Vòng quanh Thế giới

Khủng hoảng COVID-19: Chuyện gì đang xảy ra ở Campuchia và Thái Lan?

Song Long
Chia sẻ

Hai quốc gia Đông Nam Á, Campuchia và Thái Lan, đang đối mặt với làn sóng COVID-19 mới khi có những ngày ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục.

Sau khi giữ thế kiểm soát dịch COVID-19 trong phần lớn thời gian của năm 2020, Thái Lan lại đang phải chiến đấu với đợt dịch mới bùng phát. Hàng nghìn giường bệnh được dựng tại các bệnh viện dã chiến, giới chức khuyến cáo người dân nên ở nhà.

Hàng loạt ca nhiễm COVID-19 xuất hiện ở các địa điểm giải trí ban đêm ở thủ đô Bangkok vào tháng trước, ngay trước dịp Tết Songkran khi nhiều người Thái di chuyển về nhà để đón năm mới cùng gia đình. 

Khủng hoảng COVID-19: Chuyện gì đang xảy ra ở Campuchia và Thái Lan? Ảnh 1
Giường bệnh bằng bìa các-tông tại một bệnh viện dã chiến mới được dựng lên trong một sân vận động ở ngoại ô Bangkok hôm 18/4 sẽ là nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ảnh: Getty

Ngày 19/4, Thái Lan ghi nhận thêm 1.390 ca nhiễm và 3 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong của nước này lên lần lượt 43.742 và 104. Mức tăng mới thấp hơn con số 1.767 ca ghi nhận của ngày hôm trước. Tuy nhiên, theo Bangkok Post, chưa thể biết đây có phải là sự bắt đầu của xu hướng giảm ca nhiễm hay không.

Sau mức tăng hàng ngày kỷ lục vào tuần trước, giới chức Thái Lan đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát, gồm cả việc đóng cửa trường học trong hai tuần. Các quán bar bị đóng cửa, nhà hàng cấm phục vụ rượu và giờ mở cửa các trung tâm mua sắm được rút ngắn bớt ở những khu vực đông người như Bangkok.

Guardian dẫn lời giáo sư Anucha Apisarnthanarak, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Đại học Thammasat, cho biết các bệnh nhân trong làn sóng hiện tại liên quan đến chủng có khả năng lây nhiễm cao hơn chủng lần đầu được ghi nhận ở Anh, với những triệu chứng khác nhau bao gồm phát ban và mắt đỏ. Trong đợt dịch này, khoảng 40% bệnh nhân có các triệu chứng viêm phổi khi nằm viện - tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các đợt dịch bùng phát trước kia.

Trong hai hoặc ba tuần tới, nếu các ca bệnh vẫn gia tăng, chúng tôi có thể đối diện tình huống mà Tây Ban Nha, Anh hoặc các nước châu Âu đã gặp phải 6 tháng trước vì chúng tôi không có đủ cơ sở chăm sóc", ông Anucha nói.

Theo số liệu, gần 14.900 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở Thái Lan kể từ ngày 1/4, gần gấp đôi ca nhiễm của cả nước này trong năm 2020.

Hôm 19/4, một bệnh viện dã chiến thứ 4 được hoàn thiện tại trung tâm thể thao Bangkok Arena, nơi sẽ tiếp nhận các trường hợp nhiễm không có triệu chứng. Bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ được yêu cầu ở lại cơ sở này để tránh lây lan virus. Các khách sạn được chuyển đổi thành cơ sở chăm sóc người nhiễm cũng chấp nhận bệnh nhân không triệu chứng.

Tương tự, tại quốc gia láng giềng Campuchia cũng đang gấp rút ngăn chặn làn sóng lây nhiễm xuất hiện vào cuối tháng 2. Tuần trước, Thủ tướng Hun Sen cho biết đất nước này đang ở "bờ vực sinh tử" khi 2 triệu người trên khắp Phnom Penh và Ta Khmau đều bị phong tỏa vì dịch COVID-19. Hàng nghìn giường bệnh được thiết lập trong các sảnh tiệc cưới và trường học.

Campuchia ngày 19/4 ghi nhận 624 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 7.013, trong đó 45 người đã tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp quốc gia này ghi nhận hơn 600 ca nhiễm mới một ngày. Trước tình hình này, giới chức thông báo phân phát hơn trăm tấn gạo cho người dân Phnom Penh hỗ trợ họ trong thời gian phong tỏa.

Khủng hoảng COVID-19: Chuyện gì đang xảy ra ở Campuchia và Thái Lan? Ảnh 2
Sảnh trung tâm tiệc cưới được biến thành nơi kê giường bệnh cho những người mắc COVID-19 ở Campuchia. Ảnh: Reuters

Campuchia và Thái Lan từng là hai trong số các quốc gia Đông Nam Á có số ca mắc nhiễm  thấp trong năm ngoái, qua đó tránh được cuộc khủng hoảng y tế.

Thái Lan từng được khen ngợi vì nhanh chóng thực hiện nghiêm ngặt biện pháp phong tỏa vào tháng 4 năm ngoái để ngăn chặn COVID-19 nhưng chính phủ đã ngừng áp dụng biện pháp này một lần nữa do ảnh hưởng kinh tế. 

Theo trang web chuyên theo dõi số liệu Our World in Data, Thái Lan hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về chương trình vaccine khi tính đến ngày 17/4, chỉ chưa đầy 1% dân số 69,8 triệu của Thái Lan được tiêm vaccine.

Khủng hoảng COVID-19: Chuyện gì đang xảy ra ở Campuchia và Thái Lan? Ảnh 3
Một người đàn ông tiêm vaccine phòng COVID-19 ở bệnh viện Samut Sakhon, tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan hôm 28/2. Ảnh: Reuters

Chiến lược vaccine của chính phủ Thái Lan chủ yếu dựa vào vaccine AstraZeneca của Anh trong khi hãng này cho biết sẽ cung cấp các liều cho chính phủ Thái Lan vào tháng 6 tới. Chính phủ do đó bị chỉ trích vì không đảm bảo vaccine từ nhiều nguồn khác nhau. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuần trước cho biết ông đang tìm kiếm nguồn cung cấp các loại vaccine khác.

Cũng theo Our World in Data, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Singapore, đảo quốc có dân số 5,85 triệu người, có tỷ lệ dân tiêm vaccine lớn nhất, với khoảng 19% dân số đã tiêm ít nhất một liều. Còn trong 16,72 triệu người Campuchia, 7,5% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Xem thêm: Thi thể nhiễm COVID-19 trôi vào bờ, cả quốc đảo đóng cửa

Chia sẻ

Bài viết

Song Long

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất