Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Hoàng đế Naruhito đăng quang và làn gió mới cho nước Nhật

Khi kế vị cha là Hoàng đế Akihito, Nhật hoàng Naruhito là vị hoàng đế "tân thời" đầu tiên của Nhật Bản được đi du học và tự do phát triển.

Hoàng gia Nhật Bản đã chính thức bước vào kỷ nguyên mới khi Thái tử Naruhito lên ngôi Hoàng đế vào ngày 1/5. Tuy nhiên, lễ đăng cơ long trọng nhất sẽ diễn ra vào ngày 22/10, với nghi thức nghiêm cẩn đúng chuẩn Hoàng gia và sự tham dự của 2.000 khách quý từ Nhật Bản, hơn 170 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế khác.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi kế vị cha, ông khẳng định mình sẽ luôn hành động theo Hiến pháp và quan tâm đến suy nghĩ của người dân, đồng thời sát cánh cùng họ. “Tôi chân thành cầu nguyện cho hạnh phúc của nhân dân và sự hưng thịnh của quốc gia, cũng như hòa bình thế giới”, ông Naruhito nhấn mạnh.

Nhật hoàng Naruhito.

Naruhito là hoàng đế “hiện đại” đầu tiên của Nhật Bản. Thay vì lớn lên trong vòng tay bảo mẫu, ông lại được sống hạnh phúc cùng cha mẹ dưới một mái nhà. Khi lớn lên, Naruhito được đi du học, tiếp xúc với nền văn hóa cởi mở đa chiều của nhiều quốc gia, sau đó kết hôn cùng một cô gái thường dân nhưng xinh đẹp và tài năng xuất chúng. Ở tuổi 59, Nhật hoàng vẫn duy trì thói quen chạy bộ, nói tiếng Anh thành thạo và chơi đàn viola.

Sau khi lấy bằng cử nhân lịch sử tại Đại học Gakushuin danh tiếng của Nhật Bản, ông tiếp tục theo học khoa lịch sử kinh tế tại Đại học Oxford ở Anh. Cơ hội hiếm hoi được thoát khỏi vòng trói buộc ngột ngạt của Hoàng gia chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời Hoàng đế Naruhito. “Ở đó, tôi đã học được cách nghĩ cho bản thân mình, tự đưa ra quyết định và biến chúng thành hiện thực”, ông nói.

Ông là vị hoàng đế “tân thời” đầu tiên của Nhật Bản, được đi du học và tự do phát triển.

Với cương vị Thiên hoàng, ông Naruhito sẽ kế tục sự nghiệp của cha trong việc trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc của người dân xứ mặt trời mọc. Trước đó, cha ông là cựu Nhật hoàng Akihito đã thành công kéo gần khoảng cách giữa người lãnh đạo chế độ quân chủ với nhân dân bằng cách thăm hỏi những nạn nhân trong các thảm họa thiên tai và xây dựng hình ảnh gần gũi, bình dị. “Nguyên tắc đầu tiên của người nắm giữ ngai vàng chính là cùng chia sẻ niềm vui và nỗi đau với mọi người”, trích phát biểu của nhà vua trong ngày sinh nhật vào tháng 2 vừa qua.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu tại Cung điện Togu, Tokyo.

Naruhito kỳ vọng sẽ đại diện cho tính nhân văn trong con người Nhật Bản thông qua việc lưu giữ ký ức về Thế chiến II. Nhật hoàng Akihito không thể đưa ra lời xin lỗi chính thức nào trước cộng đồng thế giới, bởi luật pháp không cho phép các hoàng đế đưa ra phát ngôn về chính trị. Tuy nhiên, Akihito đã cầu nguyện cho các nạn nhân trong chiến tranh và bày tỏ sự hối tiếc và đau đớn sâu sắc vì hành động của quân đội Nhật Bản tại thời điểm đó.

Cũng như cha, ông Naruhito không ủng hộ việc bao che khuyết điểm và lỗi lầm của nước Nhật trong Thế chiến II.

Từ khi còn là Hoàng Thái tử, ông Naruhito đã tỏ thái độ không đồng ý với nếp suy nghĩ bênh vực Nhật Bản trong Thế chiến II. Theo Sven Saaler, nhà sử học tại Đại học Sophia ở Tokyo, Tân hoàng rất có thể sẽ thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về cuộc chiến này trong lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh vào ngày 15/8.

Song, Naruhito sẽ cần điều chỉnh tác phong của mình cho phù hợp hơn với tiêu chuẩn của Hoàng đế. Ông còn cho biết gia đình hoàng tộc cũng phải thích nghi với sự thay đổi của chế độ chính trị và kỳ vọng của người dân đối với mình qua thời gian. “Tôi muốn giải quyết những trọng trách mình đang gánh trên vai”, ông nói, bao gồm nhiệm vụ xóa bỏ nghèo đói, giúp đỡ cuộc sống của người già và trẻ nhỏ.

Hoàng đế Akihito và Hoàng hậu Michiko trong lễ cưới vào năm 1959.

Ernst Lokowandt, một chuyên gia người Đức nghiên cứu về các Hoàng đế Nhật Bản, cho biết Naruhito có thể sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường sau khi đăng cơ. Ông cũng cho rằng đời sống riêng tư của Hoàng đế Naruhito không có nhiều thay đổi. “Hoàng đế Nhật Bản rất gắn bó với quy tắc truyền thống”, Lokowandt nói.

Nhật hoàng Naruhito cũng đem lòng yêu và cưới một cô gái không thuộc dòng dõi quý tộc.

Masako, người vợ tào khang của Nhật hoàng Naruhito đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp của ông. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard và Oxford, bà quay về công tác tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Hình ảnh mạnh mẽ, độc lập và chuyên tâm vào sự nghiệp của bà có phần khác biệt với nét đẹp truyền thống của mẹ chồng - Hoàng hậu Michiko.

Trong hôn lễ cùng Thái tử 26 năm trước, bà từng tuyên thệ sẽ trung thành và hết lòng cống hiến cho Hoàng gia cũng như toàn thể người dân Nhật Bản. Với cương vị Thái tử phi, đồng thời là thành viên của Bộ Ngoại giao, mỗi một hành động của bà đều phải được suy nghĩ kỹ càng trước khi thực hiện.

Masako từng phải chịu sức ép nặng nề từ dư luận vì không có thêm hoàng nam sau khi hạ sinh Công chúa Aiko.

Sức khỏe của Masako chính là vấn đề khiến gia đình Hoàng gia lo lắng. Bà phải chịu căng thẳng và áp lực nặng nề khi liên tục bị hối thúc sinh hoàng nam cho gia tộc. Theo lời Nhật hoàng Naruhito, hiện tại tình trạng của bà vẫn chưa cải thiện nhiều. Do đó, tần suất bà Masako xuất hiện bên chồng ở nơi công cộng vẫn còn là một ẩn số.

Theo nhà sử học Saaler, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc xây dựng hình ảnh gần gũi với người dân của ông Naruhito. Dưới thời trị vì của Nhật hoàng Akihito, nhiều người cho rằng sở dĩ ông có thể thành công bồi đắp hình tượng dung dị với công chúng là nhờ sự trợ giúp của Hoàng hậu Michiko.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết dw

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơ hội cho Hoa hậu Ý Nhi
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?