Một nghiên cứu ở Hong Kong được công bố trên tạp chí The Lancet hôm 15/7 cho thấy mức độ kháng thể ở những nhân viên y tế Hong Kong đã được tiêm đầy đủ mũi tiêm vaccine sử dụng công nghệ mRNA của BioNTech cao hơn khoảng 10 lần so với những người tiêm vaccine bất hoạt từ Sinovac Biotech.
Theo các nhà nghiên cứu, dù kháng thể không là yếu tố duy nhất để đo lường khả năng tạo miễn dịch và hiệu quả của vaccine Covid-19, "sự khác biệt về nồng độ các kháng thể trung hòa được xác định trong nghiên cứu của chúng tôi có thể chuyển thành sự khác biệt đáng kể về tính hiệu quả của vaccine".
Phát hiện bổ sung thêm bằng chứng ngày càng tăng cho thấy tính ưu việt của vaccine mRNA trong việc cung cấp khả năng bảo vệ toàn diện và mạnh mẽ chống lại SARS-CoV-2 và các biến thể của nó, so với vaccine bất hoạt.
Các quốc gia như Israel đến Mỹ chủ yếu dùng vaccine mRNA của Pfizer và đối tác BioNTech (Đức), và vaccine hãng Moderna, đã giảm rõ rệt các ca nhiễm Covid-19.
Những người được tiêm Sinovac có mức kháng thể "tương tự hoặc thấp hơn" so với mức kháng thể được thấy ở những bệnh nhân đã khỏi Covid-19.
Xem thêm: Tốc độ 'phủ sóng' của vaccine Covid-19 trên thế giới lúc này ra sao?
“Nhiều người vẫn được cứu”, AFP dẫn lời nhà dịch tễ học Ben Cowling, một trong những tác giả của báo cáo cho biết mọi người vẫn nên tiêm vaccine Sinovac nếu không còn lựa chọn nào khác vì nhận được một số biện pháp bảo vệ luôn tốt hơn là không có.
“Đừng để cái hoàn hảo là kẻ thù của cái tốt. Rõ ràng là tốt hơn hết là bạn nên đi tiêm vaccine chứa virus bất hoạt (như Sinovac) hơn là chờ đợi và không đi tiêm. Rất nhiều người đã được cứu sống nhờ vaccine bất hoạt”, ông nói.
Hiệu quả thấp hơn của vaccine bất hoạt đã khiến các quốc gia như Thái Lan hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tiêm thêm một mũi nhắc lại đối với người đã tiêm đầy đủ khi biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ xem xét về thời gian tiêm mũi nhắc lại để tăng cường mức độ kháng thể và khả năng bảo vệ ở những người được tiêm các mũi tiêm bất hoạt.
Xem thêm: Ngoài Việt Nam, những quốc gia nào cho tiêm trộn vaccine Covid-19?