Vòng quanh Thế giới

Hành trình bí ẩn của những xác chết tại Mỹ

Theo zing.vn
Chia sẻ

300 USD cho đốt sống cổ, 500 USD cho một phần đầu nguyên vẹn... Hàng nghìn người Mỹ chết đi mỗi năm mà không biết rằng thi thể của họ có thể trở thành hàng hóa như ngoài chợ.

Tại Las Vegas, những tờ rơi với hình ảnh một cặp đôi nắm chặt tay nhau cùng dòng chữ “Đem tới sự lựa chọn vào đúng lúc bạn cần” xuất hiện ở khắp các nhà tang lễ.

Đó là cách mà công ty Dịch vụ Hiến tặng Nam Nevada quảng cáo. Họ mong muốn giúp các gia đình có người chết giảm thiểu chi phí đám tang bằng cách hiến tặng thi thể của chính người thân nhằm phục vụ “các nghiên cứu y khoa”.

300 USD cho một đoạn đốt sống cổ

Cody Saunders sinh năm 1992, với hai quả thận bị hỏng và trái tim không lành lặn. Hai năm đầu tiên của cuộc đời, cậu tiếp nhận thức ăn thông qua một chiếc ống được nối thẳng vào dạ dày. Phần lớn tuổi thơ của Cody trải qua trong bệnh viện.

Trái tim của cậu ngừng đập vào ngày 2/8/2016, đúng dịp sinh nhật lần thứ 24.

Cody từng đạt giải nhất trong cuộc thi vẽ của Hiệp hội Thận nước Mỹ vào năm 14 tuổi. Ảnh: Reuters.

Không đủ tiền để chôn cất hoặc hỏa táng con trai, cha mẹ của Cody quyết định hiến xác của cậu cho một tổ chức mang tên Restore Life USA. Công ty này có nhiệm vụ phân phối thi thể của thanh niên 24 tuổi tới các nhà nghiên cứu, trường đại học và cơ sở đào tạo y tế.

“Tôi chẳng có đủ tiền để làm gì khác”, ông Richard, cha của Cody, ngậm ngùi chia sẻ.

Một tháng sau cái chết của Cody, Restore Life USA bắt đầu bán bộ phận đầu tiên trên cơ thể cậu: đốt sống cổ. Chỉ cần vài giao dịch cơ bản, phần xương sống ở cổ của Cody được chuyển thẳng đến tay khách hàng (các phóng viên Reuters) với giá 300 USD.

Không lâu sau khi đặt hàng, một chiếc hộp bằng bìa cứng màu nâu được chuyển tới địa chỉ người nhận. Bên ngoài không có bất cứ dòng cảnh báo nào. Bên trong, đốt sống cổ của Cody kèm một tờ giấy xác nhận “mặt hàng” không bị bệnh truyền nhiễm.

Trong khi đó, tại nhà, bố mẹ của Cody đã nhận được tro cốt của cậu, theo đúng lời hứa từ Restore Life USA: bình đựng tro cốt được chuyển tới tận nhà sau khi thi thể người hiến đã được dùng trong các thí nghiệm y khoa. Chỉ có điều, phần thi thể ấy không nguyên vẹn.

Với sự cho phép của gia đình Cody, Reuters tiến hành xét nghiệm ADN phần đốt sống cổ mà họ nhận được. Kết quả, đó chính là phần cơ thể Cody, người đã được hỏa táng.

Khi biết thông tin này, cha mẹ của cậu im lặng, rồi bật khóc. Họ không biết công ty kia đã tách đốt sống cổ của con trai họ, rồi bán nó như một món hàng hóa ngoài chợ. Chẳng có thứ được gọi là “vì mục đích y học” ở đây.

Thị trường tử thi

Ở độ tuổi 50, James Byrd đã làm việc trong lĩnh vực buôn bán thi thể trong 2 thập kỷ. Trước khi thành lập Restore Life USA, ông là giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ lưu giữ các bộ phận cơ thể người.

Có trụ sở tại Tennessee, Restore Life thu thập thi thể chủ yếu ở bang này cùng Virginia và North Carolina. Để “thuận mua vừa bán”, công ty này hỏa táng miễn phí những phần thi thể chưa được sử dụng hoặc sau khi đã được thí nghiệm, rồi gửi lại gia đình người quá cố.

Các bác sĩ và nhà nghiên cứu y khoa dùng tử thi để xét nghiệm và học tập. Ảnh: Reuters.

Năm 2011, Byrd giới thiệu về công ty của mình với các quan chức ở hạt Sullivan, nơi mọi người đều bức xúc vì mức thuế phải chi trả cho việc hỏa táng người thân quá cao. Rồi Restore Life đưa ra giải pháp: hiến tặng cơ thể. Họ sẽ đến tận nhà để nhận thi thể, hỏa táng những phần không sử dụng rồi gửi tro cốt cho gia đình nạn nhân và không đòi hỏi bất cứ chi phí nào. Một dịch vụ chu đáo.

Byrd luôn tự hào vì công ty của mình đã “giúp đỡ vô số người thông qua hàng loạt thí nghiệm được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu danh tiếng”.

Khác với ngành công nghiệp ghép tạng được chính phủ Mỹ kiểm soát vô cùng chặt chẽ, việc mua bán cơ thể người kiểu này không nhằm mục đích cấy ghép. Luật liên bang chưa đưa ra quy định chặt chẽ đối với các hoạt động kiểu này.

Các công ty thường tiếp cận các khách hàng không có điều kiện kinh tế. Họ sẽ được tài trợ một khoản tiền cho tang lễ nếu đồng ý bán lại một hoặc một số các bộ phận cơ thể. Đối với các gia đình đã kiệt quệ do chi phí điều trị cho người thân, một đám tang đúng nghĩa luôn là điều xa xỉ.

Giá trung bình cho toàn bộ cơ thể là 5.000 USD. Ảnh: Reuters.

Hiến xác đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, nghiên cứu và đào tạo y khoa. Các nhà giải phẫu học cho rằng không có bất cứ mẫu vật hay máy móc nào có thể thay thế cơ thể người trong quá trình nghiên cứu y tế. Dựa vào những thi thể, họ có thể phát triển phương pháp giải phẫu, cấy ghép kiểu mới, góp phần cứu chữa hàng triệu người mỗi năm.

Bất chấp thực tế đó, việc kiểm soát quá trình buôn bán nội tạng và thi thể ở Mỹ vô cùng lỏng lẻo. Nhiều người thậm chí có thể trở thành “cò mồi” mà không cần sở hữu bất cứ giấy phép nào.

Theo Reuters, từ năm 2011 đến 2015, những công ty môi giới tử thi đã nhận ít nhất 50.000 thi thể và phân phối hơn 182.000 bộ phận cơ thể.

Giống mọi thị trường khác, giá bán của các bộ phận cơ thể cũng thay đổi tùy theo cung và cầu. Thông thường, người mua phải bỏ ra khoảng 3.000 USD đến 5.000 USD cho một thi thể nguyên vẹn. Tuy nhiên, các công ty cò mồi thường chia thi thể ra làm các phần để thuận tiện cho người mua.

Cụ thể, phần đầu có giá 500 USD, bàn chân có giá 350 USD, xương sống 300 USD. Còn nếu muốn mua một chiếc đầu, khách hàng phải chi trả ít nhất 500 USD.

Để tiếp cận khách hàng tiềm năng, các công ty này móc ngoặc với hàng loạt nhà tang lễ trên khắp nước Mỹ và mạnh tay chi trả “tiền hoa hồng”.

Một số người làm dịch vụ tang lễ còn mạnh bạo hơn, họ tự lập nên những công ty môi giới thi thể và lo liệu mọi việc từ đầu vào đến đầu ra.

Tối ưu lợi nhuận

Thông thường, các công ty phải bỏ ra hàng trăm nghìn USD để khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Họ phải mua các thiết bị, dụng cụ chuyên nghiệp nhằm xét nghiệm, bóc, tách mẫu vật…

Tuy nhiên, nhiều công ty tìm cách giảm thiểu chi phí bằng cách bỏ qua các quy trình kiểm soát chất lượng và chương trình đào tạo bắt buộc.

Cận cảnh một xưởng chứa thi thể với trang thiết bị nghèo nàn. Ảnh: Reuters.

Tại Honolulu, cảnh sát đã 2 lần được gọi đến cơ sở của Bryan Avery, một người chuyên buôn bán tử thi. Mỗi lần, họ đều tìm thấy những thi thể đang thối rữa và mục nát. Avery vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vì chẳng có quy định nào có thể kết tội anh ta.

Một trường hợp khác, Arthur Rathburn sắp ra tòa vào đầu năm 2018. Ông bị kiện vì đã buôn bán bộ phận cơ thể “kém chất lượng” cho các bác sĩ. Cụ thể, họ đã phải dùng mẫu vật nhiễm virus HIV và viêm gan để đào tạo học viên. Theo tìm hiểu của phóng viên Reuters, Rathburn có thể không bị kết tội vì luật pháp chưa quy định cụ thể về vấn đề này.

Theo nhiều người, lý do khiến ngày càng có nhiều người quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực buôn bán tử thi là bởi nó có thể đem lại lợi nhuận khổng lồ. Họ nhận “mặt hàng” miễn phí, rồi bán lại với giá lên tới hàng nghìn USD.

Sức cạnh tranh khiến việc tồn tại trên thị trường luôn là bài toán khó. Nhiều công ty đã phá sản hoặc không có khả năng chi trả thuế. Khi họ tìm cách cắt giảm chi phí và “đốt cháy giai đoạn”, những gì gia đình người quá cố phải hứng chịu sẽ vô cùng đau đớn.

Chia sẻ

Theo

zing.vn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất