Vòng quanh Thế giới

Biến thể Delta đang lây lan chóng mặt, vì sao tiêm vaccine quan trọng ngay cả khi đã khỏi Covid-19?

Theo The Conversation
Chia sẻ

Vaccine phòng Covid-19 giúp phản ứng của kháng thể và tế bào T - và mạnh hơn và nhất quán hơn nhiều so với khả năng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh tự nhiên, đặc biệt khi chủng Delta đang tạo ra nguy cơ mới cho toàn thế giới.

Chắc hẳn nhiều người thắc mắc liệu tiêm phòng hay đã từng nhiễm Covid-19 có thể bảo vệ một người trước các chủng mới của SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta đang lây lan chóng mặt trên toàn thế giới hay không.

Theo tác giả Beth Daley trên The Conversation,một người có thể phát triển khả năng miễn dịch theo hai cách: sau khi bị nhiễm virus hoặc qua việc tiêm chủng. Tuy nhiên, sự bảo vệ miễn dịch không phải lúc nào cũng như nhau. Miễn dịch do vaccine và miễn dịch tự nhiên đối với SARS-CoV-2 có thể khác nhau về độ mạnh của phản ứng miễn dịch hoặc thời gian kéo dài sự bảo vệ.

Ngoài ra, không phải tất cả mọi người đều có mức độ miễn dịch như nhau khi nhiễm virus, trong khi phản ứng miễn dịch với vaccine là chắc chắn.

Sự khác biệt về phản ứng miễn dịch giữa tiêm chủng và nhiễm bệnh thậm chí còn lớn hơn trước các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Vào đầu tháng 7, hai nghiên cứu mới đã được công bố cho thấy vaccine Covid-19 vẫn cung cấp phản ứng miễn dịch tuyệt vời chống lại các biến thể mới.

Xem thêm: Gia đình người Malaysia 'chết lặng' khi biết nhiễm biến thể Delta dù ở nhà suốt từ tháng 4

Giới nghiên cứu đã xem xét cách thức kháng thể liên kết với các biến thể mới của SARS-CoV-2 và phát hiện ra rằng những người trước đây từng nhiễm virus nhạy cảm trước các chủng mới, trong khi những người đã tiêm vaccine được bảo vệ nhiều hơn. Vaccine Covid-19 đem tới miễn dịch an toàn và đáng tin cậy trước các chủng virus cũ và cả những chủng mới, đặc biệt là biến thể Delta.

Khả năng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh là không thể đoán trước

Khả năng miễn dịch của cơ thể chính là khả năng ghi nhớ tình trạng nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch. Sử dụng trí nhớ miễn dịch này, cơ thể sẽ biết cách "chống chọi" nếu gặp lại mầm bệnh.

Biến thể Delta đang lây lan chóng mặt, vì sao tiêm vaccine quan trọng ngay cả khi đã khỏi Covid-19? Ảnh 1
Hệ thống miễn dịch thường sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch tốt - bao gồm các kháng thể và tế bào T - sau khi bị nhiễm bệnh, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ảnh: Getty

Kháng thể là các protein có thể chống lại virus và ngăn ngừa nhiễm bệnh. Tế bào T chỉ đạo việc loại bỏ các tế bào nhiễm bệnh và virus. Hai yếu tố này giúp tạo nên hệ miễn dịch.

Sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2, các phản ứng của kháng thể và tế bào T có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự tái nhiễm. Khoảng 84% đến 91% những người đã phát triển kháng thể chống lại các chủng nCoV ban đầu sẽ không bị nhiễm lại trong 6 tháng, ngay cả sau khi bị nhiễm bệnh nhẹ.

Những người không có triệu chứng khi nhiễm bệnh cũng có khả năng phát triển khả năng miễn dịch, mặc dù họ có xu hướng tạo ra ít kháng thể hơn những người nhiều triệu chứng. Vì vậy, đối với một số người, khả năng miễn dịch tự nhiên có thể mạnh mẽ và lâu dài.

Nhưng vấn đề là không phải ai cũng có khả năng miễn dịch sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Có tới 9% số người mắc Covid-19 không có kháng thể và tới 7% không có tế bào T nhận dạng virus sau 30 ngày kể từ khi nhiễm virus.

Có tới 5% số người đã mắc Covid-19 có thể mất khả năng bảo vệ miễn dịch trong vòng vài tháng. Nếu không có hệ thống miễn dịch bảo vệ mạnh mẽ, những người này dễ bị tái nhiễm. Một số người còn tái mắc Covid-19 ngay sau một tháng kể từ lần nhiễm đầu tiên, và dù hiếm xảy ra, vẫn có người phải nhập viện thậm chí tử vong sau khi tái nhiễm.

Vấn đề ngày càng đáng lo ngại là những người trước đây từng nhiễm các chủng cũ của SARS-CoV-2 có thể tái nhiễm với biến thể Delta.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy 12 tháng sau khi nhiễm bệnh, 88% người vẫn có kháng thể với khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể gốc, nhưng chưa đầy 50% người có kháng thể bảo vệ cơ thể trước chủng Delta.

Vaccine tạo hàng rào bảo vệ tin cậy

Biến thể Delta đang lây lan chóng mặt, vì sao tiêm vaccine quan trọng ngay cả khi đã khỏi Covid-19? Ảnh 2
Vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và nhất quán trước cả biến thể mới Delta. Ảnh: AP

Vaccine phòng Covid-19 khiến phản ứng của kháng thể và tế bào T mạnh hơn và nhất quán hơn nhiều so với khả năng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh tự nhiên.

Một nghiên cứu cho thấy 6 tháng sau khi tiêm liều vaccine Moderna đầu tiên, 100% số người được xét nghiệm đều có kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Trong một nghiên cứu về vaccine Pfizer và Moderna, mức độ kháng thể ở những người được tiêm chủng cũng cao hơn nhiều so với những người nhiễm Covid-19 rồi khỏi bệnh.

Tuyệt vời hơn nữa, một nghiên cứu ở Israel cho thấy vaccine Pfizer có tác dụng 90% trong việc ngăn nhiễm Covid-19 khi tiêm hai liều, ngay cả với các biến thể mới nhất. Và việc giảm các ca nhiễm có nghĩa là mọi người ít có khả năng truyền virus cho người xung quanh hơn.

Đối với những người đã mắc Covid-19, tiêm vaccine vẫn đem lại lợi ích to lớn. Nghiên cứu cho thấy việc tiêm chủng sau khi đã nhiễm bệnh sẽ tạo ra lượng kháng thể nhiều hơn khoảng 100 lần và 100% người tiêm phòng sau khi nhiễm bệnh đều có kháng thể chống lại biến chủng Delta.

Vaccine Covid-19 không hoàn hảo nhưng chúng tạo ra các phản ứng kháng thể và tế bào T mạnh mẽ, cung cấp công cụ bảo vệ an toàn và đáng tin cậy so với miễn dịch tự nhiên, đặc biệt là trước các biến thể mới.

Xem thêm: Tốc độ 'phủ sóng' của vaccine Covid-19 trên thế giới lúc này ra sao?

Chia sẻ

Theo

The Conversation

Nguồn bài viết

Tin mới nhất