Vòng quanh Thế giới

Khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ là thảm kịch của thế giới

Song Long
Chia sẻ

Ngay cả nhà sản xuất vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới cũng không thể tự cứu bản thân mình giữa đại dịch.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 4.200 ca tử vong mới, mức cao chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Trong khi đó, số ca nhiễm mới vẫn ở mức rất cao, với 348.529 trường hợp, chiếm một nửa toàn cầu.

Biểu đồ thống kê cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ đã vọt lên theo đường thẳng đứng. Các chuyên gia y tế lo ngại rằng tình trạng khủng khiếp này sẽ không chấm dứt sớm.

Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ hiện có xu hướng giảm từ ngày 10/5, với 366.161 ca được ghi nhận, giảm mạnh từ mức hơn 400.000 ca trong 4 ngày liên tiếp trước đó.

Sự bùng phát đại dịch đẩy chính những người dân Ấn Độ vào cảnh khốn cùng, nhưng cũng là thảm họa đối với phần còn lại của thế giới.

Lao đao vì vaccine

Khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ là thảm kịch của thế giới Ảnh 1

92 quốc gia đang phát triển đang lao đao khi trước giờ vẫn dựa vào Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, để cung cấp vaccine nhằm bảo vệ dân số nước mình, theo The Atlantic.

Trong khi đó, virus không ngừng đột biến. Các báo cáo về các chủng virus đột biến kép và thậm chí đột biến ba, mà các chuyên gia cho rằng có thể đứng sau số ca nhiễm tăng vọt như hiện nay ở Ấn Độ, đã làm dấy lên lo ngại tình hình còn tồi tệ hơn không chỉ tại quốc gia Nam Á này. Bất chấp những nỗ lực hạn chế sự lây lan của biến thể mới của Ấn Độ, chủng B.1.617 đã được xác định ở ít nhất 10 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Anh.

Và đúng như vậy, diễn biến của đại dịch tại các nước láng giềng như Nepal, Bangladesh, Pakistan hay Sri Lanka cũng tồi tệ không kém. Nhiều ý kiến cho rằng biến thể của virus tại Ấn Độ là "thủ phạm" gây nên tình trạng đáng quan ngại trên. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng mầm bệnh lan truyền từ các biến thể ở quốc gia khác, chẳng hạn như Anh, Nam Phi và Brazil.

Một tháng trước, Ấn Độ cho rằng họ đã đến tận cùng của thảm hoạ khi đại dịch bùng phát, nhưng tình hình gần đây đã chứng minh mọi chuyện còn tệ hơn thế. Theo ông Michael Kugelman, Phó Giám đốc phụ trách Nam Á của Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington, đây là hậu quả của nhiều hành động.

Từ biểu tình chính trị, tụ hội tôn giáo mà không đeo khẩu trang, cũng như sự chủ quan và ứng phó chậm trễ của chính phủ đã biến Ấn Độ thành tâm dịch mới trên toàn cầu. Kết quả là bệnh viện quá tải, nguồn cung cấp oxy cạn kiệt, các nhà xác không còn chỗ trống và lò hỏa táng gần như sụp đổ vì phải thiêu một lượng thi thể khổng lồ mỗi ngày.

Khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ là thảm kịch của thế giới Ảnh 2

Ấn Độ đang ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong/ngày. Trong thới gian tới, con số này có nguy cơ tăng đến 4.500. Bhramar Mukherjee, nhà sinh học và dịch tễ học tại Đại học Michigan, cho biết số người chết vì Covid-19 ở Ấn Độ có khả năng chạm mốc 5.500.

Tin xấu chưa dừng lại ở đó. Ngoài vấn đề thiếu hụt vaccine, ngành dược phẩm toàn cầu cũng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19 ở Ấn Độ, theo CNN.

Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc generic, phiên bản tương đương với các loại biệt dược có cùng tác dụng, nhưng chi phí rẻ hơn nhiều. Tại Mỹ, 90% các đơn thuốc có thuốc generic và cứ ba viên thuốc được bán ra thì có một viên do Ấn Độ sản xuất.

Chặng đường dài

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) có trụ sở tại Pune, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca và là người đóng góp chính cho sáng kiến ​​COVAX nhằm cung cấp vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cho biết họ sẽ không thể đáp ứng được cam kết ban đầu về nguồn cung.

Ấn Độ đủ khả năng sản xuất 70 triệu liều vaccine mỗi tháng, nhưng con số này vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong nước với khoảng 3 triệu liều mỗi ngày. Để bảo vệ 1,4 tỷ dân, cơ quan y tế cần nâng con số này lên gấp 3 lần.

Gần như không có hy vọng cho quốc gia Nam Á này trong việc nhận nguồn vaccine từ bên ngoài. Hầu hết các nước hiện nay đều không có đủ vaccine. Số ít có kho dự trữ, ví dụ như Mỹ, vẫn chưa tự tin đến mức có thể chia sẻ vaccine cho nước khác.

Khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ là thảm kịch của thế giới Ảnh 3

Tuy nhiên, họ có thể giúp đỡ Ấn Độ bằng cách huỷ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nguyên liệu thô cho việc sản xuất vaccine. Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ đã kêu gọi chính quyền ông Biden thông qua quyết định này. Chính phủ Anh và Đức cũng cam kết hỗ trợ.

Ấn Độ và Nam Phi cũng kêu gọi WTO tạm thời nới lỏng quy định về bằng sáng chế liên quan đến vaccine và phương pháp điều trị Covid-19 để chúng tiếp tục được sản xuất.

Dù tiêm chủng đại trà khiến nhiều quốc gia có cơ hội chiến thắng đại dịch, nhưng thảm kịch ở Ấn Độ đã cho thấy chúng ta còn cả một chặng đường dài phía trước. Thế giới ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong mới vì Covid-19 trong năm nay hơn năm ngoái. Vấn đề hiện nay không chỉ của riêng Ấn Độ, mà là của toàn cầu.

Chia sẻ

Bài viết

Song Long

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất