Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Bạn biết bao nhiêu điều về mùa lễ Vu Lan và các nước châu Á có những tập tục khác nhau như thế nào?

Phương An (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Lễ Vũ Lan báo hiếu là sự kiện diễn ra hàng năm trùng vào ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân nhưng liệu bạn có biết rõ về nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục đón ngày lễ này tại các nước châu Á không?

Lễ Vu Lan không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn khá phổ biến tại một số quốc gia châu Á với các lễ hội tương tự nhưng với tên gọi khác nhau. Sự kiện diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch với những tục lệ riêng nhằm bày tỏ lòng tôn kính với người đã khuất.

Nhưng trước khi tìm hiểu phong tục trong ngày lễ này tại các nước châu Á thì chúng ta hãy tìm hiểu qua nguồn gốc, ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan đã nhé.

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan

Nguồn gốc Lễ Vu Lan được bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ. 

Theo quan niệm Phật giáo, Lễ Vu Lan là lễ đáp đền công ơn dưỡng dục của ông bà, bố mẹ, tổ tiên, thường được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Nguồn gốc Lễ Vu Lan được bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) đại hiếu cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.

Truyền thuyết kể rằng, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Sau khi mẹ ông là bà Thanh Đề qua đời, ông muốn xem mẹ mình đang như thế nào nên đã dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thế nhưng đắng cay thay, sinh thời mẹ của ông đã làm nhiều việc ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở.

Thấy vậy, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng cho mẹ. Tuy nhiên, do bị đói lâu ngày nên khi thấy cơm, mẹ của ông đã lấy tay che miệng bát vì sợ các cô hồn khác tới tranh cướp. Do đó, khi bát cơm được đưa lên miệng thì đã bị hóa thành lửa đỏ.

Sau đó, Mục Kiều Liên liền quay về tìm Phật để tìm cách cứu mẹ. Tuy nhiên, Phật nói rằng dù ông có thần thông quảng đại đến đâu cũng không thể cứu được mẹ mà chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong cứu được và ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp nhất để cung thỉnh chư tăng.

Làm theo lời Phật dạy, vào ngày Rằm tháng 7, nhân lúc chư tăng mãn hạ, Mục Kiền Liên đã chuẩn bị một lễ dâng cúng bao gồm hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay… dâng lên các vị chư tăng để cầu xin cứu mẹ mình khỏi địa ngục. Cuối cùng, mẹ của Mục Kiều Liên đã được giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Bên cạnh đó, Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng làm theo cách này nên từ đó ngày Lễ Vu Lan đã ra đời.

Ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan ngoài sự báo hiếu cha mẹ, báo đáp ơn đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong quá khứ và cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại được luôn sức khỏe và an lành thì còn có nhiều ý nghĩa khác. Bởi lẽ ngày Lễ Vu Lan còn là ngày cứu khổ cho mọi sinh linh trong cuộc sống, là lễ hội tri ân và báo ân của người con Phật và cũng là dịp để nhắc nhở con cái phải đời đời sống hiếu thuận với cha mẹ, ông bà.

Ý nghĩa bông hồng cài áo trong ngày Lễ Vu Lan

Vào ngày Lễ Vu Lan, người dân Việt Nam thường cài bông hồng lên ngực áo.

Nghi lễ cài hoa hồng lên ngực áo được thực hiện từ thập niên 60 do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng. Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư cảm thấy rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc cài hoa hồng trên áo, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho Lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào năm 1962.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn cha mẹ. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Bạn có thể chọn một bông hoa cài lên ngực áo hoặc không trong ngày Lễ Vu Lan, nhưng nghĩ về ngày này với ý nghĩa nhân bản, âu cũng là cách để bạn tri ân cuộc sống tươi đẹp này.

Lễ Vu Lan ở một số nước châu Á

Nếu như ở Việt Nam, người dân thường lên chùa cầu nguyện cho cha mẹ một đời bình an và có nghi lễ cài bông hồng lên ngực áo thì phong tục Lễ Vu Lan tại các nước châu Á cũng đều có những nét riêng biệt.

Tại Nhật Bản, ngày lễ Obon báo hiếu (diễn ra vào tháng 8 dương lịch) cũng tương tự như Lễ Vu Lan. Bánh cúng khảo được làm từ bột gạo đủ ba màu xanh đỏ vàng và hoa quả được xem là vật lễ đón tiễn linh hồn. Đây là dịp lễ lớn ở Nhật thu hút nhiều khách tham quan, nhiều người ở xa về thăm ba mẹ, gia đình. Sự kiện quan trọng nhất vào dịp lễ là hoạt động thắp đèn trên núi Kyoto. Người đốt lửa sẽ nhắn gửi những lời cầu nguyện qua ngọn lửa với tổ tiên.

Ở Trung Quốc, Lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày 15/7 đến 30/7 âm lịch, còn được gọi là Lễ Ma đói. Người dân xem đây là sự kiện đáng sợ nhất năm bởi theo lịch mặt trăng cánh cổng âm phủ sẽ mở ra vào ngày này. Họ treo đèn đỏ từ nhà ở đến văn phòng làm việc, cúng cơm cho tổ tiên ba lần một ngày. Vào dịp này, người dân Trung Quốc đi thăm phần mộ của người thân để sửa sang, quét dọn lại, đốt giấy tiền, vàng mã cho người đã khuất. Ngoài ra, tín đồ Phật tử ở Trung Hoa còn làm các việc phước thiện như bố thí, phóng sinh… để hồi hướng công đức cho cha mẹ và người thân của mình.

Thái Lan là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của Phật giáo tại Đông Nam Á. Lễ Vu Lan tại Thái Lan được diễn ra lớn nhất ở tỉnh Dan Sai, người dân tổ chức những hoạt động huyên náo. Nổi bật nhất là đám rước mặt nạ bằng vỏ trấu hoặc lá dừa cộng với quần áo chấp vá. Vào cuối mùa lễ người dân sẽ lắng nghe thuyết giảng từ các nhà sư.

Tại Malaysia, Đại lễ Vu Lan còn được gọi là Ngày Tổ tiên. Vào ngày lễ hội tháng 7 này, mọi người sẽ treo đèn lồng quanh nhà và ngoài đường phố. Theo phong tục truyền thống, người dân sẽ tạm dừng các công việc nhà nông để thực hiện nghi lễ thờ cúng, đốt vàng mã và cầu siêu cho vong linh đã khuất.

Tại Indonesia, quốc gia Hồi giáo đa số, người dân khu vực phía bắc tỉnh Sumatra đến chùa cầu nguyện, dựng các hình nộm lớn và bày tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Ngoài ra, họ còn ném tiền giả, dâng mía đỏ làm lễ vật cúng bái.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương An (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Thiên Ân công khai hẹn hò với một 'nhân vật' bí ẩn: Dân tình rần rần ủng hộ, người vui nhất là ai?