Vòng quanh Thế giới

Người dân toàn cầu 'điêu đứng' vì thời tiết cực đoan: Nơi lạnh cắt da cắt thịt, nơi nóng vã mồ hôi

Hà Phương
Chia sẻ

Trong khi người dân ở Anh, Mỹ, Trung Quốc run lẩy bẩy, tê cứng vì giá lạnh, thì cư dân Australia lại đang trải qua giai đoạn nóng nhất trong gần 80 năm, với nhiệt độ hơn 47 độ C.

Nước Anh vẫn còn co ro trong giá rét khi nhiệt độ ở một số nơi đã xuống -10 độ C. Theo Dailymail, sáng nay (theo giờ địa phương), cảnh sát Scotland đã xử lý 25 vụ tai nạn giao thông đường bộ trong vòng 1 giờ vì băng giá. Dự báo, nhiệt độ tại sẽ còn giảm xuống và thời tiết băng giá sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới.

6 giờ sáng ngày 9/1 (theo giờ địa phương), nhiệt độ tại đông bắc nước Anh và Scotland là -4 độ C.

Tình trạng đóng băng ở Scotland.

Nước Anh đang rất lạnh, nhưng vẫn chưa là gì nếu so sánh với khu vực Bắc Mỹ, với nhiệt độ có nơi nhiệt độ giảm xuống tới -70 độ C. Ngoài nhiệt độ thấp, sức gió có lúc lên tới 144km/h còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của hơn 100 triệu người tại nước này.

Cụ thể trong ngày 7/1, nhiệt độ tại đỉnh núi Washington, đỉnh núi cao nhất vùng Đông Bắc nước Mỹ, hạ xuống mức -68 độ C, lập kỷ lục lạnh thứ hai trên hành tinh (sau Nam Cực).

Tuyết phủ trắng mọi con đường ở khu phố South Boston khi nhiệt độ xuống -30 độ C.

Theo The Sun, đợt giá rét sau “bom bão tuyết” tại Mỹ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 19 người và cho tới nay, tuyết vẫn bao phủ một khu vực rộng lớn từ bang Texas đến Wisconsin. Hoạt động giao thông tại miền Đông nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một người đàn ông đang cố gắng xúc tuyết, “giải cứu” chiếc xe của mình.

Hơn 6.000 chuyến bay bị hủy hoặc trì hoãn do ảnh hưởng từ bão tuyết. Trong đó, sân bay quốc tế John F.Kennedy ở New York và sân bay Charleston ở Nam Carolina là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sân bay John F.Kennedy phải đóng cửa từ 4/1 và mở cửa trở lại vào sáng ngày 5/1, nhưng việc mở cửa trở lại trở nên phức tạp hơn khi nhiều máy bay phải quay trở lại hạ cánh khẩn cấp và một số vụ va chạm trên đường băng.

Sân bay JFK rơi vào cảnh hỗn loạn khi hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ và chậm trễ vì bão tuyết.

Hành lý chất đống ở sân bay JFK do bộ phận gửi trả hành lý đã tê liệt.

Chia sẻ về cái lạnh cắt da cắt thịt, nhiều người dân tại nước Mỹ cho biết: “Tôi mang găng tay, đội mũ, đi 2-3 đôi tất và phải mặc 5-6 lớp áo khi ra đường” hay “Sáng nay tôi ra lấy xe nhưng chiếc xe đóng băng chẳng khác gì khối đá lạnh lấy ra từ tủ đông vậy”.

Cùng chung tình cảnh giống nước Mỹ, Trung Quốc cũng sắp sửa đón đợt lạnh kỷ lục trong suốt 10 năm qua. Theo SCMP, thời tiết lạnh kéo dài và lan rộng khiến một số khu vực có nhiệt độ xuống dưới mức trung bình 5-10 độ C. Sáng ngày 9/1 (theo giờ địa phương), nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nam, Hồ Bắc, An Huy giảm từ -8 độ C xuống -13 độ C, Hồ Nam, Chiết Giang và Giang Tây giảm từ -3 độ C xuống - 7 độ C.

Cây đổ rạp ra đường, gây ùn tắc giao thông tại Trung Quốc.

Trước đó, đợt bão tuyết thứ nhất tràn qua Trung Quốc vào tuần trước đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và của. Bộ nội vụ Trung Quốc cho biết, bão tuyết khiến 21 người thiệt mạng, hơn 2,3 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 3.700 người phải bỏ nhà cửa vì 700 ngôi nhà sập và khoảng 2.800 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng do tuyết. Hàng trăm nghìn ha cây trồng cũng bị ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế lên tới 847 triệu USD.

Người dân Trung Quốc trùm chăn, quấn khăn kín mít khi đi ra đường.

Hơn nữa, tuyết rơi liên tục còn khiến nhiều cây cối, trạm xe buýt gãy đổ, khiến mạng lưới giao thông bị tắc nghẽn. Riêng tỉnh An Huy, 23 đường cao tốc đã ngừng hoạt động và ít nhất 21 địa điểm du lịch tại tỉnh Hồ Nam đóng cửa. Ít nhất 17 sân bay tại Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề, 3 sân bay đóng cửa hoàn toàn và hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ hoặc chậm trễ.

Cũng khốn đốn vì băng tuyết, tại Tây Ban Nha, gần 70km đoạn đường cao tốc nối thủ đô Madrid với khu vực lân cận Segovia đã bị tuyết phủ trắng, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ.

Video: Hàng nghìn người bị kẹt trong ô tô do tuyết ở Tây Ban Nha

Theo The Guardian, vào tối 6/1, khoảng 3.500 - 4.000 chiếc xe đã kẹt trong tuyết trên xa lộ AP-6. Một số xe bị kẹt tại đây tới 18 giờ. Hơn 150 thành viên của đơn vị phục vụ tình trạng khẩn cấp của quân đội (UME) đã àm việc suốt đêm để xúc tuyết và giúp đỡ những người bị kẹt trong tuyết.

Khi bị kẹt xe tại đây, một số người đã than phiền: “Hàng nghìn người bị kẹt như chúng tôi đều không nhận được thông tin gì. Họ không hề thông báo tình trạng này trên đài hay các trang mạng cũng như điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi. Đứng đây nhiều giờ rồi nhưng tôi chưa thấy chiếc xe xúc tuyết nào”, ông Carlos Trevino, người bị kẹt xe suốt 13 giờ phàn nàn.

Trái ngược hoàn toàn với các nước đang trải qua đợt rét đậm rét hại, Australia lại đang phải hứng chịu cái nắng nóng như thiêu như đốt, thậm chí khiến mặt đường tan chảy. Thành phố Sydney vừa trải qua ngày nắng nóng nhất trong vòng 79 năm khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 47,3 độ C. Khoảng 7.000 hộ gia đình khắp bang New South Wales bị cắt điện do nắng nóng.

Một người dân xả vòi nước vào đầu tại bãi biển Tamarama ở Sydney, Australia.

Theo trang Theaustralian, hàng trăm con dơi đã chết do nhiệt độ nắng nóng tại nước này. “Về cơ bản, chúng đã bị đun sôi. Nắng nóng khiến não bộ của chúng bị ảnh hưởng, từ đó gây ra hiện tượng chết não”, các quan chức động vật hoang dã cho hay.

Chia sẻ

Bài viết

Hà Phương

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất