Bloomberg dẫn phân tích dữ liệu Đại học Johns Hopkins cho hay, đà bùng phát dịch ở Đông Nam Á đã vượt qua những nơi trước đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 như khu vực Mỹ Latinh và Ấn Độ, khi số ca mắc tăng 41% trong tuần qua lên hơn nửa triệu người.
Tỷ lệ tử vong tăng 39% trong 7 ngày qua tính đến hôm 14/7. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới và có thể còn cao hơn nữa khi số ca tử vong tăng đột biến thường theo sau số ca mắc tăng.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng chung của khu vực Đông Nam Á là 9%, thấp hơn các khu vực phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ - nơi hơn một nửa dân số đã được tiêm phòng - và hơn khu vực châu Phi và Trung Á.
Khi phần lớn các nước phát triển mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại, tình hình tồi tệ hơn trên hầu hết các nước Đông Nam Á có nghĩa là các quốc gia đang áp dụng lại các biện pháp kiểm soát sẽ đối mặt với tăng trưởng kinh tế kém. Duy chỉ có Singapore là trường hợp ngoại lệ khi nước này có đường biên giới ít tiếp giáp và tỷ lệ tiêm chủng cao.
"Với tốc độ tiêm chủng chậm, ngoại trừ Singapore, chúng tôi cho rằng con đường phục hồi sẽ có nhiều trắc trở và có thể phải duy trì thêm các biện pháp hạn chế quyết liệt hơn nữa. Tình thế không chắc chắn về tương lai cũng có thể dẫn tới nhiều tổn hại kinh tế hơn nữa", chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics, Sian Fenner, nói.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã vượt qua Ấn Độ về số ca mắc mới hàng ngày trong tuần này, đưa nước này trở thành tâm chấn mới của dịch bệnh tại châu Á. Trong khi đó một số nước láng giềng cũng chứng kiến số ca mắc kỷ lục.
Theo Bangkok Post, Bộ Y tế Thái Lan ngày 16/7 ghi nhận thêm 9.692 ca nhiễm Covid-19, vượt số ca nhiễm mới/ngày cao kỷ lục được công bố ngày 17/5 là 9.635 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 381.907. Bộ Y tế Thái Lan còn ghi nhận thêm 67 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca Covid-19 tử vong lên 3.099.
Kể từ ngày làn sóng dịch Covid-19 lần 3 bùng phát hồi đầu tháng 4/2021, Thái Lan ghi nhận thêm 353.044 ca nhiễm và 3.005 ca tử vong.
Indonesia, Thái Lan và Philippines đã cắt giảm dự báo tổng sản phẩm quốc nội của họ trong năm nay và Malaysia cũng đang lên kế hoạch tương tự.
Trước đại dịch, các nước Đông Nam Á gộp lại sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Đức, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đang hạ dự báo tăng trưởng nửa cuối năm 2021 trung bình 1,8 điểm phần trăm trên toàn Đông Nam Á, với mức giảm lớn nhất đối với Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan.
Xem thêm: Ngoài Việt Nam, những quốc gia nào cho tiêm trộn vaccine Covid-19?