Vòng quanh Thế giới

Người đàn ông Ấn Độ cay đắng nhìn mẹ chết vì không tìm được giường bệnh do Covid-19

Theo The Indian Express
Chia sẻ

Syed Yusuf đã gõ cửa ít nhất 6 bệnh viện với hi vọng có thể tìm được giường bệnh cho mẹ, nhưng vô vọng vì đâu cũng nói lời từ chối.

Cầm trong tay một bên là giấy xác nhận dương tính với Covid-19 của mẹ và một bên là giấy chứng nhận hiến tặng huyết tương của bản thân, trong 2 ngày, Syed Yusuf đã ra vào ít nhất 6 bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe với hi vọng có thể tìm một chiếc giường bệnh cho mẹ.

Vào sáng 26/4, bà Sifali Begum, mẹ của Yusuf, 69 tuổi, đã qua đời tại nhà riêng của họ ở Dilshad Garden, Đông Delhi. Điều này khiến anh kiệt sức, suy sụp và cay đắng.

Chia sẻ với The Indian Express, anh cho biết: "Khi những người khác cần tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ...Tôi đã hiến tặng huyết tương hai lần, vì tôi nghĩ rằng mình sẽ cứu được mạng sống của một ai đó. Nhưng mọi người đã ở đâu khi tôi cần giúp đỡ”.

Người đàn ông Ấn Độ cay đắng nhìn mẹ chết vì không tìm được giường bệnh do Covid-19 Ảnh 1
Yusuf với giấy chứng nhận hiến tặng huyết tương, ra vào 6 bệnh viện để cầu xin 1 giường bệnh

Người đàn ông 42 tuổi này đã bị mất việc làm kể từ khi đơn vị sản xuất phụ tùng xe hơi ở Greater Noida, nơi anh làm việc đóng cửa vào tháng 11 năm ngoái. Yusuf có kết quả dương tính với Covid-19 vào tháng 9, sau khi hồi phục, anh ấy đã hiến tặng huyết tương 2 lần, vào tháng 10 và tháng 11 năm ngoái.

Bà Begum, mẹ của Yusuf bắt đầu xuất hiện các triệu chứng vào tuần trước và nhận được kết quả dương tính với Covid-19 hôm 22/5. Sau đó, Yusuf đã mua được một máy đo nồng độ oxy trong máu từ một hiệu thuốc gần đó với giá 1200Rs (khoảng 370.000 đồng), kết quả sau kiểm tra không mấy khả quan.

Vào sáng 23/4, anh đã để mẹ ở nhà với em gái và đi khắp nơi để hỏi giường bệnh cho mẹ, đầu tiên là bệnh viện Guru Teg Bahadur (GTB) và sau đó là Khu liên hợp thể thao Yamuna nhưng đều không còn giường.

Từ 7 giờ tới 11 giờ cùng ngày, Yusuf đã dẫn mẹ và em gái đi tìm giường bệnh. Họ đợi trong ô tô khi Yusuf cố gắng sắp xếp một chiếc giường cho mẹ. Anh chia sẻ: "Tôi đã thử gọi một vài số điện thoại của chính phủ nhưng đều không liên lạc được. Xe cấp cứu tư nhân cũng không còn nữa. Vì vậy, chúng tôi thuê một chiếc ô tô và đến bệnh viện Swami Dayanand ở Dilshad Garden, họ nói còn giường nhưng không có máy thở. Các bác sĩ bệnh viện nói rằng mẹ tôi cần máy thở, nhưng vô vọng, ngay cả đến một bình oxy cũng không có".

Do mẹ Yusuf quá yếu nên không thể đi xa hơn, anh ấy đã để mẹ ở nhà và tiếp tục tìm kiếm giường bệnh tới tận 3 giờ sáng.

Lúc 8 giờ 30 phút sáng thứ 25/4, Yusuf đã đến một nhà máy oxy công nghiệp ở Shahdara với hi vọng có thể lắp một bình oxy tại nhà.

Yusuf cho biết: "Ở đó họ có bình dưỡng khí nhưng lại yêu cầu tôi có một chiếc xi lanh. Tôi không biết phải tìm ở đâu nhưng rồi tôi đã thuyết phục họ đồng ý cung cấp một bình dưỡng khí”.

Sau đó, Yusuf đưa mẹ đến bệnh viện Jeevan Jyoti và điểm dừng chân cuối cùng là bệnh viện siêu chuyên khoa Rajiv Gandhi. Tuy nhiên, vì tình trạng thiếu oxy, bệnh viện đã giảm số giường dành cho bệnh nhân nhiễm Covid từ 500 xuống còn 350 nên bà Begum cũng không được nhập viện.

Kiệt sức và bất lực, hai mẹ con trở về nhà lúc 3 giờ 30 phút chiều 25/4. Được biết, sức khỏe của bà Begum tiếp tục xấu đi. Bà ấy bỏ ăn, bỏ uống, không nói chuyện và gần như bất tỉnh. Nồng độ oxy trong máu của bà đã giảm xuống còn 60.

Được biết, khi phóng viên tờ The Indian Express trao đổi với Yusuf qua điện thoại vào khoảng 7 giờ 30 ngày 25/4, anh ấy vẫn đang cố gắng tìm một bình oxy cho mẹ mình. Vào buổi tối muộn, Yusuf đã cố gắng đưa mẹ mình tới bệnh viện ESIC ở Jhilmil vì nghe ai đó mách rằng ở đó vẫn còn có giường bệnh.

Cuối ngày hôm đó, gia đình Yusuf đã mua được một chiếc bình oxy với giá 6000Rs (tương đương 1.900.000 đồng) nhưng tất cả đã quá muộn. Nồng độ oxy trong máu của bà Begum đã giảm xuống mức quá thấp còn 32. Yusuf nghẹn ngào: "Mẹ tôi mất lúc 2 giờ sáng. Chúng tôi hoàn toàn suy sụp”.

Được biết, các quan chức tại bệnh viện ESIC, bệnh viện Rajiv Gandhi, bệnh viện Jeevan Jyoti, bệnh viện GTB và khu liên hiệp thể thao Yamuna không biết cụ thể về trường hợp của bà Begum. Thực tế, họ đã phải từ chối một số bệnh nhân trong một tuần vì họ không có đủ giường và gặp khó khăn về nguồn cung cấp oxy cho người bệnh. Tại Bệnh viện Dayanand, nhân viên trực cho biết anh ta không biết bác sĩ nào đã khám cho bà Begum, nhưng có thể trong phòng cấp cứu ICU cũng không còn chỗ nữa.

Chia sẻ

Theo

The Indian Express

Nguồn bài viết

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất