Vòng quanh Thế giới

Điều đặc biệt về Bàn Môn Điếm - nơi diễn ra thượng đỉnh liên Triều lịch sử

Trọng Hiếu
Chia sẻ

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên hôm nay diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, bên trong Khu phi quân sự liên Triều. Đây là nơi binh lính hai bên đối mặt nhau mỗi ngày và cũng là địa điểm chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử bán đảo Triều Tiên.

Hôm nay 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo triều tiên Kim Jong-un có cuộc hội đàm lịch sử tại nhà Hòa Bình ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ông Kim và ông Moon gặp nhau sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ - Hàn - Triều. Hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về phi hạt nhân và hiệp ước hòa bình, qua đó chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Với sự kiện đặc biệt này, ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân sang đất Hàn Quốc, đi bộ trên đường ranh giới quân sự, nơi ông được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chào đón. Đây là một khoảnh khắc lịch sử trong cuộc chia cắt kéo dài gần 7 thập kỷ.

Địa điểm diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Hàn - Triều là biểu tượng cho lịch sử chia cắt hai miền liên Triều. Cuộc gặp đang diễn ra tại làng Bàn Môn Điếm, gồm các tòa nhà nằm trong Khu phi quân sự (DMZ) - dải đất dọc theo vĩ tuyến 38 chia cắt bán đảo Triều Tiên.

Cuộc họp lịch sử hôm nay giữa hai lãnh đạo Hàn, Triều gợi nhớ tới cuộc ký kết hiệp ước đình chiến ở Bàn Môn Điếm vào cuối Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Dưới đây là cận cảnh Bàn Môn Điểm - địa điểm quan trọng trong lịch sử hai miền liên Triều và những điều đặc biệt:

Nhà Hòa Bình gồm 3 tầng được dùng làm phòng hội nghị, nằm ở phần làng Bàn Môn Điếm thuộc Hàn Quốc. Tòa nhà này được ví như biểu tượng hy vọng trước đây của chính phủ Hàn Quốc trong việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Nhà Hòa Bình được xây dựng năm 1989 với mục đích là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán liên Triều. Tòa nhà này do Liên Hợp Quốc kiểm soát.

Dọc đường biên giới giữa hai nước, 6 căn nhà màu xanh và trắng đứng song song nhau, được xây dựng làm các địa điểm đàm phán.

Trong nhiều năm qua, có nhiều bức ảnh chụp lại cảnh binh sĩ Triều Tiên nhìn vào căn phòng này từ ngoài cửa sổ trong khi phái đoàn Hàn Quốc đang ở bên trong.

Báo cáo nội dung của các cuộc họp mặt đặt trong một hộp thư đề chữ KPA (viết tắt của Korean People’s Army - Quân đội Nhân dân Triều Tiên) trong phòng họp.

Phòng họp có những chiếc bàn - nơi đại diện Hàn Quốc và Triều Tiên ký hiệp định ngừng bắn vào ngày 27/7/1953. Bàn Môn Điếm được biết đến với tên gọi “làng đình chiến” - nơi từng tổ chức hàng trăm cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên.

Trước khi Thượng đỉnh liên Triều diễn ra, phía Hàn Quốc cho tu sửa lại phòng họp Hòa Bình, bao gồm đặt bàn ghế mới ở trung tâm phòng, treo bức tranh vẽ núi Geumgang (Kim Cương) từng được coi là biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác liên Triều.

Những người làm công được thuê quét dọn ở phía Triều Tiên.

Cây cầu “Không quay lại” - nơi tù binh chiến tranh được chọn đi về phía Bắc hoặc phía Nam sau khi thỏa thuận ngừng bắn năm 1953 được ký.

Lính Triều Tiên đi qua một bức tranh tuyên truyền ở Bàn Môn Điếm. Bàn Môn Điếm từng chứng kiến một số vụ đụng độ chết người, trong đó có vụ binh sĩ Triều Tiên tấn công nhóm lính Mỹ chặt cây trong làng đình chiến năm 1976. Sự việc khiến hai người Mỹ thiệt mạng.

Du khách được phép tham quan bên phòng hội nghị ở Bàn Môn Điếm.

Khi tới nơi đây, du khách tận mắt chứng kiến cảnh lính gác Triều Tiên và Hàn Quốc đứng đối mặt nhau mỗi ngày.

Du khách được chụp hình tại khu vực có đường biên giới giữa hai miền. Bàn Môn Điếm cũng là nơi duy nhất trên thế giới du khách phải ký giấy cam đoan tự bảo đảm an toàn cho mạng sống trước khi đặt chân tới.

Gần Bàn Môn Điếm cũng có Công viên Hòa Bình Imjingak. Người dân cũng thường xuyên để lại thông điệp mong muốn hòa bình và sự đoàn kết giữa hai miền trên các dải ruy băng buộc trên một hàng rào ở Khu vực phi quân sự.

Chia sẻ

Bài viết

Trọng Hiếu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất