Vòng quanh Thế giới

Có gì trên mâm cơm ngày Tết của người dân châu Á?

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Không chỉ là ngày thân nhân sum vầy, tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, Tết còn là dịp thảnh thơi thưởng thức những món ngon mang ý nghĩa may mắn, cầu chúc năm mới tốt lành.

Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dày tượng trưng cho trời và bánh tét giàu hương vị quê nhà là những món ăn không bao giờ vắng mặt trên mâm cỗ đầu năm của người Việt. Bàn cơm ba ngày Tết cũng thơm lừng hương thịt kho trứng và canh khổ qua, cầu mong năm mới bình an, sung túc, mọi điều xấu xa khốn khó đều biến mất. Giống như chúng ta, người dân mỗi nước đều giữ phong tục thưởng thức món ăn truyền thống trong dịp lễ vui vầy này. Vậy bạn có tò mò liệu mâm cơm của người dân các nước châu Á khác có món ăn hấp dẫn nào không?

1, Hàn Quốc

Canh bánh gạo (tteokguk).

Vì những món ăn ngày Tết còn được dâng lên cho tổ tiên nên người dân xứ sở kim chi không dùng gia vị cay. Thay vào đó, họ chú trọng vào nguyên liệu tươi ngon, bổ dưỡng và hương vị đặc sắc. Món ăn chắc chắn phải có mặt trên bàn cơm của người Hàn ngày đầu năm chính là canh bánh gạo (tteokguk), được làm từ bột gạo nấu cùng nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa. Người đầu bếp làm bánh gạo dạng thỏi dài, vát chéo ngụ ý trường thọ. Ngoài ra, người Hàn còn thích ăn bánh xèo (jeon), dùng thịt thái mỏng, gia cầm, hải sản, và rau, trộn với bột mì hoặc tráng bột trứng, sau đó bỏ vào chảo chiên. Trên bàn ăn, họ thường nhâm nhi chút rượu gạo ngọt sikhye, vừa đưa cơm vừa hỗ trợ tiêu thực.

2, Nhật Bản

Osechi.

Người Nhật gọi những món ngon dành riêng cho ngày Tết là Osechi, gồm có Ozoni (một món súp công phu được nấu từ bánh gạo tẻ, tảo biển, hải sản hoặc thịt gà), mứt đậu đen, Tazukuri (cá mòi tẩm đường và tương rồi rán giòn), Ie Sebi (tôm rán vàng), bánh dày và nhiều loại thức ăn khác, xếp trong hộp quét sơn đỏ bên trong, phủ màu đen bên ngoài. Chiếc hộp càng đẹp bao nhiêu, năm mới càng may mắn bấy nhiêu. Đây Người dân xứ sở hoa anh đào không bao giờ bỏ qua cá trong mâm cơm ngày đầu năm, bởi họ quan niệm ăn cá sẽ giúp đầu óc minh mẫn, thân thể năng động hơn. Ngày đầu năm, bắt đầu từ người nhỏ tuổi nhất trong nhà, mọi người sẽ quay mặt về hướng đông và cùng uống rượu sake, chúc nhau một năm thịnh vượng an vui và ngồi xuống thưởng thức Osechi.

3, Trung Quốc

Sủi cảo.

Bàn cơm cúng tổ tiên ngày Tết của người Trung Quốc thường có bánh tổ để cầu mong sự nghiệp thăng tiến, gà nguyên con ngụ ý gia đình đoàn viên, củ cải trắng tượng trưng khởi đầu thuận lợi… song món đặc trưng nhất vẫn là sủi cảo. Trong lúc nấu món này, người ta thường phải cho thêm 3 lần nước lạnh vì từ này đồng âm với “phúc đi rồi lại đến”. Viên sủi cảo được nặn thành hình bán nguyệt, viền bánh phải được tạo hình khéo léo, đều đặn, gọi là “viền phúc”, sau đó kéo hai đầu liền lại giống như nén bạc để chúc năm mới phát tài. Người Trung Quốc còn có tục cho đồng xu nhỏ hoặc viên đường vào nhân sủi cảo bất kỳ, ai ăn được viên sủi cảo đó sẽ may mắn cả năm. Ngoài ra, họ còn giữ thói quen ăn cá vào ngày đầu năm (cá là “ngư”, đồng âm với “dư” trong tiếng Trung), hơn nữa còn để dư lại một chút để nguyện năm mới tiền nong rủng rỉnh.

4, Singapore

Gỏi cá Yu Sheng.

Không chỉ là “món tủ” ngày sinh nhật mà mì trường thọ cũng tiếp tục chiếm vị trí đặc biệt trong mâm cơm ngày Tết của người dân đảo quốc sư tử. Đây là món ăn thường được người trẻ trong nhà chuẩn bị cho ông bà, bố mẹ, cầu mong đấng sinh thành sống lâu, vui vầy bên con cháu. Gỏi cá Yu Sheng làm từ 27 nguyên liệu như cá hồi thái lát mỏng, các loại rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng, lạc rang, vừng, bột chiên nước sốt từ quả mận. Ngay cả nguyên liệu làm nên món ăn này cũng đều mang ý nghĩa tốt lành, như cá biểu trưng cho phồn vinh, cà rốt mang lại vận đỏ, củ cải trắng cầu mong sự thăng tiến, nước sốt ngũ vị tượng trưng “ngũ phúc”, sốt quả mận vàng rực ngụ ý may mắn tiền tài… Ngoài hai món trên, người Singapore còn ưa chuộng thịt khô Bak Kwa màu đỏ, gói trong giấy cũng một màu đỏ tươi.

5, Thái Lan

Cá chiên sốt ba vị.

Mâm cơm ngày Tết của người dân xứ Chùa Vàng có thể khiến bạn thòm thèm với các món ăn đa dạng đầy đủ sắc - hương - vị. Mở đầu là món Tom Yum Koong, súp tôm chua cay với dừa non và nấm thơm lừng, kèm mùi hương thanh thanh của xả, giềng, lá chanh, gừng… vô cùng độc đáo. Không chỉ thế, bàn tiệc của người Thái còn có Som Tam, món ăn pha trộn giữa gỏi đu đủ, tôm khô, ba khía và xôi nếp được nấu trong ống tre. Cà ri đỏ Kaeng Phed beo béo cay cay, cá chiên sốt ba vị giòn tan, chua chua ngọt ngọt cùng thịt gà nướng cuộn lá dứa thơm dịu lại càng điểm tô thêm sự vui mừng, an yên cho bầu không khí ngày Tết.

6, Lào

Lạp.

Món ăn “thương hiệu” của người Lào trong ngày Tết chính là lạp, có nghĩa là “lộc” trong tiếng Lào, cầu mong năm mới vận thế lên hương, bình an vui vẻ. Đây có thể xem là món gỏi “quốc hồn quốc túy” của người Lào, hòa quyện giữa vị tươi ngọt của thịt lợn, bò hoặc gà, béo bùi của tim gan, gia vị chua cay cùng rau thơm thanh mát giúp trung hòa hương vị, ăn mãi không biết ngán. Vị cay xé lưỡi đột ngột xộc thẳng vào miệng của lạp sẽ được cân bằng nhờ món xôi dẻo thơm.

7, Campuchia

Cà ri.

Cà ri chính là “ngôi sao” trên bàn tiệc ngày Tết Bon Chol Chnam của người dân Campuchia. Ngày đầu năm, ít nhất một thành viên trong nhà sẽ mang thức ăn lên chùa để các nhà sư làm lễ dâng lên tổ tiên, sau đó mới về nhà thưởng thức món cà ri thơm nức, ít cay chuẩn vị Khmer. Nước cốt dừa béo bùi quyện cùng vị tươi ngon của thịt cá, vị dẻo ngọt của khoai và cà rốt khiến món ăn càng thêm hấp dẫn. Vì có ưu thế về nguồn nguyên liệu nên người Campuchia rất chịu khó sáng tạo với cà ri, họ có thể nấu món này với nhiều loại thịt như lợn, gà, dê, cá, hay thậm chí… cá sấu.

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất