Vòng quanh Thế giới

Cuộc sống cô đơn, trầm cảm và bạo lực của những cô dâu ngoại ở Hàn Quốc

Ngọc Bích
Chia sẻ

Nhiều phụ nữ tới từ các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia hay Việt Nam làm vợ tại Hàn Quốc phải đối mặt với khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, nỗi cô đơn nơi đất khách quê người và thậm chí còn là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Nhiều nam giới sống ở vùng nông thôn Hàn Quốc không thể tìm vợ địa phương nên muốn tìm phụ nữ tại các nước châu Á, để cưới làm vợ. Nhưng các cuộc hôn nhân xuyên biên giới và văn hóa này liên quan tới nhiều thủ tục pháp lý và tiềm ẩn nguy cơ xung đột giữa những cô vợ ngoại quốc, chồng và người thân của đối phương.

Cuộc sống khác biệt và cô đơn

Han Sarang và Min Soo-kyung đến Haenam để kết hôn với chồng Hàn Quốc.

Năm 2008, Han Sarang, 28 tuổi, từ Campuchia đến một ngôi làng nông nghiệp ở huyện Haenam, tỉnh Jeolla Nam, nơi được gọi là “địa đầu” của Hàn Quốc. “Khi mới tới, tôi không biết Haenam là một nơi xa xôi như vậy”, cô nói.

Han đã quyết định đến Hàn Quốc từ khi còn học trung học. Cô xác định ngay từ đầu như vậy vì biết hoàn cảnh kinh tế không cho phép cô theo học cao hơn.

Cô đến một công ty mai mối quốc tế và được giới thiệu với người đàn ông sau này trở thành chồng cô. Cuộc gặp đầu tiên kéo dài vài giờ, và họ đã kết hôn một tuần sau đó.

Lần đầu tiên đến Hàn Quốc, khi thấy sân bay rộng lớn và ấn tượng, Han nghĩ mình đã đến một đất nước “tiên tiến”. “Nhưng sau đó tôi bị đưa đi càng lúc càng xa. Bò và xe máy bắt đầu xuất hiện. Cuối cùng, khung cảnh chẳng khác quê hương tôi”, cô nói.

Han tự hỏi liệu mình có thể kiếm sống ở mảnh đất này hay không. Cuộc sống ở nơi này khiến cô bối rối. Không biết tiếng Hàn có nghĩa là Han không hiểu những gì bác sĩ nói. Người Hàn Quốc cũng ăn cơm như người Campuchia, nhưng không phải là loại cô quen, ít nhất là lúc mới đến. “Tôi không có người bạn nào ở địa phương tới thăm và tôi luôn ở nhà một mình”, Han chia sẻ.

Nỗi cô đơn tương tự khiến một cô dâu ngoại quốc khác, Min Soo-kyung 30 tuổi đến từ Việt Nam, cảm thấy bị mắc kẹt. “Tôi bị trầm cảm, nhưng hai đứa con của tôi đã giúp tôi vượt qua”, Min, người đã đến Haenam 12 năm trước để kết hôn, nói.

Nỗi cô đơn trở nên tồi tệ hơn do cô không thể hiểu tiếng Hàn. Nhưng cô đã học được ngôn ngữ từ các bộ phim truyền hình mà cô yêu thích từ khi ở Việt Nam.

Theo Nikkei, cả hai người phụ nữ cũng nhận được hỗ trợ từ Trung tâm Hỗ trợ Gia đình Đa văn hóa của Haenam, nơi giúp họ kết nối với người dân địa phương và các cô dâu đến từ các quốc gia khác. Ở tỉnh Jeolla Nam, cứ 10 cặp vợ chồng thì có một cặp là hôn nhân đa quốc gia.

Các trung tâm do chính phủ điều hành trên khắp Hàn Quốc dạy các cô dâu ngoại quốc - những người thường bị bỏ lại một mình - tiếng Hàn cùng văn hóa và lối sống địa phương. Quan trọng hơn, các trung tâm này tạo điều kiện để các cô dâu ngoại quốc gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ các món ăn từ đất nước quê hương họ.

Số lượng các cuộc hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc đã tăng vọt trong những năm 2000 lên đến đỉnh điểm là hơn 40.000, tương đương 13,5% số các cuộc hôn nhân vào năm 2005. Con số này đã giảm, nhưng vẫn ở mức đáng kể 7,3% trong năm 2016.

Yếu tố lớn nhất đằng sau sự gia tăng mạnh mẽ trong hôn nhân quốc tế là những khó khăn ngày càng tăng đối với đàn ông nông thôn Hàn Quốc trong việc tìm kiếm bạn đời, vì tổng dân số ở khu vực nông thôn giảm.

Đáng báo động, ban đầu chính quyền trung ương khuyến khích các cuộc hôn nhân giữa nam giới và phụ nữ dân tộc Triều Tiên sống ở Trung Quốc. Điều này làm tăng số lượng các cuộc hôn nhân với các công dân Trung Quốc, và xu hướng cuối cùng mở rộng sang cả phụ nữ Đông Nam Á.

Thách thức và thực tế

Vụ người chồng Hàn Quốc đánh đập vợ người Việt một cách dã man đang khiến dư luận bức xúc. Ảnh: Korea Herald

Nhưng những cuộc hôn nhân như vậy đặt ra nhiều thách thức. Nhiều phụ nữ nước ngoài chấp nhận các cuộc hôn nhân giả để tìm việc làm ở Hàn Quốc.

Nhiều người vợ là nạn nhân của bạo lực bởi người chồng Hàn Quốc, mà đôi khi do tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại.

Nhiều cặp vợ chồng quốc tế chia tay sau khi không thể hòa giải sự khác biệt hoặc gỡ nút thắt căng thẳng giữa vợ và gia đình của chồng.

Theo một nhân viên hỗ trợ cho các bà vợ ngoại quốc, trong một trường hợp cực đoan, một gia đình sẽ không cho phép người vợ ra ngoài nếu không có người đi cùng, vì sợ cô ta chạy trốn. Tỷ lệ các cặp vợ chồng quốc tế trong tổng số vụ ly hôn ở nước này đạt đỉnh điểm 12,6% vào năm 2011.

Mới đây, vụ việc chị L.N.T.G, 30 tuổi, người bị chồng Hàn Quốc bạo hành tới gãy xương, đang gây xôn xao dư luận Hàn Quốc và Việt Nam. Người chồng 36 tuổi, bị bắt hôm 6/7 vì bạo hành vợ và lạm dụng con trai mới biết đi. Người đàn ông này tấn công chị L.N.T.G suốt 3 tiếng, từ 9h tối 4/7. Video cho thấy cảnh ông chồng chửi bới, liên tục đá và đấm vào người vợ tại nhà của họ ở Yeongam, tỉnh Nam Jeolla được đăng tải trên mạng xã hội vào sáng 6/7 đã khiến công chúng phẫn nộ.

Anh thậm chí còn đập cả chai rượu soju vào người nạn nhân. Nạn nhân khi đó chỉ biết cúi mình ở góc tường. Đứa con 2 tuổi của họ khóc bên cạnh mẹ và cuối cùng chạy khỏi phòng. Người quen đồng hương của nạn nhân đã báo vụ việc với cảnh sát và cho biết nghi phạm đã tấn công vợ anh ta vì cô ấy không nói tiếng Hàn trôi chảy.

Chị L.N.T.G hiện đang nằm viện, và bày tỏ nguyện vọng của chị là muốn ly dị, được cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc và hưởng quyền nuôi con.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Bích

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất