Vòng quanh Thế giới

Nhàn Phi cứ cười đi, lịch sử đã định sẵn bà là Hoàng hậu có kết cục thảm nhất Thanh triều rồi!

Phương An
Chia sẻ

Mặc dù khi còn sống, Kế Hoàng hậu được Càn Long hết mực thương yêu, sủng hạnh nhưng sau đó, bà bất ngờ bị thất sủng và được tổ chức đám tang sơ sài tới mức không bằng thị thiếp của viên quan cấp thấp trong triều.

Bộ phim cung đấu Diên Hi công lược đang đi tới những phút cuối cùng khi chỉ còn vỏn vẹn chưa tới 10 tập. Tính đến thời điểm này, Nhàn Phi - Kế Hoàng hậu do diễn viên Xa Thi Mạn thủ vai vẫn là người được Càn Long Đế sủng ái và nắm quyền cai quản lục cung. Vẫn không rõ liệu trong những tập cuối này, Kế Hoàng hậu có phải trả giá cho những tội ác mà bà đã gây ra hay không. Tuy nhiên, theo lịch sử Trung Hoa ghi lại, bà là vị Hoàng hậu có kết thúc bi thảm nhất trong triều đại nhà Thanh.

Tiểu thư danh môn tới ngôi vị mẫu nghi thiên hạ

Nhàn Phi - Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị hay còn được sử sách ghi lại với cái tên Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu (11/3/11718 - 19/8/1766), là Hoàng hậu thứ hai của Càn Long Đế. Không rõ Kế Hoàng hậu tên thật là gì nhưng bà là một tiểu thư khuê các, xuất thân từ gia tộc danh giá Ô Lạt Na Lạp thuộc Mãn quân Tương Hoàng Kỳ, cha là Tá lĩnh Na Nhĩ Bố.

Xa Thi Mạn trong vai Nhàn Phi - Kế Hoàng hậu trong phim Diên Hi công lược.

Ô Lạt Na Lạp thị ít hơn Càn Long 7 tuổi và được Khang Hi ban hôn, tấn phong làm Trắc phúc tấn khi Càn Long còn là Bảo Thân Vương. Dưới con mắt đương thời, bà là một người cương trực, thẳng thắn, không hề mang tiếng ác như trong Diên Hi công lược.

Khi Càn Long lên ngôi vua, bà được tấn thăng làm Nhàn phi, tiếp đó là Nhàn Quý phi và được sắc phong Hoàng hậu sau khi Phú Sát thị qua đời. Điều này là vô cùng hiếm hoi khi bà ngồi được vào vị trí mẫu nghi thiên hạ khi chưa sinh được hoàng tử, thái tử nào, thậm chí còn được Thái hậu hết mực yêu thương. Bà được Càn Long vô cùng yêu thương, sủng ái, thường được cùng Càn Long Đế bái yết Tông miếu, cùng ông ngao du Giang Nam, lên Ngũ Đài sơn thắp hương, tuần du Tây Nam.

Chân dung Kế Hoàng hậu.

Năm 1752, Kế Hoàng hậu sinh Thập nhị a ca Vĩnh Cơ. Năm 1753, Hoàng ngũ nữ nhưng vị Công chúa này đã qua đời khi chỉ mới 2 tuổi. Năm 1756, bà tiếp tục sinh hạ Thập tam a ca Vĩnh Cảnh và vị Hoàng tử này cũng yểu mệnh qua đời khi mới một tuổi.

Bất ngờ thất sủng, thiên ý khó lường

Tháng Giêng năm Càn Long thứ 30 (năm 1765), Kế hoàng hậu cùng Càn Long Đế và 5 vị phi tần du hành xuống phương nam lần thứ 4. Trong chuyến du hành kéo dài một tháng trời, mọi việc diễn ra đều rất suôn sẻ, thuận lợi. Không chỉ vậy, Càn Long Đế còn ưu ái tổ chức sinh nhật sớm lần thứ 48 vào ngày 10/2 thật linh đình cho Kế Hoàng hậu.

Đến ngày 18/2, khi đoàn Nam tuần đi tới Hàng Châu, Càn Long còn sai người mang thức ăn và ban thưởng nhiều trân phẩm quý giá cho Hoàng hậu. Tuy nhiên, vào buổi tối ngày hôm đó, bà không hề lộ diện ăn cùng ông mà chỉ có 5 vị phi tần. Cũng từ hôm đó cho tới cuối chuyến du tuần, không ai còn thấy bóng dáng bà nữa.

Theo sử sách, Kế Hoàng hậu là một người hiền lành, không hề mang tiếng ác như trong phim.

Sau này, mọi người mới biết ngay sau bữa sáng ngày hôm đó, Hoàng Đế đã bí mật sai người đưa Hoàng Hậu về kinh bằng đường thủy và giam lỏng bà trong cung. Đến tháng 4, khi Càn Long trở về cung sau chuyến Nam tuần, việc đầu tiên mà ông làm là ra lệnh thu hồi 4 sắc phong đã ban cho Ô Lạt Na Lạp thị trước đây, gồm có sắc phong của Hoàng hậu, Hoàng Quý phi, Nhàn Quý phi và Nhàn phi kim sách.

Mặc dù không ban chiếu chỉ phế hậu nhưng hành động này của Càn Long Đế chẳng khác nào bác bỏ mọi danh phận và quyền lợi của Kế Hoàng hậu. Không chỉ dừng lại đó, Càn Long Đế còn cắt giảm cung nhân hầu hạ người vợ từng đầu ấp tay gối xuống còn 2 người, số cung nhân hầu hạ ngang hàng với Đáp ứng.

Cái chết buồn tủi và lễ tang “keo kiệt” nhất Thanh triều

Một năm sau khi bị Hoàng đế ghẻ lạnh, Ô Lạt Na Lạp thị buông tay trần thế trong sự tĩnh mịch và cô đơn khi mới chỉ 49 tuổi. Khi qua đời, bà không có lấy một người thân thích bên cạnh, chỉ có hai cung nữ hầu hạ thân cận.

Khi Ô Lạt Na Lạp thị qua đời, Càn Long Đế đang đi săn bắn. Mặc dù nghe hung tin Hoàng hậu mất, Càn Long vẫn ung dung, thản nhiên săn bắn mà không hề mảy may quan tâm, chỉ cho Hoàng tử Vĩnh Cơ hồi cung chịu tang mẹ.

Vào năm Càn Long thứ 30, Kế Hoàng hậu bất ngờ bị thất sủng.

Trước đó, khi Hoàng hậu Phú Sát thị qua đời, Càn Long đã ra lệnh cho cả giang sơn phải chịu tang Hoàng hậu, từ phi tần cho tới hoàng tử, công chúa đều phải để tang Phú Sát thị, bách tính ngừng việc cưới hỏi trong vòng 27 ngày.

Trong kinh thành, “nam cấm đội mũ, nữ cấm đeo khuyên”. Ngay tới Càn Long Đế cũng mặc tang phục, không thiết triều 9 ngày. Thế nhưng, tang lễ của vị Hoàng hậu thứ hai là Ô Lạt Na Lạp thị lại bị Càn Long cắt xén và keo kiệt tới mức khó tin. Toàn bộ tang sự chỉ dùng bạc 207 hai 9 phân 4 li, còn không bằng tang sự của một thị thiếp của triều đình quan viên.

Bất bình trước nghi thức này, lúc bấy giờ một sử quan đã cả gan xin Càn Long tổ chức tang lễ xứng với địa vị của Ô Lạt Na Lạp Hoàng hậu. Thế nhưng, Hoàng đế ngay lập tức nổi trận lôi đình, đày người này ra biên cương.

Bà chết trong sự tĩnh mịch và cô đơn, không có lấy một người thân bên cạnh.

Cũng theo lệ thường, Hoàng hậu phải được an táng chung với Hoàng đế, nhưng phần mộ của Ô Lạt Na Lạp thị thậm chí không được tiến vào địa cung Dụ Lăng của Càn Long. Bà được an táng tại Phi Viên tẩm - nơi an nghỉ của các phi tần bình thường. Thế nhưng, Ô Lạt Na Lạp thị còn không bằng những phi tần bình thường vì họ đều có địa cung riêng, còn bà phải an táng “nhờ” trong địa cung của Thuần Huệ Hoàng Quý phi, thậm chí còn được chôn ở gian phòng phụ như mộ phần cung nữ.

Chưa dừng lại đó, theo luật lệ Thanh triều, tất cả các thê thiếp từ hàng phi trở lên sau khi qua đời đều có bài vị và được thờ cúng trong tẩm điện. Những phi tần thấp hơn không có bài vị nhưng đều được hưởng tế phẩm. Chỉ riêng Ô Lạt Na Lạp thị, đường đường là một vị Hoàng hậu của Càn Long Đế, lại không được lập bài vị, không được cúng tế, thậm chí không có thụy hiệu.

Từ “Kế” trong cách gọi không phải thụy hiệu của Ô Lạt Na Lạp thị mà có nghĩa là Hoàng hậu kế tiếp của Hoàng đế. Bà được biết đến là Hoàng hậu đầu tiên và duy nhất của nhà Thanh không được ban thụy hiệu sau khi qua đời.

Nguyên nhân thất sủng của vị Hoàng hậu “thảm” nhất Thanh triều

Có rất nhiều câu chuyện thêu dệt trước việc thất sủng đột ngột của vị Hoàng hậu này. Có sử liệu ghi lại, Ô Lạt Na Lạp thị thất sủng là do bà đã cắt đi mái tóc dài bóng mượt của mình. Hành động này khiến Càn Long Đế tức giận, cảm thấy bị xúc phạm vì mái tóc rất quan trọng đối với người Mãn Thanh và theo luật lệ nhà Thanh, chỉ khi nào đại tang Hoàng đế hoặc Hoàng Thái hậu, phi tần mới được phép cắt tóc. Cho nên, Càn Long Đế đã khép Hoàng hậu vào tội đại bất kính, đại bất hiếu và không bao giờ sủng hạnh nữa.

Khi qua đời, bà không được chôn cất cùng Hoàng đế, không có bài vị, thụy hiệu và không được cúng tế.

Nếu coi việc cắt tóc là nguyên nhân khiến Ô Lạt Na Lạp thị bị thất sủng, bà đã sống trong cung 30 năm, làm Hoàng hậu 15 năm, được biết đến là một người ôn nhu, hiểu lý lẽ, cẩn thận sáng suốt nhưng đến cuối cùng, vì điều gì mà tới phượng vị Hoàng hậu và quốc tục tối kị bà đều không màng?

Chính vì điều này mà dân gian đã dấy lên nhiều phỏng đoán nghi vấn. Có giả thuyết cho rằng, là do Hoàng hậu phản đối việc Càn Long xuống Giang Nam vi hành, cho rằng ông chỉ xuống đây để tìm người đẹp để nhập cung. Trong chuyến Nam tuần đó, khi cả đoàn nghỉ chân ở Hàng Châu, Càn Long Đế mặc thường phục vi hành, tìm kiếm người tình trong mộng ngày xưa nên Hoàng hậu ra sức khóc lóc can ngăn. Lúc này, Càn Long không nghe, thậm chí mắng chửi Hoàng hậu tinh thần không ổn nên mới bí mật đưa bà hồi kinh.

Một truyền thuyết lại cho rằng, khi Ô Lạt Na Lạp thị cùng Hoàng đế thực hiện chuyến Nam tuần năm thứ 30 đến Kim Lăng, Càn Long cùng đám thần tử chạy thuyền trên sông để tìm ca vũ mua vui. Quan địa phương vì muốn lấy lòng vì muốn lấy lòng Hoàng đế mà sắp xếp một chiếc thuyền hoa tráng lệ, bên trên có vô vàn mỹ nữ nhảy múa lẳng lơ.

Càn Long vui mừng thích chí, chìm trong khoái lạc suốt cả đêm. Hoàng hậu khi biết chuyện này đã vô cùng tức giận nên cắt tóc bày tỏ thái độ với Càn Long. Khi trở về thấy sự tình đã như vậy, Càn Long tức giận bèn sai người đưa Hoàng hậu hồi kinh ngay trong đêm.

Kế Hoàng hậu là vị Hoàng hậu duy nhất trong Thanh triều có kết cục bi thảm như vậy.

Tuy nhiên, cuốn Ngoại tập yến ký của sứ giả Triều Tiên Hồng Đại Nhung - người từng sang triều Thanh làm sứ thần thời Càn Long - Hoàng hậu bị thất sủng do có liên quan tới một món bảo vật bị mất. Theo đó, năm Càn Long thứ 30, Hoàng đế và Hoàng hậu đi săn thú ở Quan Đông. Lúc này, trong cung phát hiện bị mất một viên đại châu.

Hoàng đế ra lệnh tìm kiếm khắp nơi và cuối cùng tìm thấy tại một tiệm cầm đồ. Sau khi điều tra, người lấy cắp viên đại châu là một thị vệ trong cung của Hoàng hậu. Viên thị vệ này đem đại châu đi bán với giá 400 lượng bạc. Không chỉ vậy, trên người thị vệ này còn lục soát được giấy tờ có bút tích của Hoàng hậu. Cuối cùng, thị vệ kia bị xử tử, Hoàng hậu cũng vì vậy mà bị hạch tội. Trong cuốn ngoại tập cũng ghi rõ, việc này là do cung tần trong hậu cung ngấm ngầm hãm hại Hoàng hậu chứ thực chất không phải do bà làm.

Chia sẻ

Bài viết

Phương An

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất