"Câu chuyện của Mudijja là một phép màu. Trừ ông ấy ra, trong nước chưa có ai hồi phục mà không cần ghép phổi sau hơn 9 tuần, dù có sự hỗ trợ của kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO)", đại diện Bệnh viện Rela ở Chromepet, Chennai (Ấn Độ) cho biết.
Cuối tháng 4/2021, Mudijja (56 tuổi) mắc Covid-19 và nhập viện trong tình trạng khó thở. Ảnh chụp CT trước khi vào Bệnh viện Rela cho thấy ông có triệu chứng viêm phổi ở mức trung bình. Tình trạng của Mudijja xấu đi nhanh chóng và cần 10 lít oxy mỗi phút.
Nhóm nghiên cứu do bác sĩ C Arumugam dẫn đầu quyết định áp dụng kỹ thuật ECMO. Dù 4 - 5 tuần đầu tiên vẫn chưa đạt kết quả khả quan, nhưng họ vẫn kiên trì. "ECMO thường được sử dụng như biện pháp duy trì trong thời gian chờ ghép phổi. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã làm nên kỳ tích khi chỉ cần dùng nó để cứu sống bệnh nhân", trích lời bác sĩ Mohamed Rela, chủ tịch bệnh viện.
Sau gần 50 ngày tiếp nhận ECMO, Mudijja dần dần cải thiện, hoạt động của lá phổi được tăng cường. Đó cũng là lúc bác sĩ C Arumugam tiến hành phương pháp điều trị không cần ghép phổi.
"Vào ngày thứ 54, chúng tôi đã giảm dần tần suất sử dụng ECMO. Và sau 62 ngày, chúng tôi đã ngưng hẳn ECMO", ông nói. "Bệnh nhân tiếp tục thở máy trong 2 tuần và chính thức không dùng máy thở vào ngày 29/7". Ngay sau đó, Mudijja đã có thể ngồi, đi lại và ăn uống. Ngày 19/8, ông được xuất viện.
Bệnh viện chuyên khoa MGM Healthcare cũng thông báo đã điều trị thành công cho một bệnh nhân nam 32 tuổi bằng phương pháp ECMO trong 72 ngày. Được biết, bệnh nhân mắc Covid-19 từ hôm 18/5.
Anh bị tổn thương nghiêm trọng ở phổi và gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm xuất huyết, đông máu nội mạch lan tỏa và co giật, thậm chí bị ngừng tim.
Bác sĩ dùng kỹ thuật ECMO cho anh vào tuần đầu tiên của tháng 6. Đến tuần thứ 2, họ tiếp tục phẫu thuật mở khí quản để giúp anh ổn định tình trạng sức khỏe. Hiện bệnh nhân nam trên đã được xuất viện.