Trong những năm gần đây, một hình thức hôn nhân mới đã âm thầm xuất hiện tại tỉnh Giang Tô và Chiết Giang (Trung Quốc), đó chính là “hôn nhân hai đầu” (hay còn gọi là lưỡng đầu hôn nhân). Với hình thức này, người dân hay gọi đơn giản là “không đến không đi”, “không vào không ra”, “không gả không cưới”, “hai nhà ghép lại”.
“Hôn nhân hai đầu” cụ thể là như thế nào?
Ở các vùng nông thôn tỉnh Giang Tô và Chiết Giang, nhiều người thường chọn hình thức hôn nhân này, đặc biệt là con một trong gia đình. Dân địa phương quen gọi “hôn nhân hai đầu” là "không đến không đi", "không vào không ra", "không gả không cưới", "hai nhà ghép lại".
Theo các chuyên gia, “hôn nhân hai đầu” đã đơn giản hóa hình thức cưới xin. Chú rể không cần trao quà cưới tốn kém cho nhà vợ và cô dâu cũng không phải trả của hồi môn, làm giảm gánh nặng cho cả hai bên.
Sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng trẻ thường không chung sống cùng nhau. Cô dâu và chú rể đều ở nhà bố mẹ ruột của họ để có cơ hội gần gũi, báo hiếu bố mẹ mình.
Theo quy định bất thành văn, các cặp vợ chồng tham gia “hôn nhân hai đầu” sẽ sinh 2 đứa con. Đứa thứ nhất lấy họ bố và chủ yếu do người chồng nuôi dưỡng, đứa thứ hai lấy họ mẹ và chủ yếu do người mẹ chăm sóc. Trong gia đình “hôn nhân hai đầu” không có khái niệm ông bà nội, ông bà ngoại mà gọi chung là ông bà.
Bình đẳng về quyền lực và trách nhiệm là cốt lõi của “hôn nhân hai đầu”
Rõ ràng mô hình "hôn nhân hai đầu" đã loại bỏ khái niệm "độc thân và kết hôn" được định hình từ xa xưa. Loại mô hình này có thể khẳng định sự tự do cá nhân và hạn chế việc ly hôn do mâu thuẫn gia đình, chuyện giữa mẹ chồng – nàng dâu. Ngoài ra, kiểu hôn nhân này còn giúp giảm bớt tâm lý gia trưởng ở cánh mày râu, duy trì mối liên hệ giữa người phụ nữ với gia đình bố mẹ ruột, giảm bớt cảnh gia đình trống vắng của nhà gái sau khi gả con gái đi.
Tuy nhiên, trên thực tế, “hôn nhân hai đầu” vẫn là quy ước của hai bên, quyền và nghĩa vụ của hai bên phải tuân theo luật hôn nhân hiện hành. Cụ thể, cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái, không thể nói con mang họ bên nào thì bên kia được miễn nghĩa vụ liên quan.
Trước khi tham gia hình thức “hôn nhân hai đầu”, các cặp đôi phải thỏa thuận tuân theo hai nguyên tắc. Thứ nhất là làm rõ những vấn đề phức tạp như những việc liên quan tới kiểm soát tài chính, nuôi dạy và giáo dục con cái để đi đến sự đồng thuận. Thứ hai là khi có việc chung cần phải giải quyết, cả hai đều không được trốn tránh trách nhiệm.
So với những quan niệm truyền thống, người phụ nữ dường như có nhiều lợi thế hơn nhưng trách nhiệm phải gánh cũng tăng lên. Là con một, điều kiện gia đình phù hợp, người phụ nữ phải một mình gánh nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, tránh phụ thuộc vào người đàn ông. Ngoài duy trì chi phí sinh hoạt trong gia đình, người mẹ cũng cần phải nỗ lực duy trì giao tiếp tình cảm giữa hai đứa trẻ mang họ khác nhau.
Bên cạnh đó, người chồng cũng phải đảm nhiệm nhiều hơn các trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Nói tóm lại, chỉ khi quyền lợi và trách nhiệm của cả hai vợ chồng là ngang nhau thì đó mới thực sự được coi là cuộc “hôn nhân hai đầu” lành mạnh.