Vòng quanh Thế giới

Người đầu tiên trên thế giới tái nhiễm virus SARS-CoV-2 với 2 chủng hoàn toàn khác nhau

Thiên Ân
Chia sẻ

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong hôm 24/8 thông báo về trường hợp một người đàn ông 33 tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 lần 2 sau 4 tháng rưỡi, là trường hợp tái nhiễm đầu tiên được ghi nhận trên thế giới.

Trước đây, một số ca tái dương tình virus SARS-CoV-2 từng được ghi nhận ở Trung Quốc và một số quốc gia khác song đây là lần đầu tiên thế giới ghi nhận trường hợp tái nhiễm có sự khác biệt đáng kể về gene ở hai chủng trong hai lần nhiễm khác nhau.

Theo các nhà nghiên cứu, phân tích trình tự gene cho thấy hai lần nhiễm COVID-19 liên tiếp này của bệnh nhân là do hai chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau gây ra, AFP đưa tin.

Người đàn ông 33 tuổi lần đầu tiên được chẩn đoán mắc COVID-19 vào cuối tháng 3 nhưng cho kết quả dương tính trở lại trong lần xét nghiệm sau khi anh ta từ Tây Ban Nha về Hong Kong vào ngày 15/8. Người này bị nhiễm một chủng hoàn toàn khác vào lần thứ 2 và không có triệu chứng.

Chủng virus đầu tiên được lấy mẫu trên cơ thể bệnh nhân vào tháng 3 và 4, chủng thứ hai lấy mẫu vào tháng 7 và 8 là chủng được tìm thấy ở châu Âu - nơi bệnh nhân vừa tới thăm.

"Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng khả năng miễn dịch đối với  người nhiễm COVID không phải là suốt đời - trên thực tế, việc tái nhiễm có thể xảy ra khá nhanh", Kelvin Kai-Wang To, nhà vi sinh vật học tại Khoa Y Đại học Hong Kong, cho hay. "Bệnh nhân COVID-19 không nên cho rằng sau khi khỏi bệnh rằng họ sẽ không bị nhiễm lại nữa".

Ông To cũng cho biết những người đã khỏi bệnh vẫn cần giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Người đầu tiên trên thế giới tái nhiễm virus SAR-CoV-2 với 2 chủng hoàn toàn khác nhau Ảnh 1
Nhân viên y tế tại Hong Kong. Ảnh: AFP

Trường hợp hiếm nhưng đáng lo ngại 

Các chuyên gia đã đưa ra các ý kiến ​​khác nhau về việc mọi người nên cảnh giác như thế nào trước phát hiện mới trên.

David Strain, giảng viên cao cấp về lâm sàng tại Đại học Y Exeter (Anh) cho biết: “Đây là một phát hiện đáng lo ngại vì hai lý do. Nó cho thấy các lần nhiễm trước không có khả năng cung cấp sự bảo vệ. Nó cũng làm tăng khả năng tiêm chủng có thể không mang lại kỳ vọng như chúng ta chờ đợi. Nếu các kháng thể không cung cấp sự bảo vệ lâu dài, chúng ta cần quay lại chiến lược loại bỏ gần như loại bỏ virus để trở lại cuộc sống bình thường".

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng trường hợp của người đàn ông ở Hong Kong là "rất hiếm".

Nhà vi sinh vật học Brendan Wren thuộc Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London cho biết: “Chúng ta có thể hy vọng virus sẽ đột biến tự nhiên theo thời gian. Đây là một ví dụ rất hiếm về việc tái nhiễm và trường hợp này không nên làm cản trở động lực phát triển vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu".

Cho tới nay, virus SARS-CoV-2 đã giết chết 800.000 người trên toàn thế giới và các ca nhiễm mới tăng cao sau khi nhiều quốc gia gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn.

Chia sẻ

Bài viết

Thiên Ân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất