Vòng quanh Thế giới

Chân dung vị hoàng đế giàu nhất lịch sử nhân loại

Anh Anh
Chia sẻ

Hoàng đế Musa Keita I của Đế quốc Mali được coi là người giàu nhất lịch sử thế giới mọi thời đại, với khối tài sản lớn vượt xa nhiều tỷ phú nổi tiếng hiện nay. 

Hoàng đế Musa Keita I của Đế quốc Mali, được coi là người giàu nhất trong lịch sử nhân loại. Theo TIME, vị vua này còn được mô tả là người giàu hơn bất cứ ai từ trước đến nay. Nhà vua sinh năm 1280 và có khối tài sản trị giá hơn 400 tỷ USD.

Vua Musa Keita I lên nắm quyền năm 1312 và kể từ đó được gọi là Musa Mansa. Ông lên ngôi vào thời điểm châu Âu đang đương đầu với nạn đói, bệnh dịch hạch và chiến tranh. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Phi lại phát triển mạnh.

Ở thời kỳ hoàng kim của vua Musa, Đế quốc Mali có diện tích trải rộng hơn 3.200 km, bao gồm các khu vực ngày nay như Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea, Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria, Chad, kết quả từ quá trình xâm lược và sát nhập nhiều khu vực, có thể kể đến như Timbuktu hay Gao.

Vua Mansa Musa lần đầu thu hút sự quan tâm của thế giới vào năm 1324, khi ông thực hiện chuyến hành hương hơn 6.000 km đến thánh địa Mecca theo truyền thống đạo Hồi.

Chuyến đi khuếch trương sự giàu có của nhà vua khi ông mang theo đoàn tuỳ tùng hàng chục nghìn người bao gồm binh lính, nô lệ, thường dân, cùng 500 sứ giả mặc trang phục bằng lụa, đeo trang sức vàng, những đàn lạc đà và ngựa chở theo bao vàng thỏi.

Tại điểm dừng chân ở Cairo, Ai Cập, ông đã phân phát vàng cám và tiền cho người nghèo, đồ ăn cho đoàn tuỳ tùng. Tuy nhiên, sự hào phóng này đã dẫn đến một cuộc lạm phát kéo dài nhiều năm ở nơi này. Chuyến đi của nhà vua kéo dài hơn một năm.

Sự giàu có và chuyến đi hoành tráng của Mansa Musa đã đưa tên ông lên bản đồ. Chân dung minh hoạ ông xuất hiện trong cuốn Catalan Atlas năm 1375, một trong những bản đồ thế giới quan trọng nhất châu Âu thời Trung cổ.

Ngoài giàu có, sử sách còn ghi lại nhiều giai thoại khác về ông. Trong thời kỳ trị vì Đế quốc Mali, ông đã biến Timbuktu thành trung tâm văn hoá Hồi giáo. Chính ông là người cho xây dựng đền thờ Djinguereber vẫn tồn tại đến ngày nay, xây trường đại học và nhiều công trình khác.

Sau 25 năm trị vì, vua Mansa Musa qua đời năm 1337. Ông truyền ngôi cho vua Maghan I. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết số của cải của ông lớn đến mức khó có thể tính chi tiết. Giai thoại về sự giàu có của ông tồn tại qua nhiều thế hệ. Các công trình xây dựng như bảo tàng, thư viện, thánh địa, đền thờ… là minh chứng cho thời kỳ hoàng kim trong lịch sử Mali.

Chia sẻ

Bài viết

Anh Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất