Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Đâu là lý do khiến một bộ phận người dân Đông Nam Á do dự tiêm vaccine Covid-19?

Những thông tin sai lệch trên mạng xã hội đang khiến nhiều người do dự tiêm vaccine, làm suy yếu nỗ lực của các chính phủ trong việc tiêm vaccine Covid-19 cho những đối tượng yếu thế trước dịch bệnh ở Đông Nam Á.

Mặc dù Gerry Casida nằm trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 miễn phí ở Philippines vì ​​mắc bệnh hen suyễn, nhưng anh này không có ý định tiêm sớm. Hóa ra nguyên nhân là bởi Casida từng xem một video trên mạng xã hội nói rằng vaccine được sử dụng vì mục đích "diệt chủng".

"Tôi đã đọc rất nhiều bài đăng trên Facebook về việc bao nhiêu người chết ở các nước khác vì vaccine và cách mà điều đó được che giấu", công nhân xây dựng, 43 tuổi, đến từ Manila cho biết. "Mẹ tôi cũng tham khảo ý kiến ​​của một thầy lang, người này nói vaccine có thể ảnh hưởng đến tim của tôi".

Tràn lan tin sai lệch về vaccine

Hàng triệu người như Casida ở một số điểm nóng Covid-19 tồi tệ nhất Đông Nam Á chần chừ tiêm chủng hoặc từ chối tiêm vì bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch trên mạng xã hội hoặc phong trào phản đối tiêm chủng ở Mỹ.

Những thông tin sai lệch này đang khiến nhiều người do dự tiêm vaccine, làm suy yếu nỗ lực của chính phủ trong việc tiêm vaccine cho những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh ở Đông Nam Á và mục tiêu chấm dứt đại dịch vốn đang làm đình trệ nền kinh tế toàn cầu.

Đâu là lý do khiến một bộ phận người dân Đông Nam Á do dự tiêm vaccine Covid-19? Ảnh 1
Tin giả tràn lan trên mạng xã hội khiến nhiều người chần chừ tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: AFP

Dù là khu vực có tỷ lệ ca mắc mới cao nhất thế giới, các khảo sát gần đây cho thấy tình trạng từ chối tiêm vaccine ở Đông Nam Á vẫn còn phổ biến.

Ở Philippines, 68% người dân không chắc chắn hoặc không muốn tiêm, theo cuộc thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu Social Weather Stations thực hiện.

1/3 người Thái nghi ngờ hoặc từ chối tiêm chủng, trong khi một cuộc khảo sát khác ở Indonesia cho thấy gần 1/5 dân số do dự trước việc tiêm.

Những thông tin thất thiệt bài vaccine là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, gây giảm tốc độ tiêm vaccine tại những quốc gia vốn gặp khó khăn vì nguồn cung hạn chế. Mới chỉ có 10% dân số Thái Lan và Philippines được tiêm tối thiểu 1 liều vaccine.

Bà Melissa Fleming, Phó tổng thư ký phụ trách truyền thông toàn cầu của Liên Hợp Quốc, cho biết tại một diễn đàn hồi tháng 5: “Đây là một môi trường truyền thông bị ô nhiễm. ‘Đại dịch’ thông tin đã thay đổi và chủ chốt là tin sai lệch về vaccine, làm gieo rắc nỗi sợ hãi cho mọi người".

Là một quốc gia có đông người theo Công Giáo, cộng đồng mạng tại Philippines chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin của các nhóm Cơ Đốc giáo phúc âm. Trong đó có nhiều nhóm trên mạng xã hội Facebook tập trung vào lý thuyết bài vaccine.

Bloomberg cho biết, một video tiếng Anh với hàng trăm lượt xem nói rằng vaccine khiến người tiêm phát sinh từ tính. Tại Malaysia, những thông tin thất thiệt cho rằng vaccine Covid-19 gây rủi ro với cơ thể người tiêm và "làm biến đổi gen" tràn lan trên Facebook, WhatsApp.

Nhiều người còn phóng đại lập luận của các chính trị gia Mỹ và cả Michael Yeadon, người từng là nhà khoa học làm việc cho Pfizer nhưng có tư tưởng hoài nghi vaccine.

Thuyết âm mưu phổ biến khác trên mạng xã hội khắp Đông Nam Á cho rằng có vi mạch trong vaccine Covid-19 nhằm thu thập dữ liệu sinh trắc học của người tiêm. Trong tháng 2, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin đã phải lên tiếng đảm bảo với công chúng về sự an toàn của vaccine Covid-19, khẳng định chúng không có vi mạch.

Thách thức để đạt miễn dịch cộng đồng

Sự chần chừ trong việc tiêm vaccine ở nhiều người đang trở thành thách thức đối với các chính phủ mong muốn tiêm cho 80% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.

Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang phải vật lộn với "cơn bão" khi bùng phát dịch do nhiều biến thể dễ lây lan hơn và tụt hậu trong việc tiêm chủng.

Trong xếp hạng mới nhất của Bloomberg về khả năng xử lý đại dịch của 53 nền kinh tế hàng đầu thế giới, các quốc gia Đông Nam Á đứng ở nhóm 10 nước cuối bảng.

Thiếu miễn dịch cộng đồng với virus SARS-CoV-2, những quốc gia lớn và nhỏ sẽ gặp khó khăn để đón khách du lịch nước ngoài vốn quan trọng với ngành công nghiệp không khói, kinh doanh và đầu tư quốc tế”, ông Steve Cochrane tại công ty Moody’s Analytics đánh giá.

Đâu là lý do khiến một bộ phận người dân Đông Nam Á do dự tiêm vaccine Covid-19? Ảnh 2
Tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp hiệu quả đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh minh họa

Tiến sĩ Leong Hoe Nam, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena của Singapore, cho biết ngay cả ở Singapore, những người trẻ tuổi và có học thức cũng không thể chống lại được tin tức giả mạo. "Một số câu chuyện được khuếch đại nhiều hơn, nhưng lý do là khá giống nhau," ông nói.

Cuối tháng 5, hàng chục bác sĩ Singapore viết thư đặt câu hỏi về tính an toàn của vaccine mRNA, kèm những thông tin lan tràn trên mạng cho rằng các mũi tiêm sẽ gây biến đổi ADN của người, khiến Bộ Y tế nước này phải lên tiếng, khiến những chuyên gia y tế này rút lại ý kiến.

Bất chấp nỗ lực của các chính phủ nhằm xử lý tin giả, hàng loạt thông tin không chính xác bằng tiếng Anh vẫn len lỏi trong cộng đồng những nước không nói tiếng Anh.

Nhà nghiên cứu Ishaana Aiyanna tại công ty công nghệ Logically (Anh) đánh giá: “Những giả thiết phương Tây từng được vạch trần thường xuất hiện với hình thức thuyết minh theo tiếng địa phương. Điều này bắt nguồn từ tình trạng thiếu kiến thức về truyền thông ở nhóm đông vốn phụ thuộc vào không gian mạng để lấy thông tin”.

Nguồn cung vaccine hạn chế

Có một lý do chính khác cho sự do dự tiêm vaccine Covid-19 của người dân ở Đông Nam Á. Với việc các quốc gia phương Tây đang có phần lớn vaccine mRNA siêu hiệu quả, nguồn cung cho Đông Nam Á hạn chế và không có nhiều lựa chọn. Nhiều người vì thế muốn chờ đợi cho tới khi họ có thể tiêm mũi vaccine có hiệu quả hơn.

Tại Thái Lan, nhiều người từ chối tiêm vaccine phòng Covid-19.

Tại Philippines, gần 50% người trong một cuộc khảo sát hồi đầu năm cho biết họ tin tưởng nhất các mũi tiêm do Mỹ sản xuất, nhưng chương trình vaccine của quốc gia này chủ yếu dựa vào Sinovac của Trung Quốc. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đe dọa sẽ bỏ tù những người từ chối tiêm vaccine.

Những quốc gia khác lại có các cách tiếp cận khác để khuyến khích người dân tiêm chủng, như một huyện ở miền bắc Thái Lan treo thưởng bò cho những ai tiêm vaccine.

Ở vùng nông thôn Indonesia, những người dân tiêm vaccine sẽ được nhận gà miễn phí, trong khi một thành phố ở Philippine tặng nhà.

Tiến sĩ Leong Hoe Nam cho rằng giáo dục và thông tin từ bác sĩ là công cụ tốt nhất để giúp người dân nhân thức rõ hơn, không mang tư tưởng ngại tiêm nữa.

"Thực trạng ngại tiêm vaccine và thiếu phối hợp trên toàn cầu có lẽ là một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”, tiến sĩ Leong nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Song Long

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm