuseppe Bergomi, Walter Zenga và “Người ngoài hành tinh” Ronaldo.

Hai đội bóng thành Milan đồng sở hữu 18 chức vô địch Serie A, 15 lần vô địch các cúp châu Âu và 12 Coppa Italia. Năm 2011, AC Milan đứng thứ 7 trong danh sách các CLB bóng đá giàu có nhất thế giới, còn Inter xếp ngay phía sau. Nhưng đó là những ngày đã xa.

Cả AC Milan và Inter Milan đều không còn là chính mình khi nhìn lại quá khứ.

Những ai từng chứng kiến thời khắc huy hoàng đó đều chẳng còn trẻ nữa. Lần cuối cả Milan lẫn Inter cùng lọt vào top 3 Serie A diễn ra ở mùa giải 2012/13. Đó cũng là lần cuối cả hai cùng góp mặt ở đấu trường châu Âu.

Sau mùa giải đó, Inter tiếp tục góp mặt ở Europa League 2 lần. Còn với Milan, mùa giải này là lần đầu họ trở lại đấu trường châu Âu sau 3 năm vắng bóng. Kể từ mùa giải 2013/14 đến nay, Milan trải qua 7 đời huấn luyện viên. Con số tương tự cũng xảy ra với Inter, với 6 huấn luyện viên ngồi ghế thuyền trưởng trong 3 năm qua. Chỉ có đúng Roberto Mancini ngồi được lâu hơn 1 mùa giải.

Các ông chủ ngày càng mất kiên nhẫn khi không dám chấp nhận thực tế giờ đây hai đội bóng thành Milan chỉ là những CLB hạng trung tại châu Âu. Thứ hạng của Milan và Inter tại châu Âu cũng ngày càng trượt dài theo thành tích của họ. Vị trí thứ 15 của Inter và 22 của Milan trên bảng danh sách những CLB giàu có nhất chỉ có được nhờ thành tích trong quá khứ.

Khi trên sân bóng này, màu sắc Đỏ Đen phải chia sẻ với Xanh Đen.

Những năm gần đây họ gần như đứng ngoài cuộc đua giành ngôi vô địch Serie A, thậm chí không thể đoạt vé đá cúp châu Âu. Nhà báo thể thao Luca Taidelli của Ý từng chia sẻ: “Năm 2010, khi Inter vô địch mọi danh hiệu, họ gần như chỉ có tiền thưởng vô địch là doanh thu duy nhất. Không có các khoản thu nào thêm cả. Họ không có hệ thống làm thương mại kiếm lời từ thành tích thi đấu”.

“Tại sân bóng, những gian hàng được quản lý rất kỳ cục. Nơi bán áo chính thức của CLB có giá 120 euro một cái, nhưng quanh đó nhan nhản những chỗ bán áo rởm chỉ có giá 20-30 euro. Không thể tưởng tượng chuyện này xảy ra ở những nơi khác”. Hậu quả là trong 7 năm qua, doanh thu thương mại của AC Milan vỏn vẹn 45%. Inter tệ hại hơn, tăng 4%.

Trong cùng giai đoạn đó, Manchester United tăng 234%. Việc kinh doanh kém cỏi khiến đội bóng bị giới hạn khả năng trong việc chiêu mộ cầu thủ. Mùa giải này Milan mới chịu mở hầu bao bạo chi sau khi các ông chủ Trung Quốc tiếp quản đội bóng. Trước đó, họ chưa bao giờ chi quá 30 triệu bảng chiêu mộ 1 cầu thủ kể từ thời Filippo Inzaghi đầu quân năm 2002.

Inter Milan bạo chi hơn, nhưng sau thời Mourinho họ nhanh chóng thành “hổ giấy”.Trái ngược với Milan và Inter, Juventus đã nhanh chóng lấy lại vị thế ông lớn. Họ vô địch Serie A 6 năm liên tiếp, lọt vào chung kết Champions League 2 trong 3 mùa giải gần nhất. Họ đứng thứ 10 trong danh sách các CLB kiếm tiền tốt nhất. Nhờ đó, họ có thể bạo chi tới 75 triệu bảng cho Higuain.

Họ phải chung đụng cả khu kiếm tiền

Đồng sử dụng một sân bóng cũng là yếu tố kìm hãm cả hai đội bóng phát triển trong giai đoạn thương mại hóa bóng đá. Các gian hàng luôn đổi từ màu đỏ đen sang xanh đen để phục vụ đội bóng chơi trên sân nhà tuần đó. Phông nền luôn thay đổi, người thuê cũng vậy, tạo điều kiện cho việc bán áo đấu rởm hoành hành.

Việc nâng cấp sân bóng San Siro đang ngày một xuống cấp cũng gặp nhiều trở ngại. Ngay cả việc nâng cấp khu nhà vệ sinh của sân vận động cũng bị chi phối và không được duyệt qua nếu cả hai CLB không đồng ý. Những khoản tài trợ cho sân bóng chỉ được chấp nhận nếu không xung đột lợi ích của cả 2 đội.

Một người có liên hệ mật thiết với sân San Siro từng chia sẻ: “Nơi đây là một thánh địa, nhưng với người hâm mộ của cả hai CLB, đây không phải sân nhà của họ. Họ không hoàn toàn sở hữu nó”. Điều này không sai một chút nào. Trên sân San Siro, những hàng ghế được sơn đỏ đen và xanh đen nằm lẫn lộn với các màu ghế khác.

Thế nên hai số phận rất giống nhau từ đỉnh cao đến vực sâu.

Ngoài ra, một yếu tố khác khiến Milan và Inter suy yếu chính là ông chủ đội bóng. Ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp kinh doanh và chính trị, Silvio Berlusconi đã mua lại AC Milan, mời Carlo Ancelotti về huấn luyện. Còn Massimo Moratti cũng làm chủ tịch Inter và không tiếc tiền đầu tư. Nhưng giờ đây cả hai đều đã bán phần lớn cổ phần ở đội bóng cho những ông chủ Trung Quốc.

Tập đoàn Tô Ninh, đơn vị nắm 68% cổ phần Inter Milan đang ấp ủ những kế hoạch táo bạo trong dài hạn. Họ dự tính cải tạo sân San Siro, giảm sức chứa 8 vạn xuống còn 55 ngàn chỗ ngồi. Tuy vậy, kế hoạch này lập tức bị chặn họng khi gần đây báo chí Trung Quốc tố cáo tập đoàn này rửa tiền bằng cách đầu tư vào Inter.

AC Milan cũng chẳng khá khẩm hơn khi gần đây có tin đồn chủ sở hữu đội bóng, ông Li Yonghong có nguy cơ phá sản. Dù đội bóng vẫn luôn kinh doanh tốt trong những năm qua nhờ thương hiệu truyền thống, đội bóng hoàn toàn có nguy cơ chìm vào khủng hoảng một lần nữa nếu không thể đáp ứng được luật công bằng tài chính trong tình cảnh hiện tại, chi mua cầu thủ vô độ trong khi kết quả bết bát.

Cả Milan lẫn Inter hiện giờ đều chìm quá sâu vào cái bóng của chính họ trong quá khứ. Thoát ra khỏi cái bóng đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Thất bại của Milan trước đội hình không phải mạnh nhất của Arsenal ngay trên sân nhà là minh chứng cho thấy hai đội bóng thành Milan đã thụt lùi sâu đến thế nào so với các CLB châu Âu khác.

Inter Milan và AC Milan sẽ còn mất nhiều năm nữa mới có thể trở lại vị thế ông lớn tại châu Âu nếu như họ cứ tiếp tục thi đấu như hiện tại. Nhưng thành tích trên sân chỉ đơn giản là hệ quả của một lối đầu tư, kinh doanh thiếu bài bản, thiếu suy nghĩ.

Chia sẻ

Bài viết

Theo BĐ&CS

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất