Vòng quanh Thế giới

Cựu tử tù oan tốt nghiệp đại học

Theo Tuổi Trẻ
Chia sẻ

Bị kết án oan không có nghĩa là đời tàn theo năm tháng. Ryan Matthews ngồi tù năm 17 tuổi. Sau khi được giải oan, anh đã cố gắng học lấy bằng cử nhân. Trường hợp của Valentino Dixon cũng tương tự.

Ryan Matthews nhận bằng cử nhân tại Đại học Phụ nữ Texas (Mỹ) sáng 14-12-2019 sau khi bị kết án tù oan (trái) - Ảnh: Fox 4

Sáng thứ bảy 14/12/2019, Ryan Matthews trong lễ phục tốt nghiệp đã lên nhận bằng cử nhân khoa học tại Đại học Phụ nữ Texas (Mỹ). Trên tay áo thụng của anh có thêu dòng chữ nhỏ: “Người bị án oan số 115”. Ít ai ngờ cách đây 15 năm, Ryan lại là tử tù. Chuyện xảy ra 15 năm về trước mà cứ ngỡ như mới hôm qua.

Án tử hình năm 19 tuổi

Ryan Matthews lớn lên ở ngoại ô New Orleans (bang Louisiana, Mỹ). Anh bỏ học, thường đi chơi với một người bạn thân. Một đêm tháng 4/1997, một tên cướp đội mũ trùm mặt bắn chết chủ tiệm tạp hóa ở Bridge City cách New Orleans 16km. Cậu thiếu niên da đen Ryan 17 tuổi và bạn không đến Bridge City tối hôm đó nhưng xe ôtô của họ giống xe hung thủ theo mô tả của các nhân chứng. Chừng ấy chứng cứ đủ để họ bị bắt.

Ryan ngồi tù hai năm rưỡi. Đến ngày xét xử, bồi thẩm đoàn gồm 11 người da trắng và một người da màu đánh giá anh có tội. Ryan bị kết án tử hình lúc mới 19 tuổi. Nhớ lại ngày ấy, Ryan kể: “Tôi đã cố gắng để tâm trí tôi bên ngoài bức tường nhà tù. Tôi đọc sách. Tôi tập thể dục. Tôi viết.

Tôi không thể để nơi này hạ gục tôi. Tôi không thể nổi điên để rồi họ chiến thắng. Tôi đã dính đến chuyện tôi không làm, vì vậy nếu tôi mất trí, tôi sẽ mất đi động lực và sẽ không bao giờ thoát ra được”.

Bên ngoài, các luật sư và gia đình kiên trì chứng minh Ryan vô tội. Cuối cùng, kết quả xét nghiệm ADN trên mũ trùm mặt bỏ lại hiện trường đã giải oan cho Ryan. Ryan được trả tự do năm 2004. Hai tháng sau anh lấy chứng chỉ GED (tương đương bằng tốt nghiệp trung học).

Năm 2005, bão Katrina càn quét New Orleans khiến gia đình Ryan trắng tay. Họ dời nhà đến Denton (bang Texas) làm lại cuộc đời, còn Ryan quyết tâm theo học đại học tại Đại học Phụ nữ Texas (TWU).

Đi học lại không hề dễ dàng

Chuyện đi học của Ryan hẳn nhiên không hề dễ dàng. Chị Candice Matthews kể chị đã chứng kiến chồng mình về nhà sau ca làm lúc 12 giờ đêm tại công ty bao bì, sau đó đưa bốn đứa con đi học rồi mới học bài.

Nỗ lực của Ryan đã truyền cảm hứng cho cô chị Monique Coleman. Tốt nghiệp TWU xong, Monique tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ với mục đích sửa đổi luật pháp về án oan và đưa người bị kết án oan tái hòa nhập.

Bà Pauline Matthews, 71 tuổi, mẹ của Ryan và Monique, cũng trở lại trường và đang học ngành công tác xã hội tại TWU.

Hiện tại Ryan vẫn lo lắng quá khứ có thể khiến anh tìm việc khó khăn hơn. Dù vậy anh vẫn hi vọng có thể tìm được việc làm mới về kinh doanh, sau đó tiếp tục học cao học về quản trị tài chính - kế toán.

Chuyện án oan ở Mỹ không phải hiếm. Valentino Dixon lớn lên trong khu phố nghèo ở Buffalo (bang New York). Tháng 8/1991, năm Valentino 17 tuổi, một vụ cãi nhau xảy ra trước nhà hàng. Nhiều tiếng súng vang lên. Một thiếu niên 17 tuổi bị giết. Valentino bị bắt và bị kết án 39 năm tù mặc dù anh liên tục kêu oan.

Sau 7 năm trong tù, Valentino bắt đầu vẽ tranh về sân golf qua bức ảnh giám thị gửi cho xem vì anh chẳng biết chơi golf. Một ngày nọ, phóng viên tạp chí Gulf Digest viết bài về Valentino Dixon. Bài viết lan truyền khắp nước Mỹ. Trong khuôn khổ chương trình giải án oan của Đại học Georgetown, ba sinh viên điều tra và thực hiện phim tài liệu với lời khai quan trọng từ công tố viên. Ông này thừa nhận không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào kết tội Valentino.

Ngày 19/9/2018, Valentino Dixon được xóa án và được trả tự do sau 27 năm sau song sắt. Sau khi ra tù, anh đi khắp nước Mỹ kêu gọi cải cách hệ thống tư pháp để giảm các bản án oan sai. Anh vẫn tiếp tục vẽ tranh và mang tranh triển lãm.

1,5 triệu USD cho 45 năm ngồi tù oan

Cuối tháng 5/2019, ông Richard Phillips (73 tuổi) đã được bồi thường 1,5 triệu USD. Năm 1972, vì lời khai gian của nhân chứng, ông bị kết án tù chung thân về tội giết người. Nhờ chương trình giải oan của Đại học Michigan, ông được thả năm 2018 và trở thành phạm nhân ngồi tù oan lâu nhất nước Mỹ.

Sau khi ra tù, ông mưu sinh bằng cách bán tranh vẽ lúc còn vướng vòng lao lý. Tranh của ông khá phổ biến, được mua với giá vài nghìn USD. Từ năm 2016, bang Michigan đã lập quỹ bồi thường với số tiền lên đến 50.000 USD mỗi năm cho phạm nhân ngồi tù oan trong nhà tù của bang.

Bà Dana Nessel - bộ trưởng tư pháp bang Michigan - nhận xét: “Tái hòa nhập xã hội là việc vô cùng khó khăn đối với người bị kết án oan. Chúng tôi có nghĩa vụ bồi thường cho những người phải gánh chịu nỗi đau dai dẳng”.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Tuổi Trẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất